Vì, xâu chuỗi toàn bộ các dữ kiện từ đầu cho đến nay, tức từ đợt chống dịch đầu tiên cho đến lúc này, đều xoay quanh ba chỉ thị Chính phủ gồm chỉ thị 19 (cấp độ vàng), chỉ thị 15 (cấp độ cam) và chỉ thị 16 (cấp độ báo động đỏ). Và các phương pháp áp dụng cho ba chỉ thị này từ đầu tới cuối đều không có gì thay đổi, đó là phong tỏa, giới nghiêm, cách ly và giãn cách toàn quốc ở chỉ thị 16, gỡ phong tỏa, giãn cách cục bộ khu vực và hạn chế đi lại, hạn chế tập trung đông người ở chỉ thị 15 và giãn dần đến chỉ thị 19, chuẩn bị gở bỏ giãn cách…
Nôm na là vậy, trong đó, chưa kể đến cách hiểu sai chỉ thị ở một số địa phương và áp dụng chỉ thị cứng nhắc, Thủ tướng bảo sao thì làm vậy, thụ động, kém hiểu biết và không nắm được thực địa, không nắm được các yếu tố liên quan đến đời sống người dân, dẫn đến tình trạng áp dụng máy móc, khô khan và dẫn đến chết người… Tất cả những trục trặc trên đều cho thấy năng lực quản lý của chính quyền cấp địa phương quá yếu kém, Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Huế, Nghệ An là những ví dụ điển hình. Trong đó các tỉnh khác nhẹ hơn, dễ xử lý hơn, riêng bốn điểm dịch Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội là những “mặt trận” mà chính quyền càng đánh thì càng hi sinh, càng đánh thì càng nhiều người tử trận. Vì sao?
Vì như đã nói, không có chiến thuật, không nhìn ra “kẻ thù”, không nhìn rõ đối phương, nhắm mắt nhắm mũi xông vào trận, không thấy được sức mạnh của chính phe mình, thiếu đồng bộ và tầm nhìn, cứ đánh là đánh, đúng một chiến thuật, đúng một bài bản, từ Nam chí Bắc cứ thế mà đánh. Thử nghĩ, Tổng chỉ huy ra lệnh trận này đánh bằng chiến thuật Bối Thủy, như vậy là cứ lùa toàn bộ quân sĩ ra bờ sông, cho dựa lưng vào sông mà đánh, trong khi đó, ngay trên cạn, ngay trên bình nguyên, quân ta có thể tổ chức đánh bằng các chiến thuật khác, tự dưng cho rút ra bờ sông, chỉ việc di chuyển không thôi đã tiêu hao sức lực, tiêu hao binh sĩ vì cạm bẫy, vì các thứ, và nhuệ khí không còn, thì đánh kiểu gì? Hoặc ngược lại, đang thủy chiến, nghe chỉ huy ra lệnh đánh chiến thuật Vườn Không Nhà Trống, vậy là từ Nam chí Bắc kéo nhau lên bờ mà vườn không nhà trống… Hệ quả như thế nào, chắc cũng không cần nói thêm!
Cũng giống như giới nghiêm, phong tỏa, cứ nghe vùng đỏ, tức số ca nhiễm tăng đủ số lượng để áp báo động đỏ, sau đó tăng vạch báo động lên đó là áp dụng ngay chỉ thị 16, nhắm mắt nhắm mũi áp dụng, rào kẽm gai, dùng vật che chắn, thậm chí hàn bịt kín lối đi, cho vũ trang, dân phòng, công an đến quát tháo, dọa nạt người nào đi ra đường, người nào bức xúc, chống chế thì hốt ngay, áp mức phạt nặng nề. Người ta lỡ đi mua ly cà phê, có đeo khẩu trang, có bảo hộ kính chống giọt bắn, đeo găng tay, giữ khoảng cách, nhưng các anh núp lùm đâu đó xông ra và nện một cái giấy phạt mười lăm, hai chục triệu đồng. Rồi hễ cứ có F1 thì phong tỏa, test cộng đồng tràn lan… Khu vực dân cư đông đúc, người sống chật chội chẳng kém gì nhà tù, thậm chí có nhiều gia đình sống cảnh còn đáng sợ hơn biệt giam vẫn cứ phong tỏa. Những F0 thì đưa đi cách ly, người chật chội, chồng chất nằm ngồi, nơi chữa bệnh còn đông hơn chợ ba mươi Tết và lộn xộn hơn cả cảnh chạy loạn thì làm sao mà chống dịch? Chống kiểu gì?
