Tân Phong – Việt Tân
Phần 1: CSVN – từ chư hầu trở thành tiện nghi chính trị của các bạo chúa
Một nửa lá phiếu của Việt Nam trong cuộc bỏ phiếu do Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 2 tháng Ba, 2022 nhằm đưa ra nghị quyết lên án cuộc xâm lược Ukraine do Putin phát động vừa qua đã rơi tõm vào sự ê chề, lạc lõng. Việt Nam và Lào là hai quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á bỏ phiếu trắng. Hà Nội im lặng trước một cuộc chiến tranh xâm lược vô lương và trắng trợn, dẫm đạp luật pháp quốc tế, giết hại người dân vô tội của một quốc gia độc lập mà Putin đang gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt.”
Và để biện hộ cho một nửa lá phiếu đáng xấu hổ của mình, Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo các kênh truyền thông “lề phải, lề giữa” nhắc lại luận điệu cũ mèm được coi như câu bùa chú cho chính sách “5 Không” của mình “Việt Nam không chọn bên, Việt Nam chọn lẽ phải.” Trong tình huống này, “lẽ phải” ở đây là sự tuân phục cường quyền, là toan tính lợi ích trước mắt của băng đảng, là sự hàm ơn một thể chế đã từng nuôi mớm cho chế độ hiện thời ở Việt Nam nhưng đã sụp đổ từ lâu.
Người Việt có nhiều ca dao tục ngữ được cho là một chuẩn mực đạo đức truyền thống như “ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”, “ăn cây nào, rào cây đó”, “uống nước, nhớ nguồn”… Tựu chung là nói về đức tính biết ơn, lòng trung thành bảo vệ những ai đã giúp đỡ mình. Kể ra thì đó là tình cảm tất nhiên và tốt đẹp giữa con người với con người. Tuy vậy, ở đây sẽ có những mâu thuẫn giữa lương tri, lẽ phải và những ràng buộc xuất phát từ sự hàm ơn.
Việt Nam là quốc gia đã nhận hỗ trợ to lớn từ Liên Xô và Trung Quốc trong cả hai cuộc chiến tranh Đông Dương. Từ vũ khí, đạn dược, xe tăng, tên lửa, máy bay cho đến đôi dép, bộ quân phục, miếng lương khô, cái mũ cối… tất cả đều từ Nga Sô và Trung Cộng. Hầu hết lớp lãnh đạo, giới chức trung, cao cấp ở Việt Nam đều được đào tạo ở hai “cường quốc Đỏ” này và các quốc gia Đông Âu từ những năm 50 thế kỷ trước. Thậm chí cho tới nay, việc đào tạo huấn luyện cán bộ, quy hoạch cán bộ Việt Nam cũng vẫn được do các trường đảng và đại học ở Trung Quốc “bồi dưỡng.” Hàng chục ngàn những “hạt giống” đã du học như trường hợp ông Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Phú Trọng… trong những năm tháng đất nước đói nghèo và chiến tranh ác liệt nhất. Khi trở về nước, họ đều mang theo tình cảm, sự sùng bái và lòng biết ơn với Trung Quốc, Liên Xô và được “qui hoạch” vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt của bộ máy cầm quyền CSVN.
Sự sùng bái thậm chí đã quá mức trở thành những totem thiên kiến chính trị trong trí óc vốn dĩ hoàn toàn vắng bóng khả năng phản biện và khai minh. Sự thuần phục đã được in dấu trong tiềm thức, bị trói buộc bởi những “tiêu chuẩn” truyền thống đạo đức, khiến cho những người cộng sản Việt Nam hoàn toàn không có sự phân định đúng sai, phản kháng chính trị để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những áp lực từ những “đồng chí tốt, láng giềng tốt.”
Tuy không hẳn là lúc nào lòng trung thành của người CSVN cũng bền chặt, nó tùy thuộc vào luồng gió chính trị trong nội bộ đảng và sức mạnh hậu thuẫn của ngoại bang. Khi sức mạnh của Trung Quốc áp đảo và nguồn viện trợ dồi dào thì những văn nô của đảng ngày đêm ca tụng “lãnh tụ” Mao như vầng thái dương chói lòa.
Bác Mao nào ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao
(Chế Lan Viên)
Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng
Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao
(Tế Hanh)
Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
(Tố Hữu)
Khi luồng gió từ Mạc Tư Khoa lấn át thì giọng điệu của đảng cũng thay đổi nhanh không kém gì tốc độ của Internet. Hãy đọc một đoạn thơ của “nhà thơ, nhà chính trị, nhà kinh tế lỗi lạc” của chế độ CSVN là Tố Hữu khi ca ngợi Stalin như sau:
Xta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng con thơ gọi Xta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hòa bình trắng trong…
Đêm qua, loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao!
Làng trên xóm dưới xôn xao
Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi!
Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.
(Trích đoạn ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG – tập thơ Việt Bắc 1954)
Tâm thức nô lệ này được xướng lên từ miệng lưỡi đám văn nô, bồi bút của đảng. Nó được truyền bá, nhồi nhét vào đầu óc những thế hệ sinh ra ở miền Bắc trước 1975, từ mũi Cà Mau cho đến Ải Nam Quan (đã mất) kể từ sau 1975 tới tận ngày nay.
Nó xuất phát từ sự phụ thuộc về kinh tế, chính trị, tôn sùng sức mạnh và đớn hèn của tầng lớp lãnh đạo CSVN, cũng như bị ràng buộc bởi lợi ích băng đảng và hi vọng được bảo kê từ thế lực chính trị ngoại bang. Nó được ngụy biện bằng lớp vỏ “truyền thống đạo đức – uống nước nhớ nguồn” mà như Ban Tuyên Giáo vẫn rêu rao.
Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng “5 Không” và tuyên bố “muốn làm bạn với tất cả.” Kỳ thực, Hà Nội không chỉ đu dây giữa một đầu là Trung Quốc, một đầu là Hoa Kỳ. Hà Nội đu dây với tất cả các thế lực ngoại bang có lợi ích và mâu thuẫn đối chọi, cạnh tranh lẫn nhau. Dựa trên những ưu thế địa chính trị – quân sự, địa kinh tế và nguồn tài nguyên, nhân lực dồi dào rẻ mạt, đảng CSVN nắm quyền con buôn độc quyền, bán đứng tất cả, cốt chỉ để thu lợi cho băng đảng và đám chóp bu Ba Đình. Chính sách ngoại giao, chính trị, quân sự của CSVN có những nét tương đồng kỳ lạ với chính sách bang giao với các cường quốc của triều đình Mãn Thanh trong “thế kỷ tủi nhục.”
Mặc dù duy trì một đội quân đông đảo nhất nhì Đông Nam Á và tiêu tốn nguồn lực khổng lồ, nhưng đội quân ấy chỉ làm được tốt nhất việc buôn lậu, tham nhũng từ các hợp đồng mua vũ khí, xây dựng, hậu cần trong quân đội và cướp đất. Việc bảo vệ chủ quyền, Hà Nội phải cậy nhờ việc hợp tác khai thác dầu khí với Nga để các tập đoàn vốn là sân sau của Sa hoàng Putin “trông nom, bảo vệ” vùng thềm lục địa phía Nam. Tương tự như vậy với các tập đoàn của Hoa Kỳ ở các khu vực nằm trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ với Liên Xô được giới chức Hà Nội duy trì với một thực thể chính trị đã phai màu cộng sản là Liên Bang Nga của Putin. Các lợi ích của Liên Xô cũng vẫn được Hà Nội duy trì với những đặc quyền mà không một quốc gia nào có được như với việc ưu tiên sử dụng quân cảng Cam Ranh chỉ cần báo trước 24 giờ đối với các tàu của hải quân Nga.
Hà Nội hợp tác “toàn diện” với Bắc Kinh và duy trì quan hệ “chiến lược” với Hoa Kỳ, gia nhập “Con đường tơ lụa” lẫn CPTTP và cả RCEP. Điều quan trọng nhất với đảng CSVN đó là: Tiền. Đó cũng chính là “lẽ phải” duy nhất của CSVN.
Đứng trước một tội ác chống lại loài người, một cuộc chiến tranh phi nghĩa vô lương do Putin phát động, Hà Nội chọn im lặng với việc bỏ phiếu trắng tại LHQ trong khi ngấm ngầm chỉ đạo các ban ngành tuyên giáo, giáo dục, đoàn thanh niên, dư luận viên, phụ nữ, hội cựu chiến binh ra sức ngăn chặn và report các ý kiến lên án cuộc xâm lược Ukraine trên mạng xã hội.
Ngoài những xiềng xích vô hình từ tâm thức nô lệ và toan tính thiển cận, Hà Nội có một nỗi lo sợ mơ hồ khác. Đó là tinh thần đấu tranh quả cảm của người dân Ukraine không phải chỉ chống lại một đội quân xâm lược. Họ còn chống lại sức mạnh chuyên chế, độc tài. Người dân Ukraine yêu Tự Do và các giá trị của văn minh Phương Tây như Nhân Quyền và Dân Chủ. Tổng Thống Zelensky – một diễn viên hài đã trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng đang tập hợp được sức mạnh của cả quốc gia, đập tan đội quân của tên đồ tể Điện Kremlin – Vladimir Putin.
Cuộc chiến ở Ukraine xa xôi ngàn dặm, nhưng hơi nóng của lò lửa chiến tranh đã phả tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Người ta đang nói tới nhiều hơn về những cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai ở Đài Loan và Biển Đông. Nhưng theo tôi, việc ở Ukraine hãy đề người dân Ukraine tự định đoạt, việc ở Đài Loan cũng vậy. Những dân tộc anh hùng, tự cường, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tự Do và Tôn Nghiêm của một quốc gia Độc Lập ấy nhất định sẽ chiến thắng và đánh bại kẻ xâm lược.
Nhìn lại dân tộc Việt Nam, cái hùng khí của một dân tộc 4000 năm với lịch sử giữ nước hào hùng, đánh tan hàng trăm cuộc xâm lược từ người láng giềng to xác, thâm hiểm và tham lam là Trung Quốc… dường như quá mức mai một, bạc nhược thảm hại làm sao. Tâm thức nô lệ không chỉ ăn sâu vào não trạng của đám quan chức mà còn đa phần những người dân ở phía trên vĩ tuyến 17. Nó là kết quả của một quá trình tẩy não lâu dài qua nhiều thế hệ. Người cộng sản đã thành công trong việc hủy hoại ký ức, tha hóa nhân tâm và lương tri của dân tộc này.
Đừng lo Trung Quốc sẽ đánh chiếm biển đảo Việt Nam. Vì thực chất, CSVN từ lâu đã là một chư hầu tuân phục hoàn toàn Bắc Kinh và giờ đây họ đã trở thành một thứ tệ hơn cả chư hầu. Thể chế chính trị bại hoại này đã trở thành một thứ tiện nghi chính trị cho các cường quốc. Không chỉ là con bài trong tay Trung Cộng, mà chỉ cần một chút lợi ích cho đảng Cộng Sản, Việt Nam cũng sẽ là một tiện nghi tùy ý sử dụng của Putin hay bất cứ bạo chúa nào.
Tân Phong