Bắt nhầm nhưng vẫn đăng hình nhục mạ người dân: Công an cần học lại luật

- Quảng Cáo -

Trần Cảnh Chân (VNTB)

Các nghi phạm bị chụp hình ngay khi bị bắt và công khai trên mạng xã hội khi chưa bị tòa án kết tội.

Một điểm đáng chú ý trong vụ người Thượng tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk là hình ảnh các nghi phạm được phía công an công bố rộng rãi trên truyền thông khi chưa qua xét xử. Đặc biệt sau khi bị tra tấn hỏi cung thì một số người được phát hiện là bắt nhầm, và trả tự do. Nhưng những hình ảnh họ bị còng tay do công an chụp lại đã được công khai ngay khi bị bắt.

Tuy được thả tự do ngay sau đó, nhưng những hình ảnh này vẫn tiếp tục lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội mà không có biện pháp ngăn chặn. Và các nạn nhân vẫn không được cơ quan chức năng xin lỗi công khai. Một số thông tin tại chỗ cho rằng trong những ngày qua, rất nhiều người Thượng mặc quần áo rằn ri trên đường đi làm nông đã bị công an địa phương bắt nhầm và tra tấn.

- Quảng Cáo -

Phía công an, truyền thông lề đảng cũng đã công khai nhiều hình ảnh vợ con, gia đình của một số nghi phạm. Điều này chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người vô tội. Không chỉ trong vụ án tại Đắk Lắk, mà nhiều vụ án hình sự khác, các nghi phạm cũng bị chụp hình ngay khi bị bắt và công khai trên mạng xã hội khi chưa bị tòa án kết tội.

Đây không chỉ là hành vi vi phạm nhân quyền mà còn là vi phạm pháp luật do đảng cộng sản lập ra. Theo trung tá, thạc sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), nói trên báo Pháp Luật TPHCM hồi 2017: “Lan truyền trên mạng hình ảnh của nghi phạm là vi phạm quyền nhân thân, bị pháp luật nghiêm cấm” và có thể bị khởi kiện.

Mặt dù là cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật và bảo vệ người dân. Nhưng chính công an lại là những người thường xuyên vi phạm pháp luật, khi lạm dụng quyền hạn để chụp hình và đăng tải, cung cấp các hình ảnh mang tính nhục mạ các nghi phạm cho truyền thông, mạng xã hội và báo chí.

Theo quy định tại Điều 38 Bô‌ luâ‌t Dân sư‌ 2015 về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cụ thể như sau:

– Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

– Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

– Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Do đó, việc tự ý đăng hình ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra việc sử dụng hình ảnh của người khác với mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của họ cũng vi phạm điều 155 Bộ luật Hình sự, tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Đối với hành vi đăng tải hình của người bị công an bắt nhầm, mang tính bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thể bị xử lý theo điều 156 Bộ luật Hình sự, tội vu khống. Mức án cho tội này có thể lên tới 7 năm./.

- Quảng Cáo -