Rét tràn về những ngày cuối năm. Nhưng là cái rét của thiên nhiên chỉ kéo dài trong vài ngày, có thể chống chọi, chưa phải là mối lo lớn.
Mối lo lớn, có thể ví như như một đại băng hà chưa thấy ngày dứt nhưng tiếp diễn mỗi ngày một nặng hơn – là con bạch tuộc tham nhũng khổng lồ thần thông quảng đại có hàng chục triệu vòi tham nhũng, mà công ty Việt Á chỉ là một vòi nhỏ trong số đó. Sự thần thông quảng đại của quái vật bạch tuộc tham nhũng nằm ở chỗ, bị chém một vòi thì lập tức phát hiện mọc ra trăm vòi.
Việt Á rồi sẽ bị xử lý. Nhưng sẽ có hàng trăm Việt Á mới xuất hiện. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không đủ sức để xử lý.
I. BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TIÊU TIỀN CỦA AI?
Đến bây giờ, toàn dân mới ngớ ra, rằng bộ kit xét nghiệm mà công ty Việt Á mang bán cho 62 tỉnh thành với doanh số khoảng 4000 tỷ đồng, là sản phẩm của Nhà nước. Vì đó là sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 18,98 tỷ đồng để thực hiện, thông qua đề tài Khoa học Công nghệ quốc gia: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.
Mức lương của người lao động Việt Nam, trong đó có khoa học và giáo dục, là rất thấp; so với các nước phát triển thấp hơn từ 10 đến 20 lần. Theo bảng lương giảng viên đại học công lập và nghiên cứu viên khoa học từ ngày 12/12/2020 thì ngạch lương cao nhất là của Giáo sư, Giảng viên cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp dao động trong khoảng từ 9.238.000 đồng (bậc 1, hệ số 6.2) đến 11.920.000 đồng/tháng (bậc 6, hệ số 8.0). Còn tiến sĩ mới bảo vệ có nơi chỉ nhận được 4 –5 triệu đồng /tháng. Để bảo vệ luận án tiến sĩ, đối với các ngành khoa học tự nhiên, có nơi đòi hỏi phải có từ 2 bài báo đăng ở các tạp chí ISI và Scopus; các luận án tiến sĩ tốt có thể có 4,5 baì báo ISI, Scopus.
Học bổng nghiên cứu khoa học Humboldt của Đức hiện trao tặng lương tháng 2.670 Euro (69 triệu đồng) cho nghiên cứu sau tiến sĩ (từ 6-24 tháng), và 3.170 Euro (82 triệu đồng) cho các nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm (từ 6-18 tháng). Trong thời gian nghiên cứu đòi hỏi phải có các công trình khoa học đăng dưới dạng các bài báo trên các tạp chí ISI, Scopus.
Viện dẫn ra mức lương khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới ở trên để thấy số tiền 18,98 tỷ đồng (800.000 USD) là một số tiền rất lớn so với đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, và không nhỏ so với đề tài nghiên cứu khoa học của các nước.
Kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, đã được các tác giả tham gia đề tài công bố trong một bài báo dạng thông báo ngắn (short communication) trong tạp chí Journal of Medical Virology (A simple method for detection of a novel coronavirus (SARS-CoV-2) using one-step RT-PCR followed by restriction fragment length polymorphism, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/jmv.26171).
Theo xếp hạng của Journal Citation Report thì tạp chí Journal of Medical Virology được xếp hạng thứ 21/34 tạp chí virus học mà Journal Citation Report xếp hạng.
Còn theo theo xếp hạng về các tạp chí virus học của Scimago, thì tạp chí Journal of Medical Virology xếp thứ 47 /70 tạp chí được xếp hạng.
Với số tiền 18,89 tỷ đồng chi cho nghiên cứu khoa học cơ bản, trong điều kiện bình thường, có thể thu được hàng trăm bài báo đăng ở các tạp chí ISI, Scopus.
Không chỉ quá đắt, điều lạ lùng là, theo truyền thông thì kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” mà Bộ KH&CN chi 18,89 tỷ đồng cho Viện Quân y chủ trì, lại được ông Phan Quốc Việt mang đi bán với giá cắt cổ, đưa về cho Việt Á và nhóm lợi ích doanh thu khoảng 4000 tỷ đồng.
Bộ KH&CN tiêu tiền của ai?
