Với “Bốn không”, Việt Nam bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Hồng (RFA)

Chính sách “tằm ăn dâu” của Trung Quốc, chưa thấy có triển vọng bứt phá nào trong sự kết nối mới hơn giữa Việt Nam với các định chế khu vực.

Kỳ này, Việt Nam đã dự đoán trước được sự đụng độ căng thẳng giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Hoa Kỳ. Phạm vi xung đột giữa hai cường quốc này trải rộng ra hầu hết trên tất cả các lĩnh vực bang giao: từ kinh tế, chính trị đến thương mại, an ninh… Nhưng tâm điểm của xung đột vẫn là xuất phát từ hai quan niệm đối nghịch nhau về trật tự thế giới hiện hành. Trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 (SLD20), quan hệ Trung – Mỹ và quan hệ Trung – Việt đều rơi vào điểm khủng hoảng. Mặc dù hai ông lớn Lý Thượng Phúc và Lloyd Austin chưa có nói chuyện trực tiếp, nhưng các đồng minh và đối tác của Mỹ đã hình thành ngay một “Bộ Tứ thứ hai” (QUAD 2) tại SLD lần này, mà mục tiêu không gì khác là để đối phó với mọi mưu đồ của Trung Quốc. Đây là một sự kiện đáng chú ý! (1)

Tránh voi liệu có xấu mặt?

- Quảng Cáo -

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào” (For mad words, deaf ears). Phải chăng đấy là sự lựa chọn tối giản đối với Việt Nam lúc này, vốn không muốn dính dáng gì đến cuộc cãi vã giữa hai ông lớn? Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang có thể tính toán như vậy, nên đã không đi dự SDL20. Tuy nhiên, việc tham gia Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á này lại thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị ĐCSVN, chứ không thể một mình Tướng Giang quyết định. Ông Giang là người thay mặt cho cơ quan chủ quản, tức là Bộ Quốc phòng, đã có tờ trình từ trước. Việc Tướng Giang thuyết phục được Bộ Chính trị, cho phép cử cấp phó của mình, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến, dự SLD20 có cái logic của nó. Tướng Giang chắc là chẳng muốn gặp Tướng Lý Thượng Phúc lẫn Tướng Lloyd Austin vào thời điểm gay cấn hiện nay. Trong khi tại các phiên họp toàn thể của SLD20, Thứ trưởng Chiến chỉ ngồi lắng nghe, dường như không phát biểu gì? Nếu ông ngồi im thế thì thật là phí. Các đội tàu và các lực lượng hải quân Trung Quốc đang cày xới trong vùng EEZ của Việt Nam. Ít nhất, ông Thứ trưởng vẫn phải đưa vấn đề này ra tại Diễn đan an ninh chứ?

Hay là đoàn Việt Nam đã có lệnh từ trước khi đến dự SLD20? Hai con voi đang quần thảo, thân phận mình dưới bãi cỏ, tránh đi là thượng sách. Vâng, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Minh triết của tiền nhân dạy thế! Nhưng “con voi Tàu” này có đặc điểm là “mềm nắn rắn buông”. Tân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 25/5 từng kêu gọi Trung Quốc rút khỏi vùng EEZ của Việt Nam. Trung Quốc không những không đáp ứng, mà còn tuyên bố trước thế giới, làm gì có chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ của nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản pháo lại bà Hằng, Trung Quốc có chủ quyền với “quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận”, hàm ý đề cập tới khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 10/6, bà Phạm Thu Hằng đáp trả lại tuyên bố gây phẫn nộ ấy. Bà Hằng từng cho biết, nhà chức trách Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với Trung Quốc, triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. (2)

Mà đâu chỉ có Bộ Ngoại giao Trung Quốc sạo, Thượng tướng Lý Thượng Phúc cũng sạo luôn cả với Trung tướng Hoàng Xuân Chiến tại SLD20 rằng, hợp tác quốc phòng hai nước tiếp tục thực hiện theo nhận thức chung được lãnh đạo cấp cao thống nhất; đặc biệt, sau chuyến thăm Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nhưng trong nhận thức chúng ấy, làm gì có chuyện ông Trọng đồng ý cho Bắc Kinh coi Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc? Năm ngoái, tại SLD19, Đại tướng Phan Văn Giang đã gặp Bộ trưởng Austin mà truyền thông đưa tin là hai Bộ trưởng Việt, Mỹ đã “đánh giá kết quả hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực trên một số lĩnh vực như khắc phục hậu quả chiến tranh, đối thoại tham vấn, trao đổi đoàn, an ninh biển, đào tạo, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc”. Năm nay, cũng dịp này, Đô đốc Linda L. Fagan, nữ Tư lệnh đầu tiên của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã có chuyến thăm đến Việt Nam. Nữ đô đốc 4 sao này của Mỹ khẳng định, Hoa Kỳ trân trọng sự tham gia và vai trò của lực lượng chấp pháp biển Việt Nam trong các sự kiện hợp tác đa phương. (3)

