Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch.
Đại án “chuyến bay giải cứu” đang khép lại. Nhà nước coi như đã xong việc của mình khi “dằn mặt” được một số quan chức hư hỏng và ban phát được một ít “công lý” cho người dân đang ngập tràn bức xúc. Với các nạn nhân, toà tuyên cần: “liên hệ với các doanh nghiệp” để đòi lại quyền lợi của mình.
Một vụ án có số lượng người bị “móc túi” lớn đến như vậy thì các nạn nhân nên nghĩ đến việc khiếu nại, khiếu kiện tập thể để đòi lại quyền lợi. Sau đây là một số phân tích về pháp lý của Việt Nam và Quốc tế về vấn đề khởi kiện tập thể nhằm giúp các nạn nhân lựa chọn hành động.
Khởi kiện tập thể là gì?
Theo Adam Hayes thì Kiện tập thể, hay còn gọi là – Class Action Lawsuits – là thủ tục pháp lý trong đó một hoặc nhiều nạn nhân thay mặt cho một nhóm các nạn nhân tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại một hoặc một số bị đơn đã gây ra thiệt hại cho nhiều người.
Nguyên đơn có thể là người tiêu dùng, người lao động, nhà đầu tư hoặc tập thể bệnh nhân…. Bị đơn có thể là các công ty, các tập đoàn lớn và cả chính quyền.
Kiện tập thể có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ luật pháp Anh Mỹ (Common Law) nhưng đối các quốc gia theo hệ thống dân luật (Civil law) hay còn gọi là Luật lục địa (Continental law) thì luật pháp được thiết kế không theo hướng ủng hộ các loại hình kiện tập thể này.
Tuy vậy, luật pháp đang thay đổi và Châu Âu gần đây khuyến khích các nạn nhân riêng lẻ liên kết với nhau để tiến hành các vụ kiện chống lại các công ty đa quốc gia ngay tại chính các nước theo hệ thống dân luật, đặc biệt là để bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nạn nhân của những thảm hoạ môi trường do các công ty này gây ra.
Tại sao phải khởi kiện tập thể?
Trong nhiều trường hợp phải tiến hành việc khởi kiện tập thể vì nói chung dân chúng ngại việc kiện cáo, nhất là khi lợi ích bị xâm hại không quá lớn. Việc khởi kiện tập thể, nếu theo luật pháp Mỹ, thì chỉ cần 2-5 người đại diện tiến hành việc kiện cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nạn nhân. Ví dụ trong trường hợp “chuyến bay giải cứu” thì chỉ cần một nhóm 3-5 người là có thể thay mặt cho toàn bộ – hơn 200.000 nạn nhân đã tham gia các chuyến bay.
Đặc điểm quan trọng nhất của việc kiện tập thể là bị đơn chỉ làm việc với một số người đại diện các nguyên đơn đứng ra khởi kiện mà thôi. Có nghĩa là các công ty bị kiện sẽ phải đối mặt với một bó đũa thay vì có thể “xẻ lẻ” hoặc bẻ gãy từng chiếc.
Kiện tập thể cho phép các thành viên mà lợi ích bị xâm hại liên kết lại với nhau cùng đòi quyền lợi lớn hơn vượt xa các chi phí kiện tụng. Một vài người hoặc luật sư có thể ứng trước chi phí và khi thắng kiện thì sẽ thu hồi phần đã chi, sau đó phân chia phần vòn lại cho tất cả nạn nhân.
Như đã đề cập, các hệ thống pháp luật khác nhau có cách tiếp cận về kiện tập thể khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì hình thức khởi kiện tập thể thông thường là Opt-out class actions (Lựa chọn không tham gia), nghĩa là khi một hành vi bị khởi kiện, tất cả những người bị thiệt hại đều đương nhiên trở thành nguyên đơn trừ khi họ xác định họ không muốn tham gia vụ kiện đó (opt-out).
Đối với các nước Châu Âu hay Nhật Bản thì hình thức khởi kiện tập thể là Opt-in class actions (lựa chọn tham gia) – nghĩa là một nhóm cùng khởi kiện hoặc uỷ quyền cho đại diện đứng ra kiện và chỉ những người tham gia hoặc uỷ quyền mới được xác định là nạn nhân.
Đối với Mỹ, khi khởi kiện, số lượng nạn nhân thường chưa được xác định cụ thể, thậm chí nạn nhân còn chưa biết họ là nạn nhân cho đến khi có phán quyết của toà án, trong khi các nước Châu Âu thì cần đơn kiện hoặc văn tự uỷ quyền và thẩm phán biết rõ con số nạn nhân trước khi tiến hành xét xử.
Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam
Đối với thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, luôn có những cá nhân hoặc văn phòng luật sư tìm kiếm nạn nhân, xác định thiệt hại của họ để bỏ tiền “đầu tư” vào vụ kiện tập thể và hàng trăm vụ kiện lớn đã thành công.
Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có các căn cứ pháp luật cụ thể nào để tiến hành các vụ kiện tập thể. Điều 42 Bộ luật tố tụng Dân sự có quy định về việc “nhập vụ án” khi nhiều người cùng khởi kiện một cá nhân, hoặc một cơ quan tổ chức. Nghĩa là các cá nhân phải tiến hành nộp đơn khởi kiện riêng và Toà có thể nhập các vụ án vào với nhau.
