Lập nước Palestine cách nào?

- Quảng Cáo -

Ngô Nhân Dụng

Nhưng giải pháp “Hai Quốc gia” sẽ chỉ được bắt đầu thảo luận khi cuộc chiến Gaza kết thúc.

Trước các cuộc biểu tình chống cả Israel và Mỹ khắp thế giới; nhất là tại thế giới Hồi Giáo, kể cả các nước Á Rập vốn là đồng minh, chính phủ Mỹ đã đáp ứng. Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi Israel hãy ngưng bắn tạm một thời gian để cho thường dân Palestine di tản. Các nhà ngoại giao trong Nhóm G-7 họp ở Tokyo nhắc lại đề nghị này. Quân đội Israel đồng ý ngưng bắn 4 giờ mỗi ngày ở chiến trường phía Bắc giải Gaza. Nhưng làn sóng chống Mỹ chỉ nguội bớt khi nào một quốc gia Palestine ra đời, song song với Israel.

Ngày Thứ Tư, ông Blinken nhắc lại ý kiến bác bỏ chủ trương của Israel muốn trở lại chiếm đóng dài hạn dải Gaza như trước năm 2005, và ý định thúc đẩy dân Palestine trong giải Gaza chạy về phía Nam để, sau cùng, xua đuổi họ qua tị nạn bên Egypt. Ông Blinken nói ở Tokyo, sau khi cuộc chiến Gaza chấm dứt phải có “một chính quyền của người Palestine. “Sau đó họ sẽ “kết hợp Chính quyền Palestine” đang cai trị vùng Tây Ngạn. “Chúng tôi nói rất rõ ràng, không chấp nhận Israel tái chiếm đóng (Gaza); cũng nói rõ ràng, không được bắt dân Palestine phải di tản (vĩnh viễn).”

- Quảng Cáo -

Chính phủ Israel không tỏ ra một dấu hiệu nào là họ ủng hộ “Giải pháp Hai quốc gia” đang được Mỹ nhắc lại. Ngày Thứ Hai, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng, sau khi tiêu diệt được lực lượng Hamas, quân Israel sẽ kiểm soát vùng Gaza trong một thời gian vô giới hạn.

Nhưng chiếm đóng vô thời hạn bằng cách nào? Nước Israel sẽ tốn người, tốn của không biết bao giờ ngừng! Theo báo Times of Israel dùng tài liệu của Sở Thống Kê chính thức, dân số Israel năm 2021 có 9,5 triệu, kể cả gần một triệu người chiếm đất lập trại định cư trong vùng Tây Ngạn. Chỉ có gần 7 triệu (74%) là người gốc Do Thái; gần 2 triệu (21%) gốc Á Rập, và gần nửa triệu thuộc các sắc dân khác. Thống kê của Chính quyền Palestine cho biết có hơn ba triệu dân sống ở Tây Ngạn, hơn hai triệu ở giải Gaza.

Netanyahu nghĩ rằng bảy triệu người gốc Do Thái có thể kiểm soát cuộc sống của hơn năm triệu người Palestine trong “thời gian vô hạn!” Năm triệu dân bị trị sẽ phải theo luật lệ do chính phủ Israel đặt ra, các quyền tự do hội họp, tự do phát biểu bị kiềm chế gắt gao để ngăn ngừa những vụ “intafada” (nổi dậy), không được tự do đi ra nước ngoài, mà vẫn phải đóng thuế cho chính phủ Israel, trong lúc những người Israel gốc Do Thái được quyền tự do lập các làng định cư mới, lấn chiếm đất đai của tổ tiên người Palestine.

Các chính phủ Israel đã thi hành chủ trương này từ năm 1967, trong giải Gaza và vùng Tây Ngạn, sau khi khởi chiến và đánh bại quân đội các nước Á Rập, Syria, Jordan và Egypt trong “Cuộc chiến 6 Ngày” (5 đến 10 tháng 6). Từ năm đó, dân Palestine không ngừng nổi dậy, tổ chức những những vụ khủng bố, ám sát. Đó là những chiến thuật của các dân tộc bị thống trị, kể cả dân Do Thái trước khi lập quốc. Trong những năm 1945–46, Menachem Begin, sau này làm thủ tướng Israel, đã chỉ huy đội quân Irgun của ông tấn công vào các cơ sở của chính quyền Anh đang quản trị vùng Palestine. Họ đặt bom phá Khách sạn King David, giết chết 91 người, có người Anh, người Á Rập và người Do Thái. Sau khi Liên Hiệp Quốc quyết nghị lập hai nước cho người Do Thái và người Á Rập ở Palestine, ngày 9 tháng 4 năm 1948 quân Irgun và nhóm Lehi đã tấn công làng Deir Yassin giết chết hàng trăm dân Á Rập.

Chính phủ Mỹ không thể nào can thiệp vào nội tình chính trị Israel để tiến hành “Giải pháp Hai Quốc gia” mà họ vẫn cổ động. Khi nào còn làm thủ tướng thì ông Netanyahu sẽ không chấp nhận. Ông Biden đã dùng một “tín hiệu” nhẹ nhàng. Trong chuyến đi Israel vừa qua, ông đã đề nghị Netanyahu cho biết ông sẽ làm gì khi chuyển giao quyền hành cho người kế nhiệm – mà không nói việc đó sẽ diễn ra trong thời gian chiến tranh còn tiếp diễn hay đã chấm dứt.