Bất lực khi Trung Quốc hung hăng  

Sự hiện diện của Việt Nam tại SLD20 vừa qua ở mức tối thiểu. Đoàn Việt Nam dự Đối thoại chỉ có năm người, số lượng thấp nhất từ trước đến nay. Và năm nay, lần đầu tiên cả đoàn quốc phòng Việt Nam mặc áo dân sự. Có phải đoàn Việt Nam muốn đẩy chính sách “Bốn không” lên mức cao hơn, tức là có hàm ý chỉ muốn quan sát SLS20 từ khía cạnh “an ninh phi truyền thống”, thậm chí chỉ thuần túy về mặt dân sự? Tướng Chiến có các cuộc gặp với các Thứ trưởng Nhật, Hàn Quốc với Bộ trưởng Úc. Theo giới phân tích, mục đích của Việt Nam là đối thoại, tìm các cơ hội hợp tác với các nước, đặc biệt với Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ. Nga, Trung Quốc… để duy trì và củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông (4). Trong khi đoàn Việt Nam không phát biểu gì, thì Tướng Austin lại nhắc đến Việt Nam ba lần trong phát biểu chính thức. Tướng Austin đánh giá, Indonesia và Việt Nam đã có những bước đi táo bạo trong việc giải quyết tranh chấp biên giới trên vùng biển hai nước. Và đấy là kết quả sau 12 năm đàm phán khó khăn. Bộ trưởng Austin cũng trả lời câu hỏi liên quan đến sự khác biệt về chế độ chính trị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Phản ứng của ông là Hoa Kỳ đang tập trung vào các lợi ích chung như Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chứ không tập trung vào chế độ chính trị. Nhìn từ tình huống này, những nỗ lực của Việt Nam để có được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ đã đạt được thành quả bước đầu.

Bộ trưởng Austin nêu rõ mục tiêu chung của hợp tác với khu vực là để ngăn chặn sự xâm lược và làm sâu sắc thêm các quy tắc lẫn chuẩn mực để thúc đẩy sự thịnh vượng và ngăn ngừa xung đột. “Vì vậy, chúng tôi tăng cường lên kế hoạch, phối hợp và huấn luyện với các bạn bè từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông và đến Ấn Độ Dương. Điều này bao gồm các đồng minh trung thành như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Và cả các đối tác có giá trị như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và đương nhiên, cả chủ nhà của SLD20 là Singapore”, ông Austin khẳng định trong phát biểu của mình. file:///Users/thangdinh/Downloads/lloyd-j-austin-iii-secretary-of-defense-us—as-delivered_sld23.pdf. Theo một chuyên gia có mặt tại Đối thoại, để thuyết phục người khác, trong bối cảnh ấy, tốt hơn hết là đoàn Việt Nam nên phát biểu ý kiến tại một sự kiện lớn như thế này. Bời vì, Việt Nam muốn Mỹ đẩy tàu khảo sát Trung Quốc ra khỏi vùng biển phía Nam Việt Nam, nếu có thể. Vậy thì trong tương lai, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ là một kiểu hợp tác để đạt được mục tiêu như vậy. (5)

Triển vọng trước mắt là thế, nhưng với chính sách “bốn không”, thậm chí kể cả “bốn không và một nếu” từ trước đến nay, Việt Nam dường như đành chịu lép vế trước sự hung hăng của Trung Quốc. Trong một dòng tweet hôm 8/6/2023, ông Raymond M. Powell, Trưởng Dự án Myoushu, Trung tâm Gordian Knot Center for National Security Innovation, Đại học Stanford, thông tin về đường di chuyển mới nhất của tàu hải cảnh được mệnh danh là “monster” (con quái vật). Có thể chia sẻ với các lý do mà chuyên gia trong nước giải thích về hành động hung hăng nói trên của Trung Quốc: i) Đàm phán COC thất bại, Trung Quốc đổ lỗi cho ASEAN, ii) Gây sức ép với Nga rút khỏi các lô dầu trong EEZ của Việt Nam và iii) Gây sức ép với Việt Nam nhằm trì hoãn việc nâng cấp quan hệ với Mỹ trong thời gian tới (6). Qua sự thụ động của Việt Nam tại SLD20 và sự bất lực trong đối phó với chính sách “tằm ăn dâu” của Trung Quốc, chưa thấy có triển vọng bứt phá nào trong sự kết nối mới giữa Việt Nam với các định chế khu vực, dù cho đến nay đã có đến “hai Bộ tứ” (hai QUAD) trong không gian “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP).

___________

Tham khảo:

  1. https://asiatimes.com/2023/06/did-shangri-la-give-birth-to-a-new-quad/
  2. https://tuoitre.vn/viet-nam-phan-doi-vu-trung-quoc-noi-tau-huong-duong-hong-10-khong-di-vao-eez-nuoc-khac-20230607100515842.htm
  3. https://www.voatiengviet.com/a/tu-lenh-tuan-duyen-my-ket-thuc-chuyen-tham-viet-nam-cam-ket-dam-bao-an-ninh-hang-hai/7120152.html
  4. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65764013
  5. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65764013
  6. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g15dp7135o
- Quảng Cáo -