Rõ ràng ở đây đã mắc quá nhiều sai lầm và hậu quả của sai lầm này là chết người hàng loạt, tỉ lệ chết quá cao trong thời gian quá ngắn. Mọi sự diễn ra quá khủng khiếp! Và đáng sợ hơn nữa là trong các đám loạn gọi là “trung tâm cách lý F0 này, bệnh viện dã chiến” này có biết bao nhiêu chuyện nhiêu khê, rắc rối, mờ ám đã xảy ra. Chuyện đút lót để được ưu ái trong điều trị, người giàu thì được chăm sóc tốt hơn người nghèo, chuyện tài sản của người chết bị thất lạc… Ai dám khẳng định không có mờ ám, đút lót ở các trung tâm cách ly, các bệnh viện dã chiến? Ai dám khẳng định tài sản của người chết được bảo toàn?
Chỉ chừng đó yếu tố đã cho thấy trong các trận đánh 1, 2, 3, và 4, chúng ta ăn may ở trận 1, 2 và 3. Nhưng đến trận thứ tư, sự ăn may không còn nữa, chúng ta chết vì chủ quan, chết vì tự mãn, chết vì tổ chức chiến thuật sai lầm, chết vì thiếu chuyên nghiệp trong chiến đấu, chết vì thiếu binh pháp. Và, may sao lần này, sau rất nhiều cay đắng, bại xuội, Chính phủ đã thay đổi chiến thuật, không phong tỏa, không cách ly cứng nhắc như trước đây. Nhưng liệu với cách hiện tại, có ổn không? Xin thưa là không, nguy cơ vỡ trận còn cao hơn trước rất nhiều nếu kéo dài tình trạng này. Vì sao?
Vì chưa bao giờ chúng ta tổ chức đánh trận một cách chuyên nghiệp. Ngay trong lúc dịch bùng phát khủng khiếp, chết chóc lên đến cao trào, chúng ta vẫn đánh kiểu a lê húp, hô xung phong, không có bài bản, thậm chí những người tham gia giữ chốt tự thấy họ như ông vua có quyền sinh sát trước tự do đi lại của người dân. Và cũng ngay trong lúc bác sĩ, nhân viên y tế mệt mỏi, thì bên ngoài tha hồ phạt, phạt, phạt nhân dân để đạt chỉ tiêu đặt ra (chỉ tiêu này do ai đã đặt ra?), còn bên trên thì đưa ra quyết định giảm lương cán bộ y tế. Đây là đòn đánh chí tử vào mạng sống của nhân dân thông qua việc ngắt bớt miếng ăn của những thầy thuốc trong lúc họ quá mệt mỏi, không những cần ăn nhiều mà cần bồi bổ từ vật chất đến tinh thần, từ sinh lý đến tâm lý. Rõ ràng, kẻ nào can thiệp vào miếng ăn của “lính đánh trận” trong lúc chết chóc, tang thương cho “phe ta” thì kẻ đó đích thị là nội gián, là phản bộ tổ quốc. Và chúng ta đã chọn nhầm đồng đội khi chơi với kẻ phản động, hậu quả đã thấy!