Ông Biden dám nói điều này vì biết địa vị của ông Netanyahu đang yếu. Các chính sách của ông phần lớn đã thất bại. Dân Israel bất mãn vì lực lượng quân sự và tình báo không đoán trước được cuộc đột kích của quân Hamas. Ngày 29 tháng 10, ông Netanyahu đã viết trên mạng xã hội, phê phán các cấp chỉ huy các cơ quan tình báo và quân đội, đổ cho họ tội sơ suất này, trong lúc quân Israel bắt đầu tiến vào giải Gaza. Không có người lãnh đạo một quốc gia đang lâm chiến nào lại công khai hạ thấp giá trị của lực lượng bảo vệ nước mình như vậy! Netanyahu đã phải xóa bỏ lời kết án và xin lỗi; nhưng dân Israel sẽ không quên. Và họ cũng nhìn thấy các chủ trương sai lầm của ông thủ tướng nhiều lần trước đó.

Đầu năm nay, Netanyahu đưa ra một dự luật nhằm cắt bớt quyền hành của ngành tư pháp. Ông muốn cho quốc hội quyền truất phế các thẩm phán Tối cao Pháp viện – để phe đa số thuộc chính phủ của ông tăng thêm quyền lực. Hầu hết giới lãnh đạo quân đội và các cơ quan tình báo phản đối dự luật này. Hàng trăm ngàn quân nhân trừ bị đã xuống đường, cảnh cáo nếu dự luật đó được thông qua họ sẽ từ chối không trình diện khi đến hạn được gọi nhập ngũ. Netanyahu phải rút bỏ ý định trên, nhưng đã tạo mối hiềm nghi, xung khắc giữa chính phủ và quân đội. Nhiều tướng lãnh đã kết tội Netanyahu chia rẽ quốc gia trong khi đang bị các lực lượng thù nghịch đe dọa.

Không đủ số ghế trong cuộc bầu cử năm ngoái, Netanyahu phải thoả hiệp với thủ lãnh các đảng chính trị bảo thủ, cực đoan với chủ trương đề cao chủng tộc, để tiếp tục làm thủ tướng với một chính phủ liên hiệp. Ông chấp thuận các chính sách trợ cấp cho các “trường đạo” của các giáo sĩ, những trường này chỉ lo dạy giáo lý, kinh kệ, không cần dạy toán và khoa học. Ông cũng trợ cấp cho người gốc Do Thái đi lập các làng định cư trong vùng đất chiếm đóng ở Tây Ngạn. Đám dân định cư này cũng thuộc phành phần cực đoan, quá khích nhất; họ đã tấn công, giết nhiều người Palestine ở các làng chung quanh.

Netanyahu muốn chứng minh cho thế giới, nhất là chính phủ Mỹ, thấy rằng không thể đối thoại với thủ lãnh Mahmoud Abbas của dân Palestine vì ông ta quá yếu kém. Ông nâng đỡ nhóm Hamas ở giải Gaza để giảm bớt uy tín của Chính quyền Palestine ở vùng Tây Ngạn. Abbas theo chủ trương ôn hòa nên cũng không được dân Palestine trong vùng Tây Ngạn ủng hộ; và bị dân trong giải Gaza còn coi thường hơn nữa.

Đây là một thủ đoạn của ông Netanyahu để bác bỏ chủ trương “Hai Quốc gia” vẫn được chính phủ Mỹ cổ động và các người lãnh đạo Israel trước đây đồng ý.

Các ông Joe Biden và Antony Blinken sẽ phải vượt qua các chướng ngại do ông Netanyahu bày. Ông Blinken đã đi một vòng các nước Á Rập đồng minh để cam kết ủng hộ việc thành lập một nước Palestine. Các nước này trước đây coi đó là một điều kiện để họ công nhận nước Israel, nhưng lâu nay đã quên lãng. Nhưng bây giờ, sau khi dân chúng biểu tình khắp nơi, họ sẽ lập lại đòi hỏi này một cách mạnh mẽ hơn.

Nhưng giải pháp “Hai Quốc gia” sẽ chỉ được bắt đầu thảo luận khi cuộc chiến Gaza kết thúc. Chính phủ Mỹ và các nước trong nhóm G-7, đa số vẫn hỗ trợ Israel, có thể ủng hộ giải pháp lập một đạo quân quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đến giải Gaza giữ an ninh, trật tự thay thế quân Israel. Đạo quân này sẽ lập ra một guồng máy hành chánh lâm thời. Ông Mahmoud Abbas sẽ được mời cử người tham dự vào guồng máy nhà nước này. Hiện nay chính quyền Abbas vẫn “trả lương” cho khoảng 40,000 công chức ở Gaza dù không phải làm việc. Sau khi đắc cử năm 2005, đảng Hamas đã sa thải họ, tuyển mộ các viên chức hành chánh mới.

Sau một thời gian, chính quyền lâm thời có thể tổ chức bầu cử cho dân Palestine ở cả dải Gaza và vùng Tây Ngạn chọn người đại diện cho họ, thành lập một chính phủ mới, làm nền móng cho một nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cai quản 5 triệu dân Palestine. Từ nay đến đó phải mất nhiều năm, ông Abbas, năm nay 87 tuổi, có thể không còn sống nữa./.

- Quảng Cáo -