Đôi lời với một số Phật tử chùa Ba Vàng

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

Hôm qua tôi đã có một trải nghiệm khá đặc biệt, đó là sự phản ứng dữ dội của nhiều người tự xưng là Phật tử chùa Ba Vàng, sau khi tôi đăng bài “Chơi theo phong cách Ba Vàng”. Những người này tràn vào trang tôi, mang theo đủ thứ ngôn từ với hàng trăm bình luận, từ sự thô lỗ, hung dữ, thách thức, trù úm, đe dọa (bằng nghiệp, quả báo)… Sự việc bất ngờ tới nỗi, sau đó tôi đã phải chặn mấy nick quá hung hăng và hạn chế bình luận đối với khách vãng lai, vì vốn không thích và không muốn thấy những ồn ào vô nghĩa.

Xin nhắc lại, bài viết ấy tôi nêu 2 luận điểm. Điểm thứ nhất là tôi khẳng định chùa Ba Vàng báo cáo thu chi như vậy là đúng pháp luật, và vì thế nên mới nhắc bạn bè FB rằng đừng “mỉa mai hay tức giận Ba Vàng”, đơn giản vì họ làm thế là theo nội dung Thông tư 04. Điểm thứ 2 tôi nhận định (lúc này không nói chuyện Ba Vàng nữa mà là nói chung) rằng: trên thực tế, tiền công đức đổ vào các “chùa hot” sẽ lớn hơn số được báo cáo rất nhiều. Tuy nhiên, bất luận thế nào cũng không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay ủng hộ sự can thiệp thô bạo để xâm phạm vào chuyện này. Thay vào đó, nếu thấy nó không tốt thì phải thay đổi nhận thức của dân chúng, “mở mang dân trí, hướng con người tới thực học, thực làm, tạo ra của cải vật chất, kiến lập xã hội an hòa, xây dựng tịnh độ giữa ta bà” từ đó mà tránh được chuyện bị lợi dụng.

Cả 2 điểm, điểm 1 là nói tốt và nói có lợi cho Ba Vàng, điểm 2 là một giải pháp đảm bảo cho tự do tôn giáo trên nền tảng dân trí (chứ không ủng hộ can thiệp hành chính vào lĩnh vực này). Xét thế thì thấy, không điểm nào bất lợi cho chùa Ba Vàng cả. Vậy mà, các tín đồ (xưng là phật tử BV hay học trò của “sư phụ”) không những không tiếc lời chửi bới mà còn như truy sát, tiếp tục tràn cả vào bài đăng không liên quan (vụ cô Lịch bị “trấn áp” tại công sở tỉnh Hưng Yên) để tiếp tục thách thức, khiêu khích, chửi bới…

- Quảng Cáo -

Lúc này thì tôi sợ thật sự, sợ bởi không thể hiểu nổi tại sao họ nhận mình là người tu, đã thọ nhận những lợi lạc thù thắng từ “sư phụ” mà lại có thể hành xử một cách sân si và đầy kiến chấp như vậy. Tôi còn sợ hơn nữa khi biết chỉ trong hơn 1 tháng vừa rồi mà đã có tới 22.000 trẻ đến Ba Vàng để học “Khóa tu mùa hè”.

Nhưng tạm gác qua chuyện đó, bây giờ nói chuyện thực tế hơn. Những người vừa nói trên đã ném vào trang tôi nhiều thông tin trong đó có cái bảng ghi chi phí cho các “khóa tu mùa hè” trong chưa đầy 2 tháng vừa rồi dành cho 22.000 người thuộc “giới trẻ”, với số tiền lên đến hơn 23 tỉ đồng. Miễn phí ăn, ở, tất tật. Nói chung là chùa đã tự bỏ một số tiền khổng lồ ra để làm một việc tốt khổng lồ.

Cứ cho rằng mọi thông tin các bạn cung cấp là chính xác 100%, và tôi không hề nghi ngờ mảy may. Nhưng xin hỏi, tiền này từ đâu ra? Tôi là người đã từng ăn cơm chùa không ít cùng với những “đại chúng” đông đảo. Ăn cơm chùa thì tất nhiên không ở đâu đứng ra bán hay thu tiền cả, mà là “tùy tâm cúng dường”. Và hình như tôi cũng hiếm khi nào thấy ai đến chùa ăn cơm mà không cúng cả. Số tiền cúng, nếu ít thì cũng phải bằng những gì mình đã nhận, nhưng rất ít ai cúng khít rịt như mua đồ ngoài quán, mà thường là nhiều hơn, thậm chí nhiều hơn rất nhiều lần. “Công đức cúng dường tam bảo là vô lượng”, “ăn của thường trụ trả đời đời không hết”, “khinh xuất lạm dụng của Thường Trụ Tam Bảo, một vật dù nhỏ như mảy lông sợi tóc, nếu bộp chộp đụng vào, dù không có tà ý cũng sẽ chiêu lấy ác báo nơi Địa Ngục, v.v. và v.v., Sợ chưa? Cho nên, “cúng” là điều dễ hiểu và tất nhiên thôi.

