Bà Nhàn AIC – một ví dụ nữa về “mình phải như thế nào…”

- Quảng Cáo -

DongPhungViet’s blog

Không ít quốc gia dù không khoan nhượng với tham nhũng nhưng lại không mặn mòi với việc hỗ trợ chính quyền Việt Nam truy bắt tội phạm. Câu chuyện “Trịnh Xuân Thanh tự đầu thú” biến chính quyền Việt Nam thành loại đối tác không đáng tin cậy mà còn tiếp tục sáng tác thêm những câu chuyện như “Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng AIC đầu thú”.

TAZ – một nhật báo ở Đức – vừa có bài về lùm xùm quanh bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (54 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC, thường được gọi tắt là AIC Group) và chính quyền Việt Nam (1)

Theo đó, bà Nhàn – người vừa bị “truy nã đặc biệt”, vừa bị tòa án Việt Nam xét xử vắng mặt rồi phạt 30 năm tù vì “đưa hối lộ” và “vi phạm các quy định về đấu thầu” – đang cư trú ở Đức (2).

- Quảng Cáo -

TAZ cho biết, ngoài việc làm môi giới để đưa người Việt đi làm thuê ở ngoại quốc, cung cấp sản phẩm cho các dự án thông qua tranh thầu, bà Nhàn còn môi giới cho các dự án mua bán vũ khí giữa một số quốc gia và Việt Nam.

TAZ đã dựa vào nhiều nguồn khác nhau để giải thích chuyện bà Nhàn và AIC Group vốn được trao đủ thứ danh hiệu: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Sao đỏ, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, Thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất… chưa kể đủ loại huân chương, huy chương, bằng khen của đủ mọi cấp… đột nhiên bị xem là tội phạm, bị tấn công vì là tình nhân của ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng Việt Nam). Cả hai có với nhau một cô con gái. Mục tiêu chính của cuộc săn đuổi bà Nhàn và triệt hạ AIC là loại bỏ ông Chính – một trong những vận động viên đang tham gia cuộc đua thay thế ông Trọng làm Tổng Bí thư đảng CSVN. Cứ như tường thuật của TAZ thì việc bắt giữ bà Nhàn không chỉ đe dọa sự nghiệp của ông Chính mà còn gây nguy hiểm cho giới lãnh đạo quân đội Việt Nam, những cá nhân từng sử dụng bà Nhàn như trung gian trong các thương vụ mua vũ khí. Đó có thể là lý do bà Nhàn và các cộng sự thân tín của bà cùng rời Việt Nam ra ngoại quốc trước khi công an Việt Nam thực hiện các lệnh bắt giữ.

Tuy công an Việt Nam đề nghị lực lượng bảo vệ – thực thi pháp luật trên toàn thế giới hỗ trợ truy bắt bà Nhàn nhưng TAZ kể rằng Đức từ chối thực hiện đề nghị này. Dường như Mỹ cũng chưa đáp ứng đề nghị của Việt Nam: Bắt giữ và giải giao một cộng sự của bà Hằng đang ẩn náu tại Mỹ. Đến giờ mới chỉ có Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (United Arab Emirates – UAE) giải giao ông Đỗ Văn Sơn (Kế toán trưởng AIC) đang ẩn náu tại UAE cho chính quyền Việt Nam. TAZ dẫn chuyện ông Tô Lâm (Bộ trưởng Công an Việt Nam) tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức năm 2017 kèm cảnh báo, có thể chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục hành xử càn rỡ như thế đối với bà Nhàn. TAZ lưu ý, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất. Sau khi tổ chức bắt cóc ông Thanh, chính quyền Việt Nam tiếp tục tổ chức bắt cóc ông Trương Duy Nhất (năm 2019) trên lãnh thổ Thái Lan và mới đây tiếp tục tổ chức bắt cóc ông Thái Văn Đường trên lãnh thổ Thái Lan…

***

Khoan bàn những thông tin mà TAZ đề cập chính xác đến mức nào. Chỉ đối chiếu những thông tin đó với thực tế đã biết và đang thấy tại Việt Nam cũng đã có vô số chuyện đáng ngẫm nghĩ…

Tại sao AIC có thể “chọc Trời, khuấy nước” trong một thời gian dài, thực hiện nhiều thương vụ “kinh thiên, động địa” nhưng “bình an, vô sự” rồi… “đùng một cái” bị lột trần? Tương tự, tại sao… “đùng một cái”, bà Nhàn – chủ sở hữu bộ sưu tập đủ loại danh hiệu, phần thưởng từng liên tục được ca ngợi là… “cao quý” – lại trở thành tội phạm nguy hiểm như thế? Bao nhiêu người tin những chuyện… “đùng một cái” ấy là “phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”? Phải hỏi như thế bởi không ít quốc gia dù không khoan nhượng với tham nhũng nhưng lại không mặn mòi với việc hỗ trợ chính quyền Việt Nam truy bắt tội phạm. Dẫu tác hại của việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh càng lúc càng lớn nhưng tại sao không những không rút kinh nghiệm, không truy cứu trách nhiệm những cá nhân ngụy tạo câu chuyện “Trịnh Xuân Thanh tự đầu thú” biến chính quyền Việt Nam thành loại đối tác không đáng tin cậy mà còn tiếp tục sáng tác thêm những câu chuyện như “Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng AIC đầu thú(3).

Bao giờ thì tới lúc, ông Trọng – nhân vật thường xuyên bày tỏ sự tự hào về chính ông và đảng của ông thông qua việc nhấn mạnh “mình phải như thế nào thì người ta mới đối xử như thế” dùng chính mệnh đề này để tự vấn khi tạo ra những người như bà Nhàn và các đồng phạm, cũng như tự vấn khi thiên hạ vừa đề cao cảnh giác, vừa hờ hững đối với các đề nghị hợp tác, hỗ trợ săn lùng, giải giao tội phạm từ chính quyền do đảng của ông dựng lên? Ông Trọng không thể nhìn ra “vị thế” như vậy thì “tiền đồ” ra sao?

Tham khảo

(1) https://taz.de/Drohende-Entfuehrung-vietnamesischer-Frau/!5952435/

(2) https://thanhnien.vn/dang-bo-tron-cuu-chu-tich-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-boi-thuong-103-ti-ra-sao-18523052512191024.htm

(3) https://laodong.vn/phap-luat/nguyen-ke-toan-truong-do-van-son-vu-dai-an-aic-ra-dau-thu-1212748.ldo

- Quảng Cáo -