Trên thực tế, năm 2010, Vedan đã chấp nhận bồi thường 220 tỷ cho gần 8.000 nông dân sau khi hơn 4.000 lá đơn được nộp. Năm 2016, Formosa cũng đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho 4 tỉnh miền trung vì gây ra thảm hoạ môi trường. Tuy nhiên đó là những vụ “bồi thường thiệt hại ngoài toà”. Nhà nước tiếp nhận các khoản bồi thường, tự đứng ra đánh giá mức độ thiệt hại và giải ngân tiền bồi thường mà bị đơn trả cho những nạn nhân.
Bên cạnh đó có nhiều vụ như “Nước Sông Đà nhiễm dầu” hoặc “Cháy nổ ở nhà máy phích nước Rạng Đông” tuy cũng gây ra thiệt hại cho nhiều người dân nhưng không có khởi kiện tập thể và dân chưa được đền bù.
Trong những năm gần đây, có nhiều vụ án liên quan đến đầu tư bất động sản – các nhà đầu tư cùng góp tiền để làm dự án nhưng cuối cùng dự án bị bỏ dở, không giao nhà hoặc nhà kém chất lượng, cho dù các nạn nhân đã gửi đơn kiện tập thể nhưng cuối cùng, chủ đầu tư, chính quyền, kể cả toà án cùng tách bó đũa ra và “bẻ gãy từng chiếc”.
Ví dụ có vụ án 76 người đã đầu tư vào Dự án bất động sản 584 Lilama SHB – dự án xây dựng căn hộ. Sau nhiều năm chậm trễ, vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư không trả tiền, cũng không giao nhà nên họ cùng nhau kiện tập thể nhưng cuối cùng họ vẫn thua cuộc, toà phúc thẩm đã “chẻ” vụ kiện trên thành các vụ án riêng lẻ, bó đũa bị tách ra.
Đối với vụ “chuyến bay giải cứu” những người sử dụng dịch vụ, có thể tiến hành khiếu nại tập thể tại Việt Nam theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Các nạn nhân có thể tập hợp các chứng từ để chứng minh mua vé từ đâu, giá bao nhiêu, thiệt hại ra sao khi nộp đơn đòi bồi thường. Điều 5 của Nghị định vừa dẫn cho phép các nạn nhân “có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho luật sư” thực hiện khiếu nại. Luật pháp không giới hạn một văn phòng luật sư có thể nhận uỷ quyền cho bao nhiêu người nên luật sư có thể nhận uỷ quyền không giới hạn để tiến hành kiện về “cùng một nội dung”.
Xác định đối tượng khởi kiện và cơ quan tài phán
Tuy nhiên trong vụ “chuyến bay giải cứu”, các nạn nhân sẽ khó bồi thường thiệt hại của họ ở tại Việt Nam. Bởi vậy họ có thể tìm kiếm một hãng luật ở nước ngoài và khởi kiện tại một cơ quan tài phán ở nước ngoài, cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.
Để tiến hành các vụ kiện chống lại một pháp nhân nào đó theo luật pháp Hoa Kỳ, trước hết phải xác định pháp nhân ấy có hiện diện vật lý tại Hoa Kỳ không? Có trụ sở và có đăng ký hoạt động theo luật pháp Mỹ không? Hành vi gây thiệt hại có thực hiện trên lãnh thổ của Hoa Kỳ hay không?
Ví dụ trong vụ “chuyến bay giải cứu” cần phải xác định đối tượng để khởi kiện là “chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp được cho phép thực hiện các chuyến bay combo hay là Vietnam Airlines? Muốn vậy phải chứng minh chính phủ (bao gồm các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài) có can dự vào việc gây ra thiệt hại thông qua các chỉ đạo, yêu cầu hay không? Các doanh nghiệp đã “phối hợp” những chỉ đạo, yêu cầu của chính phủ với tình thế lúc ấy để bắt chẹt người có nhu cầu như thế nào? Vietnam Airlines liên quan ra sao – chỉ là bên được các doanh nghiệp có giấy phép thực hiện “chuyến bay giải cứu” thuê mướn hay cũng góp phần vào việc điều phối các chuyến bay?
Bởi có hàng trăm ngàn nạn nhân nên sẽ có hàng ngàn tình tiết khác nhau, chi phí – thiệt hại khác nhau,… và có lẽ chỉ những nạn nhân thực sự dám làm việc với luật sư mới giúp xác định đối tượng cần khởi kiện là pháp nhân nào? Biết đâu sau khi tìm hiểu tất cả các yếu tố có liên quan, các hãng luật sẽ gợi ý một vụ kiện “combo”?
Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch. Con đường sẽ rất dài và không dễ dàng nhưng những ai yêu mến công lý vẫn có thể liên hệ các hãng luật tại Mỹ để nhờ xem xét việc khởi kiện để bảo đảm sẽ không bao giờ có đại án nào kiểu như “chuyến bay giải cứu” trong tương lai nữa./.