Điều tôi muốn nói ở đây là, “miễn phí” nhưng dường như sẽ không ai nhận không của chùa cả, hạt muối đưa qua, hạt đường đưa lại. Đều là trả tiền cả đấy, nhưng chỉ là “phương thức giao dịch” khác nhau, cách trả khác nhau, danh nghĩa khác nhau và giá cả khác nhau mà thôi. Cho nên, đây là một bài toán mà tôi tin rằng, không ai kinh doanh tâm linh lại không biết đến.

Nếu không phải là tiền của khách thì chùa lấy đâu ra mà trong chưa đầy 2 tháng đã có thể chi đến mấy chục tỉ đồng, và chi từ năm này qua năm nọ? Cho nên hãy sòng phẳng với nhau, đừng gắn chữ “từ thiện” hay “miễn phí” lên đó. Giản dị, đó chỉ là “cây đậu nấu hạt đậu” mà thôi.

Bây giờ nói đến con số 22.000 thanh thiếu niên. Nhà chùa đã và đang dạy cái gì cho họ? Có dạy “vong báo oán”, “thỉnh vong”, “giải vong”, “cúng oan gia trái chủ”; có “gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu, thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng”, v.v. và v.v., không? Lưu ý hành vi này của chùa Ba Vàng trước đây đã bị cả chính quyền và Giáo hội xử phạt, vì không đúng nghi lễ Phật giáo và truyền bá mê tín dị đoan.

Chừng đó thôi, nghĩ tới đã sợ hãi.

Có cơ quan nào đang quản lý những nội dung “thuyết pháp” của nhiều chùa chiền cho hàng vạn thanh thiếu niên, là những “mầm non tương lai của đất nước” không? Và quản lý như thế nào, chặt chẽ tới đâu, để tránh tiêm nhiễm vào đầu thế hệ trẻ những tư tưởng lệch lạc, mê tín dị đoan?

Tôi đi dạy học ở trường, mỗi lớp chỉ có vài chục học sinh, nhưng nhất nhất phải tuân thủ chương trình và sách giáo khoa (được gọi là pháp lệnh), nếu nói cái gì lệch ra ngoài coi chừng bị kỷ luật và mất việc như chơi. Nay, một ngôi chùa tổ chức một lúc “dạy” mấy vạn học trò, nếu đưa vào đó những nội dung sai trái, lầm lạc, thì hậu quả khôn lường mà cả xã hội này sẽ phải gánh. Nhưng gánh làm sao cho nổi?

Nhân đây, nói về cái gọi là “khóa tu mùa hè” đang được rầm rộ tổ chức ở những ngôi chùa lớn nhỏ trên cả nước. Tôi không phản đối, nhưng hoạt động này phải được nhà nước quản lý nghiêm túc, giám sát chặt chẽ, không thể dễ dãi tùy tiện. Một ngôi chùa trong vài tháng mà đã thâu nạp tới 22 ngàn học sinh, vậy trên cả nước là bao nhiêu? Việc giáo dục thế hệ trẻ là tối hệ trọng, vì sự đắp vững những nền tảng tri thức, nhận thức, tiếp thu các thành tựu văn minh của nhân loại nơi trẻ em sẽ quyết định tương lai của một quốc gia, không thể thả nổi để cho các chùa tự mình tổ chức mà thiếu sự quản lý nghiêm ngặt về nội dung như hiện nay đối với công việc lớn lao này, tránh để đến vài mươi năm sau, xã hội sẽ phải nhận lại những thế hệ lệch lạc về nhân sinh quan và hành vi. Lúc đó, có sửa cũng không kịp nữa.

Để kết thúc xin dẫn lại lời đức Phật trong kinh Kalama khi ngài nhắc nhở các học trò của mình: “Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết. Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống. Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền. Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở. Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình. Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình. Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt. Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình. Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ. Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết”.

Đó là tinh thần hoài nghi rất hiện đại và khoa học của đức Phật, nó không những chưa bao giờ cũ đi mà ngược lại, luôn luôn mang tính thời sự.

Đối với một số người nhân danh “bảo vệ chánh pháp”, vậy xin dẫn lời Đức Phật, ngài xác quyết trong kinh Di Giáo rằng: “Tất cả các ma vương ngoại đạo không ai có thể phá hoại được giáo pháp của ta, chỉ có đệ tử ta mới làm cho giáo pháp ta bị hủy diệt”.

Để không phải mất thời gian nói thêm câu nào về chuyện này nữa, tôi sẽ mở bình luận công khai, cho mỗi người tự nói và tự trình hiện con người của mình.

Thái Hạo

- Quảng Cáo -