Chuyện tiền lên biên giới và róc xương hoa hậu

- Quảng Cáo -

Vu Kim Hanh|

Mấy ngày qua, quá bận với núi công việc mấy ngày cuối trước Mekong Connect lại thêm cái tang ông anh ụp xuống, vậy mà tôi không thể không nghĩ mãi về 2 câu chuyện này…

30.000 TỶ LÀ BAO NHIÊU SỐ 0 VÀ HÔ BIẾN LÊN BIÊN GIỚI KIỂU GÌ ?

Hôm qua, thông tin từ Hà Nội đang gây chú ý là: khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can, hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30 ngàn tỉ đồng) từ Việt Nam lên biên giới, ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

- Quảng Cáo -

Đưa tiền qua biên giới? Trong khi mọi người hình dung tổng thể tích khủng khi vận chuyển lượng tiền đếm không xuể số 0 này thì tôi lại nghĩ đến một cuộc vận chuyển hàng khác lên biên giới. Và tự hỏi, những 30 nghìn tỷ đồng thì mua được bao nhiều tấm bạt phủ ấm cho các trường học và xây được bao nhiêu ngôi trường mới cho trẻ vùng cao?

Vâng, các bạn trẻ đang gom từng tấm bạt cũ đưa lên vùng cao biên giới phía Bắc! Những tấm bạt cũ này nhằm phủ ấm mái rơm các trường, làm ấm các lớp học. Cùng với hàng loạt tấm bạt kiên trì chuyển lên vùng cao, các bạn còn đưa ra mô hình gây quỹ 270 đồng/ngày để xây các điểm trường, huy động được 5.000 người nuôi cơm cho 5.000 trẻ vùng cao….

Bạn trẻ Hoàng Hoa Trung đang xây dựng chương trình: “Sức mạnh 2000-tiền lẻ mỗi ngày xây nghìn trường mới” và “Ánh sáng núi rừng-mỗi năm một ngôi trường mới cho trẻ vùng cao”..

Ai nói có những kẻ nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm giàu bất chính, thì những bạn trẻ này nhìn đâu cũng ra mô hình và thấy tiền để chia sẻ trách nhiệm xã hội, thấy cách để khơi dậy tình thương trong mọi người cùng chăm lo cho trẻ nghèo biên giới đi học.

Hãy nhìn các cô giáo cắm bản đến nhà các em học sinh buổi tối để thuyết phục cha mẹ cho các em đi học (ảnh).

RÓC XƯƠNG LỘT DA “HOA HẬU”?

Ngày 15/12, tại hội nghị kết nối đầu tư do tỉnh Gia Lai phối hợp với câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức, ông Trịnh văn Quyết hết lời ca ngợi: “Một nàng tiên đang ngủ”, đó là tiềm năng của Gia Lai – tỉnh có diện tích lớn thứ nhì Việt Nam, nằm tại khu vực Tây Nguyên. Và ông cam kết: “Tôi là người “tiên phong” đánh thức “Hoa hậu Gia Lai”.

Trong năm 2021, FLC cam kết sẽ khởi công dự án sân golf huyện Đak Đoa. Gia Lai là địa điểm có điều kiện về tự nhiên, khí hậu, dân số rất tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có.

Đánh thức “Hoa hậu Gia Lai” bằng cách nào? Báo Tuổi Trẻ ngày 19/12 có bài phân tích: Rừng Đak Đoa 174ha thông cổ thụ đẹp như mơ có nên biến thành sân golf?

Để đánh thức hoa hậu, phải chuyển đổi hàng trăm hecta đất rừng, trong đó gần 156ha thông gần 50 tuổi với số lượng cây thông ba lá quý giá khá lớn, mà thảm thực vật tại đây sẽ biến mất…

Trước đó, cuối tháng 11-2020, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình về việc xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án sân golf Đak Đoa. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng tờ trình của UBND tỉnh Gia Lai không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo nên chưa đủ cơ sở để thẩm định hồ sơ dự án.

Ta biết: Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng những quỹ đất không có tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi qua làm sân golf. Đó là các khu vực đất lúa kém năng suất, đất làm muối, đất hoang hóa, khó canh tác hoặc không canh tác gì được mới ưu tiên làm sân golf.

Một mánh lới nữa để xin làm sân goft là luôn phải có “Bia kèm mồi”. Chi phí làm sân goft lớn, thu hồi vốn lâu, do đó, để thu hồi vốn nhanh hơn, chủ đầu tư thường phát triển thêm bất động sản nghỉ dưỡng cho thuê để huy động vốn từ bên ngoài, kể cả có các dự án bất động sản liền kề gọi là các khu khách sạn nghỉ dưỡng để kinh doanh cho thuê, tận dụng lợi thế cảnh quan sân golf.

Đau lòng viễn cảnh – mà cũng chẳng viễn -174 ha rừng thông cổ thụ Dak Doa bị bóc sạch. Thảm họa môi trường, ai chịu đây?

- Quảng Cáo -