Dân Trần (VNTB)
EVN biện bạch rằng phải mua điện giá cao của Lào vì lý do chính trị.
Mua điện mặt trời của người Việt Nam giá 0 đồng mà vẫn lỗ
EVN viện lý do là hiện không có cơ sở thực hiện thỏa thuận đấu nối nên nhiều doanh nghiệp muốn phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng không thể đấu nối. Nếu mua điện mặt trời thì người dân sẽ lắp đặt nhiều, lắp đặt tràn lan. Khi đó sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Nếu người dân lắp đặt nhiều, lượng dư thừa nhiều, khi tất cả nguồn điện này đẩy lên hệ thống thì lưới không chịu nổi.
“Các nhà máy khác phải giảm công suất để nhường cho nguồn điện này… Vấn đề nằm ở chỗ phải đảm bảo an toàn lưới điện và ổn định của hệ thống điện, chứ không phải là kinh tế”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói với báo chí.
Trong khi đó tập đoàn điện lực Việt Nam lại muốn mua điện gió Lào với giá 1.700đ. Với lý do là các nguồn điện gió nhập khẩu từ Lào có giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nguồn điện trong nước. So sánh giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào và các nguồn khác, EVN cho rằng các nguồn điện gió trong nước được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 khi EVN mua điện với giá 9,8 cent/kWh (hơn 2.380 đồng/kWh).
Nếu so với nguồn điện gió chuyển tiếp được huy động vừa qua với giá 1.587 đồng/kWh, mức giá nhập khẩu điện từ Lào cao hơn, nhưng khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam sẽ giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu cũng như không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước. (1)
Ngoài ra, tập đoàn điện lực Việt Nam còn viện lý do chính trị trong việc mua điện gió từ Lào.
Trên VnExpress, tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nhắc tới “nhiệm vụ chính trị” giữa Việt Nam và Lào, khi nhập khẩu điện thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ từ 2016, quy mô công suất tối thiểu 1.000 MW vào 2020, tăng lên gấp 3 (3.000 MW) vào 2025 và đến 2030 khoảng 5.000 MW. Ngoài Lào, Việt Nam còn nhập khẩu điện từ Trung Quốc (từ 2005), với sản lượng từ hai nước này khoảng 1-1,5% tổng nhu cầu dùng điện cả nước. (2)
Hồi tháng 6, Bộ trưởng bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên, giải trình rằng việc khẩu điện Trung Quốc và Lào là chiến lược dài hạn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông nói: “Việc nhập khẩu điện từ Lào không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn tăng cường quan hệ toàn diện Việt Nam – Lào, đảm bảo mối quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng”. (3)
Trên thực tế, đứng sau các nhà máy điện gió tại Lào đều là Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 25/04 tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc (PowerChina) vừa tổ chức lễ khởi công Dự án Điện gió Monsoon có tổng công suất 600 MW, dự án điện gió đầu tiên của Lào, tại Vientiane. Cho nên nói mua điện Lào, thực chất là mua điện của Trung Quốc. (4)
EVN chọn mua điện Lào và Trung Quốc vì lý do chính trị, an ninh quốc phòng, trong khi hoàn toàn có thể mua điện của người Việt Nam với giá rẻ, thậm chí giá 0 đồng. Sau đó bán điện luỹ kế 6 bậc cho người dân, cuối cùng vẫn lỗ. Năm 2023, EVN đã báo lỗ 24.500 tỷ. Số tiền lỗ này, sẽ lấy thuế của người dân bù vô, hoặc tìm cách tiếp tục tăng giá điện bán cho dân.
Thật nực cười khi một nước có hơn 3.200km bờ biển mà phải mua điện gió của một nước không có biển. Một đất nước đang có 4.600 MW điện mặt trời, điện gió đến nay vẫn chưa được hòa lưới, mà vẫn cố gắng đi mua điện của Trung Quốc, Lào.
Có thể hiểu rằng, việc EVN mua điện gió Lào và Trung Quốc làm vừa lòng đảng cộng sản Trung Quốc. Đảm bảo an ninh quốc phòng ở đây tức là đảm bảo vai trò thống trị của đảng cộng sản Việt Nam. Cuối cùng, tiền bán điện lỗ thì dân gánh, nếu mất lòng Trung Quốc thì dân chịu. Và khi các phe phái đấu nhau, EVN sẽ là nguồn củi cho những đại án lớn tiếp sau Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát.
___________________
Tham khảo:
(1) https://tuoitre. vn/de-xuat-nhap-dien-gio-tu-lao-gia-gan-7-cent-kwh-20231218103621804.htm
(2) https://vnexpress.net/ly-do-viet-nam-muon-nhap-khau-dien-gio-tu-lao-4691705.html
(3)https://tienphong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-nhap-khau-dien-la-chien-luoc-dai-han-post1539330.tpo
(4) https://tapchilaoviet.org/tin-ngay/powerchina-xay-dung-du-an-dien-gio-dau-tien-cua-lao-57689.html