II. AI LÀ THỦ PHẠM CHÍNH?
Sai phạm của ông Phan Quốc Việt, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Việt Á thì đã rõ. Sai phạm của các cá nhân và cơ quan dùng tiền của Nhà nước để mua bộ xét nghiệm từ công ty Việt Á cũng đã rõ. Nhưng còn những sai phạm ở các cơ quan khác nữa, mà những sai phạm ở các cơ quan này là nguyên nhân tạo môi trường và điều kiện cho ông Phan Quốc Việt và công ty Việt Á phạm tội ở mức độ nghiêm trọng như đã xảy ra.
- Bộ KH&CN
Một trong những sai phạm mang tính nguyên nhân là của Bộ KH&CN. Nói sai phạm mang tính nguyên nhân là vì từ sai phạm của Bộ KH&CN mới dẫn đến sai phạm của ông Phan Quốc Việt. Không có sai phạm của Bộ KH&CN về bộ kit xét nghiệm thì đã không có sai phạm của ông Phan Quốc Việt như hiện nay. Bộ KH&CN có ít nhất là 3 sai phạm nghiêm trọng sau đây.
1/. Chi một khoản tiền khổng lồ 18,89 tỷ đồng để mua một sản phẩm mà không thu lại sản phẩm. Để cho người khác chiếm đoạt sản phẩm đi bán lấy lời. Bộ KH&CN chi 18.89 tỷ đồng để nghiên cứu chế tạo ra bộ kit xét nghiệm thì sản phẩm đó là của Bộ KH&CN chứ không thể là của Học viện Quân y, càng không thể là của Việt Á. Nếu Việt Á chịu trách nhiệm sản xuất và triển khai thương mại thì hợp đồng về phân bổ lợi nhuận giữa Bộ KH&CN và Việt Á ở đâu? Tỷ lệ phân chia như thế nào? Không có công ty tư nhân nào chi tiền như Bộ KH&CN cả.
2/. Chi tiền vượt nhiều lần giá trị của hàng hoá. 18,89 tỷ đồng là một khoản tiền khổng lồ đối với một đề tài nghiên cứu khoa học. Về số lần đắt hơn so với giá trị thực thì bộ xét sinh phẩm RT-PCR còn vượt đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đắt hơn giá trị thực chỉ 5-6 lần, còn Bộ KH&CN đã trả đắt hơn chí ít là 20 lần so với giá trị thực.
3/. Đưa thông tin sai lệch về bộ kit xét nghiệm đã được WHO chấp nhận, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc WHO thông báo đã nhận được hồ sơ của Việt Á nộp cho WHO mà hiểu là WHO đã chấp thuận là một lỗi không thể hiểu được từ cơ quan đứng tên Bộ KH&CN của một quốc gia. Từ thông tin của Bộ KH&C mà truyền thông cả nước đưa tin theo, và cả nước tin vào chất lượng của bộ kit xét nghiệm mà Việt Á mang bán.
- HỌC VIỆN QUÂN Y
Học viện Quân y cũng mắc sai lầm mang tính nguyên nhân. Nếu Học viện Quân y thực hiện đúng pháp luật trong thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Bộ KH&CN chi tiền thì ông Phan Quốc Việt không thể lấy kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước để sản xuất bộ xét nghiệm đi bán kiếm lời với mức độ như vây. Nếu Việt Á được quyền sản xuất và bán thì hợp đồng phân chia trách nhiệm và lợi nhuận giữa Bộ KH&CN, Học viện Quân Y và Việt Á ở đâu? Tỷ lệ phân chia lợi nhuận và trách nhiệm như thế nào?
- BỘ Y TẾ
Nếu Bộ Y tế làm đúng chức năng của mình, thì ông Phan Quốc Việt, dù có thoát khỏi các gác chặn của Bộ KH&CN và Học viện Quân y, cũng không thể bán được bộ xét nghiệm với số lượng và giá cả như đã xảy ra. Bộ Y tế là nguyên nhân thứ 3 giúp cho sai phạm của ông Phan Quốc Việt xảy ra, và góp phần to lớn làm cho ông Phan Quốc Việt tham nhũng, hối lộ đến mức khủng khiếp như vậy.
- CƠ CHẾ HIỆN HÀNH
Cơ chế hiện hành, ai cũng biết, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
III. BỘ KIT XÉT NGHIỆM CỦA VIỆT Á ĐƯỢC SẢN XUẤT Ở ĐÂU?
Chất lượng như thế nào, xét nghiệm có cho kết quả đúng không thì cũng đã xảy ra rồi. Giá thành đắt bao nhiêu thì tiền cũng đã thu rồi. Điều lo sợ không chỉ là giá thành và chất lượng của bộ kit xét nghiệm Việt Á mang đi bán, mà còn là bộ kit xét nghiệm của Việt Á có xuất xứ từ đâu? Cơ sở của Việt Á, như thực tế chỉ ra là không thể sản xuất được hàng triệu xét nghiệm.
