Di dân là hiện tượng bình thường trên thế giới, nhưng cuộc di dân, nhất là di dân tự phát kiểu kiếm cơm như ở nước ta thì không thể coi là lành mạnh được…
Một cuộc tháo chạy “vĩ đại” với hàng triệu người khỏi các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội… cuối năm 2021 còn đọng lại đến nay như một nỗi ám ảnh ghê gớm, và chính nó đã phơi bày trước mắt chúng ta cái sự thật của những khiếm khuyết trong tổ chức đời sống, những bất ổn trong nền kinh tế, trong sản xuất và thiết định các vấn đề có tính nền tảng của xã hội.
Nếu nông thôn có được những cơ hội và điều kiện cho đời sống ở mức trung bình thì có lẽ sẽ không mấy người rời bỏ để chạy ăn nơi đất khách. Trừ một thiểu số lên thành phố để khởi nghiệp thật sự thì phần còn lại chiếm đa số chỉ là đi “kiếm ăn” theo đúng nghĩa đen của từ này. Thu nhập trung bình của lao động tự do hay công nhân trong các nhà máy xí nghiệp so với mức sống hiện nay cũng chỉ đủ để trang trải những nhu cầu tối thiểu chứ không thể đổi đời.
Nhìn vào cuộc di tản vừa qua và bức tranh nông thôn, chúng ta thấy nó bộc lộ gương mặt của quản trị xã hội “có vấn đề” khi đã không gây dựng được một cơ cấu kinh tế đa dạng và phù hợp với một thu nhập đủ để an dân trên các vùng đất vốn đầy lợi thế về nông nghiệp, về ngư nghiệp, về du lịch và dịch vụ. Không những thế, những vùng nông thôn đang bị tàn phá bởi những bàn tay lông lá của quyền và tiền với phân lô bán nền, với đào núi lấp sông, với ô nhiễm trầm trọng…
Di dân vốn là một hiện tượng bình thường trên thế giới, nhưng cuộc di dân, nhất là di dân tự phát theo kiểu kiếm cơm như ở nước ta thì không thể coi là lành mạnh được. Người dân nông thôn phải đi làm thuê để kiếm ăn qua ngày; trên vai họ là cha mẹ già đau ốm, là con cái học hành, là nợ nần nhà cửa. Không đi sao được khi ở quê vào ra trà vặt rượu nát, nếu không lâm vào nghèo túng thì cũng hư hỏng con người.
Nông thôn thì bán đất ăn dần, về phố thị thì bán sức mưu sinh đắp đổi qua ngày. Chỉ cần một biến cố thôi như dịch bệnh lần này thì tất cả sẽ phơi trắng ra: không có phúc lợi an sinh, không một nơi để bấu víu. Cái gì đang đợi họ ở quê sau những ngày đi xe máy, xe đạp, đi bộ vượt núi băng rừng để về nhà? Không có gì nhiều cả ngoài một nơi thân thuộc đã từng gắn bó.
Nếu anh em, cha mẹ, họ hàng, bè bạn ở quê có nổi vài triệu đồng thì “đoàn quân” hàng vạn con người ấy đã không phải đi bộ, đạp xe hay chạy trên những chiếc xe máy đầy bất trắc để vượt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số như thế.
Việt Nam có diện tích đô thị trên tổng diện tích quốc gia chỉ chiếm khoảng 10% nhưng lại có dân số đến hơn 60% và GDP 70% cả nước. Những con số “lệch lạc” này không phải chỉ dừng lại ở đó, mà quan trọng hơn là thực trạng của phần lãnh thổ còn lại (nông thôn), đó là thực trạng của sản xuất, của quản lý, của chính sách. Cuộc di dân về phía đô thị chính là câu trả lời giản dị nhưng rõ ràng cho thực trạng ấy.
Phải làm gì với hơn 90% diện tích nông thôn của đất nước? Quốc gia chỉ phát triển hài hòa, phồn thịnh, và chấm dứt cuộc di dân tự phát đầy bất trắc này khi giải quyết được những vấn đề của nông thôn. Không những phải giữ được người dân ở lại quê hương mà còn phải kéo được cả thị dân rời khỏi thành phố. Dân cư phải được phân bố lại bằng một nền sản xuất bền vững, bằng an sinh lâu dài.
Đất đai trù phú nhưng bị xé lẻ, một nền sản xuất lớn và hiện đại không hình thành được. Ngày nay, nhiều cánh đồng đang dần bị bỏ hoang nham nhở vì nông dân đã đi vào nhà máy làm thuê; biển cũng dần khan hiếm hải sản vì nạn đánh bắt tùy tiện phi pháp cùng với tình trạng nhiễm độc trên diện rộng; ô nhiễm môi trường từ đồng ruộng, sông ngòi ngày một trầm trọng.
Chúng ta vẫn đang phải sống cùng một nền nông nghiệp nặng tính tự phát với tình trạng trồng rồi chặt, “giải cứu” liên miên. Bài toán quy hoạch, bài toán phát triển nông nghiệp bền vững trong liên thuộc với các loại hình và dịch vụ mang tính hệ thống dưới sự điều tiết của nhà nước và kinh tế thị trường dựa trên quy luật giá trị dứt khoát phải được thiết lập.
Giấc mơ về một nước công nghiệp hiện đại có lẽ còn dài lâu vì nó vốn không dễ dàng với chúng ta; tuy nhiên, một nền nông nghiệp cường thịnh lại không phải chỉ là ảo mộng – nó nằm trong tầm tay Việt Nam ta.
Chúng ta có đủ lợi thế để xây dựng một nền nông nghiệp như thế.
Vực dậy nông thôn Việt Nam, bồi bổ nông nghiệp nông thôn từ bên trong bằng tư duy chiến lược và chính sách bền vững để những vùng quê tráng kiện trở lại. Theo đuổi sự giàu có luôn cần đi kèm với ổn định và sự cân bằng sinh thái. Một đất nước đáng sống không phải chỉ là một đất nước có thật nhiều nhà máy hay kiếm được thật nhiều tiền.
Truyền thống nông nghiệp, lợi thế dân số và dân cư cộng với điều kiện tự nhiên đặt trong bức tranh chung của xu thế và kinh tế thế giới có nên là những tiền đề cho một quyết sách trọng đại: chuyển dịch trọng tâm vào nông nghiệp và nông thôn?
Thái Hạo