VietTuSaiGon – RFA
Thì sao? Từ một tấm hình trên báo Tiền Phong, một tấm hình những người lính khiêng quan tài cựu bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, báo chú hình nhầm tên Bộ trưởng Phan Văn Giang. Chuyện “lỗi đánh máy” này, tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào và nó gợi ra nhiều vấn đề khác để suy ngẫm về an ninh quốc gia, về chủ quyền đất nước.
Hiện trạng của đất nước hôm nay là gì? Là những thành phố đóng băng vì giãn cách, chống dịch, những làng quê đang ngấp nghé tình trạng “vườn không” nhưng nhà chật ních người do qui định “ai ở đâu ở yên đấy” của chị thị 16, là hàng chục ngàn gia đình rơi vào bi thương, đau khổ, tan hoang, hàng ngàn nhân mạng ngã xuống và có người chết gần tháng nay chưa tìm được tro cốt… Có rất nhiều, vô cùng nhiều chuyện đau lòng xảy ra trên đất nước.
Trong lúc này, nhà cầm quyền vẫn khư khư phong tỏa và phong tỏa. Và, khác với những đợt dịch có tính nhỏ lẻ ban đầu, đợt dịch lần thứ tư này kéo dài và lan tỏa khủng khiếp, nhà cầm quyền cũng đã tỏ ra mệt mỏi vì thiếu nguồn tài chánh, đã bắt đầu có động thái kêu gọi ủng hộ, tài trợ từ các nguồn người Việt nước ngoài, các doanh nghiệp… Trong khi đó, nguồn viện trợ nước ngoài chỉ có thể viện trợ vaccine, tài chính các quốc gia cũng đang cạn kiệt vì dịch cúm, mọi thứ đều rất căng. Sau gần bốn tháng chống dịch nặng, gần hại năm chống chọi nặng/nhẹ, thứ mà người ta nhận thấy là nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế, sức dân mỏi mệt.
Trong lúc này, Trung Quốc chính thức thể hiện tham vọng bành trướng của họ trên biển Đông một lần nữa, bất chấp các qui ước quốc tế, họ đơn phương ra qui định giám sát và quản lý các hoạt động hàng hải trên biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã chọn rất đúng điểm rơi để thực hiện mưu đồ bành trướng.
Bởi ngay lúc này, lực lượng quân đội gần như mất hậu phương bởi tình hình dịch bệnh, hậu phương đang kêu gọi quân đội hỗ trợ kinh phí chống dịch. Đáng sợ hơn, nạn tham nhũng đã thành dịch trong quân đội, nạn bạo lực cũng thành một thứ bệnh hoạn của quân đội. Như vậy, giả sử lúc này Trung Quốc tấn công Việt Nam thì sao?
Điều này làm nhớ đến ba lần đánh quân Mông – Nguyên với chiến lược vườn không nhà trống của nhà Trần và nhân dân. Thời đó, chiến lược bỏ nhà, bỏ vườn để kẻ thù không có chỗ phá phách mà tìm lương thực và gây hấn với dân, khiến cho nhuệ khí quân địch mất dần rồi bất ngờ đánh úp, vu hồi, giáp công… là một chiến lược khôn ngoan, thông minh không thể thông minh hơn trong trận mạc. Đến thời đại này, thời đại của chiến tranh kĩ thuật, việc chiếm cứ và ổn định lương nhu không giống thời xa xưa, thế nhưng chiến lược vườn không nhà trống vẫn còn chỗ đứng.
Bởi đó là sự đồng lòng giữa nhà nước, quân đội với nhân dân, nhân dân chấp nhận bỏ mọi thứ để di tản theo chiến lược quân sự, theo tiếng gọi nhà nước vì cái chung. Nhưng bây giờ thì sao? Giả sử có một cái cớ nào đó của Trung Quốc tung ra để sau đó nổ súng, tấn công Việt Nam, thì ai sẽ đứng ra đánh? Đánh vì cái gì? Vì nhân dân ư? Nhân dân đang bị chính nhà nước và quân đội phong tỏa theo kiểu giới nghiêm, sống chết mặc bây và các chốt kiểm soát hành xử với nhân dân chẳng có gì là tình quân dân hay công an nhân dân, hình như họ đang tự thấy thoải mái, tận hưởng với cái cảm giác bệnh hoạn rằng họ đang quản lý, chỉ tay năm ngón, chỉ gậy điều hành điều hành và ra lệnh với nhân dân!
