Hãy nghi ngờ nhưng chớ nghi kỵ!

- Quảng Cáo -

Người được xem là nhà sáng lập ra triết học Tây phương, Socrates, từng nói “Chỉ có một điều tốt, đó là kiến thức, và một điều xấu, đó là vô học thức” (“There is only one good, knowledge, and one evil, ignorance” – Socrates).

Nhưng rồi, Socrates cũng nhìn nhận rằng mình không biết gì. “Điều duy nhất tôi biết là tôi chẳng biết gì” (“The only thing I know is that I know nothing” – Socrates).

Một người có công cực lớn như Socrates cuối cùng cũng không thoát khỏi tác động của sự vô (học) thức của thời mình.

Socrates đã bị kết tội “vô đạo đức” và “làm hư hỏng người trẻ”, và bị kết án tử hình vào năm 339 trước Công Nguyên.

- Quảng Cáo -

Cách tiếp cận và đặt vấn đề, nhất là cách đặt nghi vấn của Socrates đối với sự tự tin thái quá vào những sự thật mà chỉ mang tính phổ biến/quát hơn là giá trị đích thực, đã một mặt làm thức tỉnh học trò của mình, mặt khác làm cho những kẻ núp bóng dưới các chiêu bài khác nhau bất bình và cảm thấy bị thách thức. Socrates đã làm cho nhiều thành phần quyền lực tại Athens trông như ngu ngốc, vì vậy mà đã làm cho sự đi tìm sự thật của ông đối chọi với một số thành phần chính trị và xã hội tại Athens. Tóm lại, Socrates giúp cho những người học trò mình có sự hoài nghi để tiến bộ nhưng lại làm cho một số thành phần quyền lực nghi kỵ rồi giết hại ông.

Plato, nhà triết học kế thừa Socrates, và là thầy của nhà triết học Aristotle, nói rằng “Một người thông thái nhất, giống như Socrates, nhận ra rằng sự thông thái của mình là vô giá trị”. (“That man is wisest who, like Socrates, realizes that his wisdom is worthless” – Plato)

Có lẽ sự thông thái của một người, hay nhiều người, chỉ có giá trị khi xã hội và con người trong xã hội đó đề cao kiến thức làm nền tảng cho các giá trị chân thiện mỹ. Kiến thức phải là nền tảng cho sự thật, phải là giá trị đích thực để đạt đến sự thật. Khi nó không còn giá trị đó, những người trí thức, thông thái trở thành cái gai, cái cản trở lớn nhất của bọn cường hào ác bá mọi nơi trong mọi thời đại.

Vấn đề là chân thiện mỹ thường nằm trong cặp mắt/nhãn quan của người nhìn. Nó phần lớn mang tính chủ quan, trừ khi người ta lĩnh hội được phương pháp khách quan hóa sự việc.

Phải chăng cái định hình nên những gì một người cảm nhận là chân thiện mỹ là do chính trải nghiệm của người đó?

Triết gia John Locke, người đã ảnh hưởng lớn đến Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, từng chia sẻ như sau:

– Kiến thức của một người không thể vượt qua được kinh nghiệm của người đó. (“No man’s knowledge here can go beyond his experience” – John Locke)

– Trí óc được trang bị những ý tưởng bằng kinh nghiệm mà thôi. (“The mind is furnished with ideas by experience alone” – John Locke

Kinh nghiệm hay trải nghiệm, đối với John Locke, mang tính quyết định để định hình một con người.

Chỉ có điều kinh nghiệm của mỗi người mỗi khác. Rộng hơn, mọi gia đình, tập thể/tổ chức, cộng đồng hay xã hội đều có sự mâu thuẫn, xung đột, hay nặng hơn là chiến tranh, bởi vì khác kinh nghiệm, và qua đó khác lối suy nghĩ cũng như cách nhìn vấn đề.

Có lẽ chưa có thời đại nào sự khác biệt, xung đột và xung khắc, được nhìn thấy rõ ràng một cách thật lớn và sâu rộng như ngày hôm nay.

Vậy thì nhân hòa khi nào sẽ có?

Sự thật khi nào mới đạt được?

Có lẽ đó cũng chỉ là những câu hỏi mang tính triết học mà thôi.

Nhà khoa học và triết gia người Pháp, nổi tiếng với câu “I think therefore I am”, nói rằng “Nếu bạn là một người thực sự tìm kiếm sự thật, điều cần thiết là ít nhất một lần trong đời bạn nghi ngờ, càng xa càng tốt, tất cả mọi thứ” (“If you would be a real seeker after truth, it is necessary that at least once in your life you doubt, as far as possible, all things” – René Descartes)

Descartes nói rất hay, vì đó là nền tảng của tư duy phản biện/tinh thần phê phán (Critical thinking). Không có Critical thinking kể từ Thời đại Khai sáng của thế kỷ 17, 18 trở đi thì sẽ không có phát triển khoa học và mọi thứ khác.

Không có những đại cổ thụ như Descartes thì thế giới ngày nay cũng đã khác nhiều.

Chỉ có điều, đối với Tây phương, để đi tìm sự thật thì người ta bắt đầu cuộc hành trình bằng cách đặt nặng nghi ngờ; nên họ đi đúng đường, và không ngừng phát triển. Họ nghi ngờ mọi thứ, nên bỏ công tìm hiểu không chừa thứ nào cả.

Nhưng nghi ngờ rất khác nghi kỵ. Khi nào chỗ kỵ chiếm hết chỗ ngờ thì sẽ không còn chỗ nào cho sự khoan dung; sẽ không còn chỗ nào cho lỗi lầm và cơ hội sửa sai; khi ghét rồi, không còn tình thương nào, thì mọi sự đều dễ dẫn đến hủy hoại. Nghi kỵ chính là mầm móng của sự hủy diệt.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc từng viết rằng trở ngại căn bản trên con đường hiện đại đất nước nằm ngay ở văn hóa nghi kỵ.

Chỉ khác nhau một chữ thôi, nhưng triết lý và ảnh hưởng thật thâm sâu.

- Quảng Cáo -