Giá xăng dầu nhảy múa… đúng ‘định hướng’

- Quảng Cáo -

Mai Lan (VNTB)

Saigon Petro đang áp dụng chính sách “bán theo tiến độ”

Một số trạm xăng treo biển báo: Trụ tạm ngưng phục vụ, trụ tạm ngưng để sửa chữa và thậm chí có trạm xăng hạn chế số lượng bán ra dưới 50.000 đồng đối với mỗi lượt khách hàng đi xe máy.

Một đại diện của đơn vị Saigon Petro phân trần, “Những đơn vị khác thiếu hàng, chúng tôi không thể đáp ứng đủ được mà chỉ đảm bảo cho tiêu thụ bình thường của hệ thống của mình”, vị này nói, đồng thời cho biết Saigon Petro đang áp dụng chính sách “bán theo tiến độ”, theo lượng lấy hàng bình quân của 2 tháng qua, nhằm tránh tình trạng thương nhân lấy hàng để tích trữ, đầu cơ chờ giá lên.

- Quảng Cáo -

Chẳng hạn, các thương nhân trước đây chỉ lấy 500 m³ xăng dầu bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp này chỉ bán theo đúng số lượng này nhưng theo tiến độ. Mỗi ngày, các thương nhân sẽ nhận hàng theo định mức chứ không bán một lần.

Chiều ngày 18-2, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã nắm được sự việc và đang tìm hướng khắc phục. “Vụ Thị trường trong nước đã nắm được thông tin và Bộ Công Thương đang tiếp tục làm chặt công tác thanh kiểm tra, quản lý thị trường. Trong 7 – 10 ngày nữa, tình hình sẽ tốt hơn do hàng được các đầu mối bổ sung nhiều hơn từ nguồn nhập khẩu”, đại diện Vụ Thị trường trong nước nói.

Vẫn theo vị này, người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu thời điểm này chỉ mua đủ lượng cần thiết, không tích trữ mặt hàng với tâm lý giá sẽ tăng. Việc tích trữ này cũng sẽ không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy.

Hiện, giá dầu thế giới đang diễn biến động mạnh do căng thẳng chính trị. Trong khi đó, ở trong nước, sản lượng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bị cắt giảm công suất khiến nguồn cung cũng bị ảnh hưởng.

“Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi rất sát tình hình, đề xuất phương án phù hợp và hài hòa nhất, trong đó đề xuất Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo quy định của Nghị định 95, nhằm đảm bảo giá sát hơn, tạo nguồn và đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp”, đại diện Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin từ Bộ Công thương, sau khi được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bổ sung tạm thời về tài chính, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nâng công suất hoạt động, nhưng cũng chỉ sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ ngày 12-3 và lên mức 100% từ ngày 15-3. Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất này cũng chỉ mang tính “tạm thời” đến khoảng tháng 5-2022.

Do vậy, với công suất vận hành hiện nay là 55%, và tiến độ giao hàng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong tháng 2 này hiện cũng chưa được bổ sung hoàn toàn và kịp thời theo nhu cầu của thị trường nên biến động liên tục về thị trường xăng dầu như đang diễn ra là không mấy bất ngờ. Điều này cũng cho thấy dù tình hình sắp tới có cải thiện hơn, nhưng thị trường xăng dầu vẫn chưa thể gọi là “hoàn toàn chấm dứt tình trạng có nơi thiếu hàng cục bộ”.

Ý kiến về vấn đề trên, tổ chức Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng nếu như việc khôi phục sản xuất của Nghi Sơn chỉ được đảm bảo đến tháng 5-2022 thì ngay lúc này cần phải có một câu trả lời rõ ràng để có giải pháp tổng thể, ví dụ như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất hay tiếp tục kế hoạch cung ứng cũng cần phải có thông báo rõ ràng để các doanh nghiệp phân phối có sự chủ động phương án nhập khẩu, tạo nguồn thay thế vì để cận ngày lại nói “không có” sẽ tiếp tục gây nên nguy cơ đứt gãy hệ thống.

Thông thường các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn sẽ trên cơ sở đánh giá tình hình nhu cầu thị trường và giá cả, họ sẽ đàm phán để có giá tốt với những hợp đồng dài hạn, chiếm từ 40-50% lượng mua vào.

Các hợp đồng mua theo quý sẽ chiếm từ 20 – 30%, còn lại tỉ lệ nhỏ hơn sẽ mua theo chuyến. Nếu nguồn cung bị đứt gãy mà không xác định rõ thời gian thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch cung cấp hàng, khi chuyển hướng nhập khẩu sẽ phải chấp nhận mua giá cao và bị ép giá là điều mà doanh nghiệp này cũng nằm lòng.

Phát biểu dưới giác độ là tổ chức hội nghề nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo – chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trên thị trường nên cần thực hiện các nghĩa vụ cam kết với nhà mua hàng.

Việc dừng hoạt động đột ngột vì lý do khó khăn về tài chính là không chấp nhận được. Bởi doanh nghiệp này cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường, phải chịu chế tài phù hợp, không thể giảm sản lượng với lý do khó khăn về tài chính mà bắt các doanh nghiệp, người dân phải chiều theo được…

Vấn đề đặt ra là dường như phải đến nhiệm kỳ của chính phủ Phạm Minh Chính thì các hệ lụy từ chuyện ‘dọ dẫm’ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới bắt đầu ‘phát lộ’, với việc an ninh năng lượng trong nhiệm kỳ trước đó của chính phủ gần như chỉ phụ thuộc Nghi Sơn (?!)

ML

- Quảng Cáo -