Thời bao cấp, có rất nhiều người là cha, là mẹ đã bán máu lấy tiền mua gạo cho con! Nay đất nước độc lập gần nửa thế kỷ, vẫn còn người phải tự tử hoặc bán con vì không nuôi nổi chúng, liệu xã hội có lỗi hay không?
Về học lý, bất cứ mức hình phạt nào dành cho bị cáo (treo, tù giam, chung thân, tử hình) đều nhắm đến hai mục tiêu: “trừng trị” và “giáo huấn” (Tôi không xài từ “cải tạo”, vì đối tượng của cải tạo là vật chất). Vì thế, thẩm phán phải rất thấu hiểu “tâm lý tội phạm” để cân bằng giữa hai mục tiêu “trừng trị” và “giáo huấn”.
Thẩm phán sẽ ra mức án nặng về “trừng trị” nếu bị cáo là “tội phạm quán tính” (habitual criminals) hoặc ra mức án nhẹ về trừng trị nếu bị cáo là “tội phạm cơ hội” (occasional criminals). Đồng thời, thẩm phán phải cân nhắc xem bị cáo có phải là đối tượng “khả hoán” (dễ cải sửa – teachable) hay “bất khả hoán” (không sửa được – unteachable) để định cho mức án nặng hay nhẹ.
Chị Thạch Thị Kim Nhung (Sinh năm 2002) và anh Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (Sinh năm 1995) chung sống như vợ chồng, sinh 4 con, đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa nhỏ nhất tên N (sinh 12/10/2022). Ngày 2/12/2022, Nhung và Tuấn bán cháu N (51 ngày tuổi) cho Nguyễn Hữu Dương (32 tuổi, quê Hà Tĩnh) lấy 18 triệu đồng để nuôi 3 đứa lớn, nên Nhung và Tuấn chỉ là “tội phạm cơ hội” (bất chợt). Nếu, họ đẻ 4 đứa mà đã 2 lượt bán con, mới là “tội phạm quán tính” (thường xuyên).
Hơn nữa, cáo trạng xác nhận: “Do hoàn cảnh khó khăn, Nhung bàn bạc với Tuấn tìm gia đình hiếm muộn, có nhu cầu nhận nuôi trẻ để chuyển giao bé N, lấy tiền nuôi 3 đứa con còn lại”. Nghĩa là, động cơ ban đầu họ “cho gđ hiếm muộn nuôi con lấy tiền nuôi 3 đứa còn lại”, tức là “không chủ ý bán cho đường dây buôn trẻ em”.
Chưa chắc họ đã biết rõ Dương là môi giới bán trẻ em, nhưng Tòa đã căn cứ lỗi “không hỏi rõ Dương về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, thông tin tên tuổi, chỗ ở cụ thể của người sẽ tiếp nhận bé N” rồi lạnh lùng “trừng trị” Nhung và Tuấn đến 23 năm tù!
Liệu tính “giáo huấn” bởi mức án này với họ sẽ ra sao? Họ sẽ thụ án hết 23 năm tù, đương nhiên họ sợ, không tái phạm, nhưng họ sẽ oán hận bản án vì bị cách ly với 4 con thơ bơ vơ, hơn là ân năn việc mình đã làm.
Với tính “giáo dục ngăn ngừa trong cộng đồng” (những ai chưa bán con), thì bản án nặng tính trừng trị này hoàn toàn bị phản tác dụng. Nhung và Tuấn không phải thành phần “bất trị”, nên dư luận kêu ca bản án “thiếu tình người” ở cái xứ mà “hạ tầng an sinh xã hội” gần như không!
May mà, có thầy giáo Thái Hạo xuống tận Trà Vinh gặp bà ngoại các cháu, hiến kế bà mở tài khoản nhận tiền quyên góp. May mà, có Luật sư Phạm Văn Thọ đã tự nguyện tư vấn giúp chị Nhung kháng cáo và bào chữa miễn phí!
Hồi năm 2013, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau quyết định treo cổ chết như một hoạch định (planning) cuối cùng với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo để 3 con được miễn giảm học phí. Đau đớn đến mức trong lá thư để lại, chị còn nhắn chồng đi xin hòm về liệm, dành tiền đóng học phí cho con.
Thời bao cấp, có rất nhiều người là cha, là mẹ đã bán máu lấy tiền mua gạo cho con! Nay đất nước độc lập gần nửa thế kỷ, vẫn còn người phải tự tử hoặc bán con vì không nuôi nổi chúng, liệu xã hội có lỗi hay không? Trừng trị không phải là cách duy nhất ngăn ngừa tội phạm./.