Xuất xứ của bộ kit xét nghiệm mà công ty Việt Á mang bán mới là điều cần bàn. Bộ kit xét nghiệm này có phải được sản xuất ở nước ngoài mang nhãn Việt Nam không? Trong bộ kit xét nghiệm này có phần nào do Việt Nam đóng góp không? Đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, nhận 18,89 tỷ đồng của học Bộ KH&CN, có liên quan như thế nào đến bộ kit xét nghiệm mà Việt Á mang bán?
Điều sợ nhất là bộ kit xét nghiệm mà Việt Á mang bán lại được sản xuất từ “nước lạ”.
IV. NGÀY CUỐI NĂM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Bộ kit xét nghiệm Việt Á mang bán đã góp phần làm bộc lộ một phần mức độc tham nhũng ở Bộ KH&CN và Bộ Y tế. Từ bộ kit xét nghiệm Việt Á thôi thúc nghĩ về lời giải bài toán gốc.
Từ ngàn xưa, trí thức là là chỗ dựa của quốc gia về trí tuệ và đạo đức. Mỗi khi nan nguy cần kế sách thì phải nhờ đến trí thức. Trí thức là thước đo trí tuệ của một quốc gia. Mức độ phát triển của quốc gia phụ thuộc vào mặt bằng của trí thức. Trí thức là thước đo đạo đức của một quốc gia. Sự suy đồi đạo đức của trí thức phản ánh sự suy đồi đạo đức xã hội của quốc gia.
Nay trí thức nước ta, ở Bộ Y tế, ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Bộ Khoa học và Công nghệ… nơi nào cũng bị tham nhũng thống trị, thì có nghĩa là tham nhũng đã thống trị khắp xã hội. Bệnh tham nhũng đã lên đến Cao Hoang. Cách chống tham nhũng hiện nay là cách chống tham nhũng trên ngọn. Phát hiện ra tham nhũng mới trị tội thì không bao giờ loại trừ được gốc tham nhũng.
Quan lại tham nhũng là điều dễ hiểu. Nhưng khi tham nhũng tràn vào quân đội thì đó là lúc phải lo lắng cho an nguy đất nước; khi công an tham nhũng thì dân thường bị điêu đứng. Và khi thầy giáo đi dạy, thầy thuốc chữa bệnh mà tham nhũng hàng loạt với khối tiền khổng lồ, thì “đạo” hết, vì bệnh tham nhũng phát sinh từ “đạo” chứ không phải từ ý thức tham muốn thông thường của con người. Những bài rao giảng luân lý lúc này là vô nghĩa.
Nhưng tham nhũng chỉ là căn bệnh đục khoét. Nguy hại nhưng không sinh tử. Đi nhầm đường mới là sinh tử.
Đi nhầm đường là sinh tử, bởi biết bao số phận loay hoay hết cả cuộc đời mà không thể thoát ra khỏi rừng rậm, hang sâu. Còn bi đát hơn, đi nhầm đường đến mức sa vào đầm lầy vực thẳm. Bi đát hơn nữa là sinh con đẻ cái trên con đường nhầm.
Thế hệ 0x, 1x đã dũng cảm đổi mới lần 1 vào năm 1986. Nói là dũng cảm là vì tự thừa nhận sai lầm. Nói đổi mới là để nhấn mạnh rẽ sang con đường khác, không đi theo con đường đang đi. Con đường đã bước đi 4 chục năm mới biết nhầm, là rất muộn. Nhưng vượt lên sự kiêu ngạo, chịu dằn vặt đau đớn trong lòng để công khai cất lên lời thừa nhận sai lầm cũng là dũng cảm. Ở tuổi cuối đời, trên cương vị cao nhất mà dám thừa nhận sai lầm chỉ có ở những nhân cách lớn.
Khi Đông Đức nhập vào Tây Đức, Liên Xô sụp đổ, các nước Ba Lan, Séc, Slavakia, Hungary, Bulgary bước sang con đường mới, tiếc thay, lại không xuất hiện nhân cách lớn. Người khuất thì khuất rồi, nhưng con cháu phải gánh chịu.
Những lời an ủi khéo, những lời ngợi ca có cánh – không chữa được bệnh.
Đổi mới lần hai. Đổi mới toàn diện. Đó là lối thoát sống còn. Đó là con đường duy nhất để không tụt hậu với các nước, để không giao lại gánh nặng cho con cháu./.