Trần Đức Anh Sơn
Trung Quốc bây giờ rất hung hăng và bạo ngược, nhưng họ sẽ không thể hung hăng bạo ngược mãi hoài vì nếu cứ làm thế thì họ sẽ bị cả thế giới cô lập. Thế giới sẽ tập hợp lại để đối phó với “con sư tử ngông cuồng” này và sẽ lùa dần nó vào cái rọ pháp lý quốc tế để buộc nó phải tuân thủ luật lệ.
… Vì thế thay vì nghĩ đến “Warfare” (Chiến tranh), thế giới hãy ưu tiên “Lawfare” (Luật pháp) trong cuộc đối đầu và kềm chế Trung Quốc”.
GS. Jerome A. Cohen (Đại học Luật New York)
Đã đến lúc áp dụng “Shamefare” với những vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông và trong nhiều xung đột kinh tế, thương mại, ngoại giao mà Trung Quốc đang gây ra với các nước khác.
“Shamefare” có thể hiểu nôm na là “bêu xấu”, tức là đưa ra những bằng chứng để chứng minh những sai phạm có hệ thống của Trung Quốc trước công luận quốc tế, để thiên hạ thấy đó mà cảnh giác với Trung Quốc và để Trung Quốc thấy xấu hổ vì những chính sách và hành động của mình mà kiềm chế bớt.
TS. Jeremy Lagelee (ĐH George Washington, Mỹ)
Hồi Trung cộng kéo giàn khoan HY-981 vào khoan thăm dò trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam ở Biển Đông (từ 02/5 – 15/7/2014), Việt Nam phản ứng bằng nhiều cách, trong đó có việc tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế ở Đà Nẵng, lấy “tựa” là “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”, trong hai ngày 20 và 21/6/2014.
Hội thảo này mời rất nhiều học giả trong nước và quốc tế đến dự, có cả học giả Việt kiều ở Mỹ và 2 học giả Trung Quốc là Nông Hồng và Chu Phong. Tôi cũng được mời và có tham luận trình bày tại hội thảo này.
Có rất nhiều tham luận rất giá trị, nhưng tôi quan tâm đến tham luận của GS. Jerome A. Cohen (Đại học Luật New York), nhan đề là: (Việt dịch) “Luật pháp và Chiến tranh? Hãy để cơ chế tòa án làm dịu các tranh chấp ở châu Á”.
Khi trình bày tham luận này và trao đổi với các học giả khác, GS. Jerome A. Cohen phát biểu (đại ý): Trung Quốc bây giờ rất hung hăng và bạo ngược, nhưng họ sẽ không thể hung hăng bạo ngược mãi hoài vì nếu cứ làm thế thì họ sẽ bị cả thế giới cô lập. Thế giới sẽ tập hợp lại để đối phó với “con sư tử ngông cuồng” này và sẽ lùa dần nó vào cái rọ pháp lý quốc tế để buộc nó phải tuân thủ luật lệ.
Ông kể rằng trước đây ông đã từng nói chuyện với Chu Ân Lai nhân một vấn đề liên quan đến tranh chấp biên giới, khuyên Trung Quốc tìm đến vai trò của Liên Hiệp Quốc để hòa giải. Lúc đó Chu Ân Lai nói rằng: Trung Quốc không quan tâm đến Liên Hiệp Quốc vì nó chả giải quyết được gì. Nhưng về sau thì Trung Quốc thay đổi dần chính sách coi thường các tổ chức quốc tế này, nhất là dưới thời Đặng Tiểu Bình. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc tham gia vào WTO thì họ đã phải đi vào khuôn phép quốc tế, từ từ nhưng không thể không theo vì nếu không sẽ bị thua thiệt.
GS. Cohen cũng nói rằng thời kỳ hung hăng của Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 8 năm rưỡi nữa là kết thúc (hàm ý nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc) và thế hệ lãnh đạo mới sẽ phải thay đổi để có thể sống chung với thế giới. Vì thế thay vì nghĩ đến “Warfare” (Chiến tranh), thế giới hãy ưu tiên “Lawfare” (Luật pháp) trong cuộc đối đầu và kềm chế Trung Quốc”.
Năm 2016, khi đang là học giả Fulbright ở Đại học Yale (Mỹ), tôi xin được nguồn tài trợ, và vận động Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) thuộc Đại học này, nơi tôi đang nghiên cứu, cùng tôi đứng ra tổ chức cuộc hội thảo quốc tế “Xung đột ở Biển Đông” vào hai ngày 6 và 7/5/2016, tại Yale MacMilan Center.
