Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cho biết họ đã đạt đồng thuận về một kế hoạch với nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar vào ngày thứ Bảy để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở quốc gia chìm trong bạo lực này, nhưng ông này không hồi đáp một cách rõ ràng yêu cầu ngừng sát hại người biểu tình.
Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn Thượng tướng Mynamar Min Aung Hlaing cam kết kiềm chế lực lượng an ninh của ông, được nói là đã giết chết 745 người kể từ khi một phong trào bất tuân dân sự lớn nổ ra nhằm thách thức cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 mà ông cầm đầu. Họ cũng muốn các tù nhân chính trị được phóng thích.
Theo một phát biểu từ chủ tịch Brunei của ASEAN theo sau một hội nghị, các nước đạt được đồng thuận về năm điểm – chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, đặc phái viên ASEAN giúp xúc tiến đối thoại, chấp nhận viện trợ và một chuyến thăm của đặc phái viên này tới Myanmar. Việc thả các tù nhân chính trị không được nhắc tới trong phát biểu.
“Ông ấy nói rằng ông ấy (Min Aung Hlaing) lắng nghe chúng tôi, ông ấy sẽ tiếp thu quan điểm, mà ông ấy cho là hữu ích,” Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với các phóng viên, theo Reuters.
“Ông ấy không phản đối ASEAN đóng một vai trò mang tính xây dựng, hoặc một chuyến thăm của phái đoàn ASEAN, hoặc hỗ trợ nhân đạo.”
Nhưng ông Lý nói thêm rằng quá trình này còn cả một chặng đường dài phía trước, “bởi vì nói chấm dứt bạo lực và thả tù nhân chính trị là một chuyện, làm được lại là chuyện khác.”
Không rõ vì sao ông Lý lại đề cập đến chuyện phóng thích tù nhân chính trị khi điều này không có trong tuyên bố đồng thuận, Reuters lưu ý.
Chưa có bình luận ngay tức thì từ ông Min Aung Hlaing.
Một bản tin thời sự tối thường nhật trên kênh truyền hình Myawaddy do quân đội điều hành tường trình về việc ông tham dự cuộc họp và cho biết Myanmar sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN về nhiều vấn đề, bao gồm “quá trình chuyển tiếp chính trị ở Myanmar, và tiến trình sẽ được thực thi trong tương lai.”
Cuộc họp ASEAN là nỗ lực quốc tế có phối hợp đầu tiên nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Myanmar là thành viên của khối ASEAN 10 quốc gia, vốn có chính sách ra quyết định dựa trên đồng thuận và không can thiệp vào chuyện nội bộ của các thành viên.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia, chính quyền song song với chính quyền quân sự của Myanmar bao gồm các nhân vật ủng hộ dân chủ, tàn dư của chính quyền bị lật đổ của bà Suu Kyi và các đại diện của các nhóm sắc tộc vũ trang, cho biết họ hoan nghênh đồng thuận đã đạt được nhưng chính quyền quân sự phải có trách nhiệm giữ lời hứa của mình.