Thực tại Việt Nam là một thực tại tan rã, tình quân dân không còn là bao, niềm tin, mối gắn kết giữa nhà nước và nhân dân hoàn toàn không có. Cái điều mà người ta vẫn tin rằng nhân dân còn tin đảng, tin nhà nước, nếu có huyễn hoặc cũng chỉ huyễn hoặc được trước đây vài tháng, cho đến lúc này, mọi thứ niềm tin hoàn toàn mất đi bởi cách quản lý mang tính áp đặt, thiếu khoa học và không tôn trọng quyền con người từ phía chính quyền. Điều này nhanh chóng đẩy nhân dân đến chỗ rệu rã mọi thứ. Cái điều mà người ta nhầm tưởng là niềm tin của nhân dân với đảng lãnh đạo, kì thực đó là sự sợ hãi hoặc mệt mỏi, mặc kệ, nhắm mắt đưa chân của nhân dân. Ngay cả người của đảng, của nhà nước, họ cũng đang trong tình trạng nhắm mắt đưa chân, bởi họ nhìn thấy cái sai, sự bất cập, chỉ có một số người không nhìn thấy và rất cố chấp.
Thử hỏi: Có bao nhiêu bác sĩ – lãnh đạo bệnh viện không phải là đảng viên? Có bao nhiêu cán bộ giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên không phải đảng viên? Thế nhưng họ đã làm gì ngoài chuyện mệt mỏi và âm thầm kêu than vì chương trình làm việc quá tệ, chế độ đãi ngộ không những thiếu hụt mà còn bị ngắt bớt. Mọi thứ rối như canh hẹ, càng làm càng sai, càng chết chóc, lây lan dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế và rã rời cơ cấu.
Hình ảnh chú thích nhầm tên bộ trưởng quốc phòng, lấy ông đang sống ráp tên vào ông đã chết là minh chứng sinh động cho tâm thế rã rời này, dường như người ta làm để mà làm, theo một công thức có sẵn và cứ đến hẹn lại ráp, đến sự kiện lại ráp, vắng bóng của tâm trí và trách nhiệm.
Vì đâu? Vì mọi thứ đều bị xô dạt để chạy, tăng tốc, mà càng tăng tốc thì càng mất sức mà chẳng thấy đích ở đâu cả. Bởi lộ trình đã bị chọn nhầm ngay từ đầu, và có thể vấp cạm bẫy trên đường chạy. Cái đường chạy của Việt Nam hiện nay là đường chạy chết chóc và mông muội, cạm bẫy giăng ra đã sẵn, chưa biết bao giờ là sập mà thôi. Bởi giả sử bây giờ Trung Quốc viện cớ Việt Nam gây hấn trên biển Đông để nổ súng tấn công, viện cớ bảo vệ công dân của họ ở các khu công nghiệp Việt Nam để đổ quân (đương nhiên trước lúc đổ quân và tân công đã có một kịch bản đủ để làm cớ) thì chuyện gì xảy ra?
Chuyện xảy ra còn khó nói, nhưng có một điều là nhà nước đã tự trói tay mình bằng cách phong tỏa nhân dân mấy tháng nay, và tự biến mình thành kẻ xa lạ với nhân dân kể từ đó. Đừng quên, mặt trận nhân dân là mặt trận quan trọng nhất trong mọi mặt trận. Mặt trận này đã vỡ, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Hơn nữa, cái lý tưởng đánh vì nhân dân chắc chắn không có ở lúc này, đánh vì chủ quyền quốc gia nghe cũng rất xa vời và mơ hồ trước tình hữu nghị cộng sản và các thiết chế quyền lực tương ứng trong hệ thống. Chính cái thiết chế quyền lực tương ứng trong hệ thống cộng sản theo kiểu anh cả – em út đã nhanh chóng xóa nhòa các ranh giới chủ quyền quốc gia mặc dù ngoài miệng người ta vẫn lu loa về nó. Bởi lẽ, quyền lực chính trị khiến người ta mờ mắt, các sắp xếp hệ thống chính trị cộng sản khiến người ta ảo giác về sự lâu bền, vĩnh cửu trong quyền lực. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ thấy tương lai chúng ta!
Và ngay lúc này, nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục hành sự theo cách bấy lâu nay, thì chẳng bao lâu nữa, giả định này sẽ là hiện thực!