Đối với người lao động bình dân, họ chỉ cần đủ ăn đủ sống qua ngày, nhất là trong mùa dịch này, là đã mừng lắm rồi.
Kể từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó lan nhanh nhiều nơi ở Trung Quốc, rồi các nước khác, ghi nhận một điều, ở Việt Nam đúng là có những biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người….
Người dân chấp nhận chung tay cùng chính phủ, gạt mọi khó khăn qua một bên, với một hy vọng đẩy lùi được con virus Corona ra khỏi Việt Nam.
“Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Nghe qua, đây có thể là một “kim chỉ nam” trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở thế giới và chưa có vắc-xin thật sự hữu hiệu chữa bệnh. Tuy nhiên, nói là một chuyện nhưng để thực hiện được một cách hiệu quả là điều rất chi là khó khăn.
Ghi nhận trên báo điện tử, bất chấp dịch Covid-19, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là những gói hỗ trợ Covid từ chính phủ (mặc dù thực tế nhiều người có, cũng không ít người không), có thể nói, là một bức tranh mưu sinh tương đối “dễ thở” đối với người lao động.
Thực tế có đúng như vậy?
“Trước nói ngay bán thì không dư dã gì, nhưng mà có thể là một ngày mình dư được vài ba chục. Bây giờ thôi khỏi có dư cắc nào hết. Vậy đó. Mà còn thâm vốn, cứ bán cứ thâm vốn cái bà đi mượn, đi mượn vốn bán. Không có năm nào như năm nay.
Bà đẩy tới đẩy lui từ sáng sớm ra, nói không ai tin nha, mà bán ở đây người ta biết đó, từ hôm mà dịch Covid tới giờ đó nha, là 4 lần bà bán không có được 1 đồng, không có được 1 cái khẩu trang y tế hay là khẩu trang gì. Đó, đẩy vô, đẩy ra. Nhiều lắm, bữa nào mà bán chừng 100 trở lên đó, có vài ba chục đó, mừng lắm thôi”, bà Chín, một người mưu sinh bằng nghề buôn bán ‘tình thiệt’ kể.
“Mấy mùa dịch thì công nhân nghỉ nhiều lắm đó. Chính vì công nhân nghỉ nè, rồi lại đi đường người ta không…, giãn cách người ta không cho ra đường nè, rồi lại đâu có bán được đâu.
Bán, bên đây người ta dẹp tụ tập đó, người ta dẹp, đâu cho buôn bán đâu, nên về cái khoản nào nó cũng ấy, cũng thiệt thòi hết trơn đó. Ra, đẩy ra đây cũng không có người mua nữa. Bây giờ làm ăn khó khăn lắm. Không phải như ngày xưa đâu. Mấy năm về trước thì còn đỡ, chứ giờ đủ sống là phước đức rồi, đủ ăn hàng ngày”, bà Trinh, buôn bán ở gần khu công nghiệp ‘góp lời’ với bà Chín.
“Ế ẩm rất nhiều, còn có 35 phần trăm à. Coi như 65 phần trăm thua thiệt rồi. Bán không được, nè nãy giờ ngồi có bán ai đâu. Ngồi không à. Thí dụ mấy năm trước đó bán ngày được một triệu, bây giờ bán được có ba trăm, chưa được nữa. Ế lắm, đó, bà muốn nghỉ luôn không thèm bán nữa nè”, bà Nguyễn Thị Mỵ, một tiểu thương buôn bán trong chợ nêu những tính toán phần trăm số học.
Cũng có những trường hợp, vì cuộc sống mưu sinh quá khó khăn, để lo chén cơm qua ngày, rồi những chi phí sinh hoạt khác, họ bất chấp tất cả, kể cả những nguy cơ về dịch. “Sợ chết đói trước đã. Sợ chết đói trước đã rồi chết dịch sau. Ừ, dịch nó đến thì người ta nhốt mình trong nhà là mình chết đói rồi, chưa biết là dịch nó cỡ nào nữa”, bà Tư, bán bánh mì khu vực quận 10 ‘nói như đinh đóng cột’ như vậy.
“Đợt dịch đầu, mình còn sợ, nghe lời hạn chế ra đường. Rồi sau đó bùng ở Đà Nẵng, cũng sợ đó chứ nhưng giờ ở nhà hoài thì lấy gì mà ăn? Rồi tiền điện, nước, tiền nhà trọ, tiền con cái đi học… đủ thứ. Ở nhà thì chết đói à?” – ông Út, một người hành nghề xe ôm ‘ủng hộ’ bà Tư.
Có thể nói, vừa chống dịch mà vừa phát triển kinh tế là một điều vô cùng hoan nghênh. Nhưng không biết rằng, hai tiếng kinh tế đó lớn cỡ nào, lớn ra sao, đối với người lao động bình dân, họ chỉ cần đủ ăn đủ sống qua ngày, nhất là trong mùa dịch này, là đã mừng lắm rồi.
Nói thì rất dễ, làm được mà đúng thì mới khó, chứ không khéo lại như lời ông, bà đã để lại: nói một đàng, làm một nẻo./.
#mưusinhthờicovid-19