Vì sao dư luận phẫn nộ về cái chết của chiến sỹ Đô?

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Marx trong lý thuyết về sự tha hoá (Theory of Alienation) có đặt vấn đề về “tâm lý ghẻ lạnh” (Entfremdung) và “sự phẫn nộ” (der zorn) của tầng lớp bị trị khi quyền lực áp đặt lên họ một thân phận nô lệ. Cái “tâm lý ghẻ lạnh” mà Marx nói dựa trên tinh thần phủ định biện chứng của Hegel, nói gọn là sự đánh mất nhân tính hay bản chất loài (Gattungswesen) với tư cách là một động vật có lý trí hay tính chủ thể người. Sự trấn áp của quyền lực, sự tuyên truyền ru ngủ của tôn giáo đã biến con người thành một thứ công cụ, một thứ đồ vật bị sở hữu bởi những kẻ tự phong cho nó quyền hành hạ kẻ khác. Điều đáng sợ là kẻ bị hành hạ ấy không chỉ ghẻ lạnh với đồng loại bị hành hạ mà còn ghẻ lạnh cả với thân phận của mình. Marx tuyên bố, chỉ có thể cải thiện quan hệ người với người bằng sự phẫn nộ chính đáng của lý trí chứ không phải thực hiện một phép phủ định bằng cách quay về sự ru ngủ bởi những lời tuyên truyền dối trá mà Hegel chủ trương qua một kiểu nhà nước tôn giáo.

Rào trước là tôi không bình luận về cái chết của chiến sỹ Đô khi chưa có kết luận cuối cùng. Với tư cách là một cựu chiến binh, một phần máu thịt của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi chỉ đề nghị điều tra khách quan, làm sáng tỏ sự thật, ngay cả trường hợp chiến sỹ Đô treo cổ tự sát. Sinh mệnh con người là quý, ngay cả trong chiến tranh lẫn hoà bình. Sinh mệnh của người lính còn là sinh mệnh của quốc gia, dân tộc.

Không chỉ điều tra cái chết của chiến sỹ Đô mà còn phải điều tra những cái clip trôi nổi trên mạng, rằng có bạo lực trong quân đội hay không?

- Quảng Cáo -

Trước một cái chết của người lính và những cách trả lời thiếu cẩn trọng, việc trấn áp hay hạ nhiệt sự phẫn nộ là bất khả!

Phải đặt câu hỏi vì sao hàng triệu người lên tiếng phẫn nộ chứ không phải một số cá nhân thù địch lợi dụng tuyên truyền, chống phá chế độ. Tôi trả lời đơn giản vì lẽ này: nghĩa vụ quân sự là bắt buộc, ai cũng có con cháu tham gia nghĩa vụ quân sự, cho nên hàng triệu người đã xem chiến sỹ Đô và những nạn nhân bạo lực trong quân đội như là chính con em của mình. Không đau đớn, phẫn nộ không phải là người.

Lẽ ra, những người có trách nhiệm trong quân đội phải phát ngôn khách quan, cẩn trọng. Rằng “cái chết của chiến sỹ Đô là một sự mất mát lớn, không chỉ mất một sinh mạng mà còn dễ gây mất lòng tin của người dân đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ điều tra khách quan và xử lý nghiêm minh, ngay cả khi đơn vị để cho chiến sỹ Đô tự sát”. Chưa điều tra khách quan mà đã phán như đúng rồi, chưa nói cách phát ngôn “định hướng” như vậy rất dễ làm cho điều tra bị méo mó lệch lạc, và đó mới là nguyên nhân làm cho dư luận đã phẫn nộ càng thêm phẫn nộ.

Tôi, một cựu quân nhân cộng sản, cũng không tránh khỏi phẫn nộ, kể cả bàng hoàng, vì trong thời gian tại ngũ chưa hề thấy có bạo lực nào diễn ra như các clip người ta đã quay và đưa lên mạng. Hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn đẹp và đầy niềm tự hào trong tôi ngay cả sau 30 năm rời quân ngũ; nếu có chuyện bạo lực diễn ra như vậy thì cần phải nghiêm trị thì mới mong giữ được lòng tin của tôi và mọi người.

Trong trường hợp này, sự bàng quan, ghẻ lạnh mới là đáng sợ chứ không phải là sự phẫn nộ. Nếu một ngày kia, hàng triệu dân Việt mang tâm lý “chết ai mặc xác” thì đấy chính là sự tha hoá tột cùng của một dân tộc, tự nó biến thành một bầy đàn nô lệ, không tự chui vào cái gông do chính mình dựng nên thì cũng tự đeo ách nô lệ cho ngoại bang hành hạ. Marx nói, sự ghẻ lạnh là tình trạng thoát khỏi bản chất người, tức phi nhân tính, và vì vậy ghẻ lạnh là sự thiếu giá trị bản thân, sự thiếu vắng ý nghĩa trong cuộc sống của một người, hậu quả là bị ép buộc phải sống một cuộc sống không có cơ hội hoàn thiện bản thân, không có cơ hội trở thành hiện thực, trở thành chính bản thân mình.

Nếu vì dân vì nước, hãy xem sự phẫn nộ hiện tại là tác động tích cực, buộc các cấp quản lý trong quân đội nhìn lại chính mình và có những chấn chỉnh nghiêm túc. Mỗi người lính hiện đại là một chủ thể, không phải một bầy đàn công cụ. Tôi còn nhớ tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh quân khu 5, khi về nói chuyện với đơn vị của tôi, rằng, trong chiến tranh, vì nước buộc phải hy sinh, nhưng phải quý trọng từng giọt máu của người lính mới đúng nghĩa là yêu nước. Tôi nói thêm, người dân hiện nay có yêu nước mạnh mẽ thì mới phẫn nộ trước cái chết vô nghĩa của con em họ trong tư thế mặc áo lính./.

Chu Mộng Long

#TrầnĐứcĐô

- Quảng Cáo -