Doanh nghiệp khốn khó: nhờ ơn Đảng và nhà nước

- Quảng Cáo -

Hàn Lam (VNTB)

“Mọi chuyện đã có Đảng và nhà nước lo”

Sáng 4-7, tại hội thảo khoa học “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) trình bày tham luận “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật để chính sách đi vào cuộc sống”.

Tham luận của luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh có đoạn:

- Quảng Cáo -

“Khi điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu: mục tiêu thứ nhất là “Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người”; mục tiêu thứ hai là “Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững”; và mục tiêu thứ ba là “Đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước”.

Thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Chính phủ để có thể duy trì sản xuất, phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới”.

Liên quan tình hình kinh tế trong vấn đề đảm bảo nguồn thu ngân sách qua các chế độ thuế khóa, cũng trong ngày 4-7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những thông tin về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo kịch bản tăng trưởng quý III và của cả năm.

Cụ thể, có 2 kịch bản được vị Bộ trưởng đưa ra. Trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01 của Chính phủ), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Với hai nhận định từ phía quan chức chính phủ và phía đại diện hội đoàn, theo một ghi nhận của ông Nguyễn Mại – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – thì có thể thấy rằng điểm chung là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang vô cùng khó khăn.

“Doanh nghiệp khốn khổ không thể tưởng tượng được. Không có tiền trả cho ngân hàng, cho lao động nên doanh nghiệp phải sa thải lao động. Không có tiền mua nguyên vật liệu, nên có khách hàng, doanh nghiệp cũng không sản xuất được. Câu chuyện hiện nay là của các bộ ngành cùng Chính phủ, Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố nên tập trung vào để giải cứu doanh nghiệp.

Trong tình hình hàng chục vạn doanh nghiệp đang chết yểu, ai lại nghĩ đến chuyện đưa ra giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này. Do vậy, thời điểm này không nên đưa ra bất kỳ chủ trương chính sách về tăng bất kỳ loại thuế nào” – ông Nguyễn Mại khuyến nghị.

Ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng ba năm qua, doanh nghiệp đang bị ba “cú đạp, cú đấm” liên hồi. Cú đạp thứ nhất là dịch Covid-19 bùng phát. Cú đạp tiếp theo là ảnh hưởng của bên ngoài khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và lạm phát gia tăng.

Cú đạp thứ ba là thủ tục hành chính trước đây cải cách bao nhiêu thì giờ chồng lên bấy nhiêu. Nên môi trường kinh doanh không có cơ hội cải thiện.

Với các cú đấm, cú đạp liên tục như thế, doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động.

… Xem ra tất cả các vấn đề mà “ai cũng thấy, cũng biết” như trước, cần được người đứng đầu Bộ Chính trị đưa ra được quyết sách xử trí theo đúng như những gì mà Hiến pháp đã dành cho Đảng cộng sản Việt Nam “quyền độc quyền” trong “lãnh đạo toàn diện” về kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Bởi, “đã có Đảng và nhà nước lo” không thể chỉ dừng lại là một khẩu hiệu tuyên truyền cổ động chính trị.

- Quảng Cáo -