Khoảng 70 đại biểu từ các nước: Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Anh, Úc, Đức, Canada, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Indonesia… đến tham dự cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 6 và 7-5-2016, trong đó có những học giả uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về địa chính trị và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như: Carlyle A. Thayer (Úc), Daniel Schaeffer (Pháp), Bill Hayton (Anh), Aileen S.P. Baviera (Philippines), Nayan Chanda (Ấn Độ), Nông Hồng (Trung Quốc), Patrick M. Cronin, Edward Miller, James Kraska, Jeremy Lagelee, Harry Kazianis (Hoa Kỳ)… Có 3 học giả người Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo là GS. Ngô Vĩnh Long (ĐH Maine, Hoa Kỳ), TS. Tạ Văn Tài (cựu giảng viên ĐH Harvard, Hoa Kỳ) và tôi. Nhà nghiên cứu độc lập Trần Thị Vĩnh Tường (California, Hoa Kỳ) được mời tham gia phản biện.
Các học giả tham dự Hội thảo “Xung đột ở Biển Đông” tổ chức tại ĐH Yale vào tháng 5/2016.
Trong số các quan điểm đưa ra thảo luận tại hội thảo về đối sách với Trung Quốc, có TS. Jeremy Lagelee (ĐH George Washington, Mỹ) cho rằng: Đã đến lúc áp dụng “Shamefare” với những vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông và trong nhiều xung đột kinh tế, thương mại, ngoại giao mà Trung Quốc đang gây ra với các nước khác.
“Shamefare” có thể hiểu nôm na là “bêu xấu”, tức là đưa ra những bằng chứng để chứng minh những sai phạm có hệ thống của Trung Quốc trước công luận quốc tế, để thiên hạ thấy đó mà cảnh giác với Trung Quốc và để Trung Quốc thấy xấu hổ vì những chính sách và hành động của mình mà kiềm chế bớt.
Với tôi, đây là một quan điểm rất hay. Bởi lẽ trong mấy năm qua, Trung cộng càng ngày càng hung hăng, gây hấn khắp nơi, áp dụng “ngoại giao chiến lang” (ngoại giao chó sói) tấn công và cắn xé các nước láng giềng, thế giới văn minh và những người thiện lương. Trong khi, “warfare” thì quá nguy hiểm và gây tổn hại khôn lường cho tất cả các bên; “lawfare” thì không xi-nhê chi với chế độ độc tài bá đạo Trung cộng. Vậy thì “Shamefare”, sẽ là một giải pháp đáng giá.
Bởi, nếu thế giới cứ tìm những chứng cứ xấu xa, đê tiện, bỉ ổi của Trung cộng, rồi show ra cho thế giới biết, hết ngày này đến ngày khác, tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác…, thì cuối cùng thiên hạ cũng sẽ dần dần nhận ra “khuôn mặt xấu xí” của Trung cộng. Các nước sẽ xa lánh dần một chế độ xấu xí như Trung cộng, sẽ bớt kết thân, sẽ bớt follow, sẽ bớt sập bẫy Trung cộng trong tương lai. Và rồi, họ sẽ tự tìm đến với các “trụ cột” của văn minh, dân chủ, nhân quyền… trên thế giới để kết bạn, hoặc thiết lập liên minh (Alliancefare) với các “trụ cột” đó để đương đầu với Trung cộng.
Đến khi đó, thì việc “thế giới tập hợp lại để đối phó với “con sư tử ngông cuồng” mang tên Trung cộng, và sẽ lùa dần nó vào cái rọ pháp lý quốc tế để buộc nó phải tuân thủ luật lệ này bằng các thể chế pháp lý quốc tế” mà GS. Jerome A. Cohen mong muốn (như đã trình bày trên đây) mới thành hiện thực.
Về phần mình, từ khi nghe và trao đổi với TS. Jeremy Lagelee về thuật ngữ “Shamefare” tại hội thảo tổ chức ở Yale, tôi đã áp dụng việc này khi thường xuyên đăng bài “vạch mặt” Trung cộng trên FB của mình. Việc làm này của tôi khiến cho nhiều kẻ thân Trung cộng hoặc “chịu ơn Trung cộng” rất ghét tôi, và “chụp mũ” tôi là “kẻ bài Trung cực đoan”.
OK! Không sao cả, chỉ là tôi đang áp dụng “Shamefare” đối với Trung cộng, nhằm giúp bạn bè mình, giúp những người xung quanh mình, những người đang lừng khừng, mơ ngủ về Trung cộng… ngày càng có điều kiện hiểu biết, nhận chân “Trung cộng bản diện” và có thái độ “dứt dạt” với Trung cộng hơn mà thôi.
T.Đ.A.S.
Nguồn: FB Tran Duc Anh Son