Cây tre Việt Nam sắp bật gốc?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Sau khi nhậm chức vào tháng 8/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã bắt tay khởi động dự án đường thủy đầy tham vọng trị giá 1,7 tỷ USD được gọi là kênh đào Phù Nam Techo. Đây sẽ là kênh đường thủy đầu tiên ở Campuchia nối cảng tự trị Phnom Penh với tỉnh ven biển Kep, chạy ngang qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.[1]

Tuyến đường thủy rộng 100 m với độ sâu nhất quán 5,4 m có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải lên tới 3.000 tấn (DWT). Dự án này còn bao gồm 3 hệ thống âu tàu, 11 cây cầu và 208 km lề đường.[2]

Các quan chức chính phủ và các nhà phân tích Campuchia cho rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa cảng tự trị Phnom Penh và cảng biển nước sâu ở tỉnh Sihanoukville. Ngoài ra, kênh đào có thể giúp Campuchia bớt phụ thuộc vào cảng biển Việt Nam, đồng thời tác động đến mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc và Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Hiện nay, Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào cảng của Việt Nam để nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ và các nước phương Tây. Khoảng 20 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua các tuyến đường thủy Việt Nam-Campuchia kể từ khi Hiệp định vận tải đường thủy giữa hai nước được ký kết vào năm 2011.

Sự can dự sâu của Trung Quốc vào dự án kênh đào Funan Techo cùng những tác động được cảnh báo từ việc xây dựng kênh đào này đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại, đặc biệt là Việt Nam – nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Mối quan ngại đầu tiên là sự thay đổi dòng chảy trong sông Mekong. Các nghiên cứu do Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson trụ sở tại Mỹ thực hiện cho thấy rằng việc xây dựng kênh đào có thể trở thành con đập, ngăn dòng chảy đổ vào các khu vực trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Về bản chất, kênh đào này có thể hoạt động giống như một con đập, theo đó hình thành vùng khô hạn ở phía Nam của kênh đào và vùng ướt trũng ở phía Bắc.

Sự thay đổi dòng chảy như vậy cũng sẽ tác động lớn đến các hoạt động nông nghiệp và đe dọa môi trường sống của các loài dễ bị tổn thương trong khu vực.

Thứ hai, Việt Nam sẽ mất nguồn thu nhập đáng kể từ những chuyến quá cảnh này khi Campuchia bắt đầu chuyển sang sử dụng tuyến đường thủy của chính mình. Là tuyến đường thủy thay thế cho các hoạt động xuất nhập khẩu của Campuchia, nối cảng Phnom Penh với cảng nước sâu tương lai ở tỉnh Kep trên Vịnh Thái Lan, kênh đào Funan Techo đe dọa lợi nhuận của cảng Cái Mép của Việt Nam và các cảng khác gần Tp. Hồ Chí Minh, cho đến nay vẫn là cửa ngõ chính đi vào Biển Đông.

Một tổn thất khác đối với Việt Nam là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Campuchia. CBRC, một trong những công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận với Chính phủ Campuchia về đầu tư vào dự án thông qua hợp đồng Xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).

Dựa trên hợp đồng xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, công ty Trung Quốc sẽ quản lý kênh đào, bao gồm cả việc bảo trì và thu lợi nhuận từ phí đi qua. Công ty Trung Quốc sẽ chuyển giao quyền quản lý kênh đào cho Chính phủ Campuchia sau một thời gian, khoảng 40 đến 50 năm. Kênh đào Phù Nam Techo là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Trung Quốc ở Campuchia.[3]

Những khoản đầu tư này làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc đáng kể lẫn nhau về kinh tế giữa Campuchia và Trung Quốc. Sự phụ thuộc của Campuchia vào kinh tế Trung Quốc có thể trở thành ảnh hưởng chính trị buộc Campuchia phải ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế trên cơ sở song phương và tại các diễn đàn khu vực. Trong số những vấn đề đó, nổi bật là tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, trong đó Việt Nam.

Điều đáng lo ngại là kênh đào có độ sâu có thể tiếp nhận các tàu quân sự đi vào từ Vịnh Thái Lan và tiếp cận biên giới Campuchia-Việt Nam. Đây là mối lo ngại chiến lược đối với Việt Nam vì việc này có khả năng làm thay đổi cán cân theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông.

Một mối lo ngại nữa là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông. Campuchia ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế. Sự phụ thuộc ngày càng tăng này phản ánh mối lo ngại về bản chất “mục đích kép” của dự án, trong đó cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các công trình của kênh đào có thể trở thành nền tảng để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Campuchia.

Việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia. Việt Nam mới đây đã yêu cầu Campuchia chia sẻ thông tin về dự án kênh đào này nhưng Campuchia từ chối.[4]

Lãnh đạo Việt Nam hay khoe khoang về chính sách ngoại giao cây tre của nước này, hàm ý sự khéo léo cân bằng trong quan hệ giữa các nước lớn. Tuy nhiên, trong mối quan hệ Việt Nam – Campuchia, Việt Nam ngày càng mất kiểm soát với quốc gia láng giềng nhỏ bé này, cho dù Hà Nội đã góp phần tạo dựng ra chính quyền Hun Sen.

Với sự bất lực trước việc Lào ra sức xây dựng các con đập cùng với Campuchia sẽ xây dựng kênh đào Techo Phù Nam này, viễn cảnh Đồng bằng Sông Cửu Long khô hạn và bị ngập mặn là rất rõ ràng. Như thế này thì Cây tre Việt Nam chắc khô hạn và bật gốc mất thôi.

[1] https://cambojanews.com/cambodias-ambitious-funan-techo-canal-project-sparks-concerns-near-and-far/

[2] https://www.khmertimeskh.com/501425184/transport-minister-funan-techo-canal-project-to-begin-construction-in-late-2024/

[3] https://chinaglobalsouth.com/analysis/qa-how-cambodias-chinese-backed-funan-techo-canal-risks-destabilizing-the-lower-mekong-delta/

[4]https://vietnamnews.vn/politics-laws/1653752/viet-nam-says-cambodia-should-share-information-on-funan-techo-canal-on-mekong-river.html

- Quảng Cáo -