Đến lúc này, chiến thuật có thay đổi, người dân bớt hoang mang, được tự do đi lại để kết nối sự sống (phải nói thẳng vào bản chất là kết nối sự sống!), mọi thứ có vẻ như thoải mái hơn, vững chãi hơn, thì hỡi ôi, trước đây chúng ta khó bao nhiêu, khắc kỉ bao nhiêu, cực đoan và duy ý chí bao nhiêu thì bây giờ chúng ta thả lỏng bấy nhiêu, hờ hững và thậm chí bỏ mặc bây bấy nhiêu. Quá nguy hiểm!
Một khi đã xem chống dịch như đánh giặc, thì phải biết rõ về chiến trận và hiểu rõ luật chơi của chiến trường. Thả lỏng, cũng đồng nghĩa thay đổi chiến thuật chứ đâu có hạ thang báo động từ đỏ xuống cam vàng hay xanh gì đó? Tại sao giữa lúc tâm dịch nóng như lửa, người ta vẫn có thể đàn đúm, ăn uống, nhậu nhẹt? Và đánh trận thì chí ít phải biết khoanh vùng kẻ địch. An ninh Việt Nam rất giỏi khoản này, họ có thể khoanh vùng đối tượng hình sự, đối tượng chống đảng, đối tượng buôn lậu, đối tượng buôn hàng quốc cấm, đối tượng lưu manh đâm thuê chém mướn… Có tất, vấn đề là lúc nào tóm, lúc nào để tự do mà thôi. Vậy sao bây giờ không ứng dụng kĩ năng và nghiệp vụ này? Tức khoanh vùng đối tượng nào hay tụm năm tụm ba đàn đúm để nhắc nhở thẳng thừng, trực tiếp với họ, cơ quan y tế và các CDC tỉnh phải đưa ra những nhóm ngành nào cần phải đóng cửa lâu dài, khuyến cáo họ vì sức khỏe cộng đồng, vì tình trạng y tế khẩn cấp phải chung tay đóng cửa, ngưng nghỉ, chính quyền sẽ hỗ trợ họ bằng cách không thu thuế, không môn bài… Không nhất thiết hỗ trợ tiền cho các nhóm kinh doanh vừa nói nếu như ngân sách chính phủ hạn hẹp. Bởi bảo vệ mạng sống cộng đồng là trọng trách không riêng ai.
Một khi thả lỏng, để mọi sự “thuận Thiên” mà không ngăn chặn ma đạo, không khoanh vùng, tỉ như cấm quán nhậu mà không cấm tụm năm tụm bảy nhậu nhẹt ở vùng đỏ thì khó lường được hậu quả. Và, hơn bao giờ hết, chính quyền nên tăng sức, tăng tốc chống dịch chứ không nên để được chăng hay chớ trong quản lý hành chính, an ninh như hiện có. Bởi cơ quan y tế có cố gắng cỡ nào, cơ quan an ninh có thắp đèn để truy vết mà dân ăn chơi, các đám đàn đúm cứ thỏa sức chơi tẹt ga thì không tài nào chống nổi, càng chống càng chết!
Có thể nói rằng với đà hiện tại, có thể sẽ sớm khống chế được dịch nếu như Chính phủ biết khoanh vùng các lĩnh vực và các nhóm đối tượng để quản lý. Đừng để người tử tế mới đi mua ly cà phê đã bị phạt hàng chục triệu mà đám loi choi lóc chóc, đám đâm thuê chém mướn nhậu cả thùng bia chẳng nghe ai nói gì. Đó là cái bất cập và phi lý nhất khi bàn về uy tín nhà lãnh đạo. Và chuyện đó đang xảy ra, mong sao nhà nước, chính phủ kịp thời chấn chỉnh, đừng để tình trạng nắm chặt thì vỡ mà buông lỏng thì vụt. Cả hai trạng thái này đều nguy hiểm như nhau. Cần phải có sự điều chỉnh kịp thời, nhất định sẽ có kết quả tốt đẹp và có thể thắng lợi sớm!