Quốc Phương (RFA)
Bị cáo mới nhất, một trí thức và nhà hoạt động ôn hòa, bị một tòa án ở Việt Nam tuyên án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế theo Điều 117 Bộ Luật hình sự của nước này đã không được tiếp cận hồ sơ vụ án và yêu cầu của bị cáo mời người tới đối chất ở phiên tòa đã không được tòa án chấp nhận, vợ của bị cáo cho Đài Á Châu Tự Do biết.
Hôm 07/6/2023, một ngày sau phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà giáo Đặng Đăng Phước, cựu giảng viên âm nhạc của trường Cao Đẳng Sư Phạm Đắk Lắk, bà Lê Thị Hà cũng cho RFA Tiếng Việt biết thêm rằng yêu cầu của chồng của bà được có giám định viên triệu tập tới phiên xét xử cũng không được Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đáp ứng.
Sau đây là những gì diễn biến xung quanh phiên tòa mà vợ của nhà giáo Đặng Đăng Phước khi trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do cho biết thêm:
Bà Lê Thị Hà: Phiên toà diễn ra từ 7 giờ 30 đến 14 giờ 30 hôm 06/6/2023 thì kết thúc. Thời gian nghỉ giải lao và nghị án trong tổng cộng khoảng 30 phút. Phiên toà được thông báo diễn ra công khai, phòng xử án cũng đầy kín cả người nhưng họ là ai tôi không biết, tôi chỉ biết tôi và những người bị triệu tập theo lệnh của toà án mới được vào bên trong toà. Còn thân nhân, bạn bè, những người quan tâm đến vụ án thì không ai được vào tham dự. Quanh khu vực toà án, họ bố trí hàng trăm cảnh sát giao thông cơ động, trật tự và nhân viên an ninh thường phục với vẻ mặt cực kỳ căng thẳng.
Trước khi phiên toà diễn ra, chồng tôi đã làm đơn yêu cầu triệu tập giám định viên là bà Phạm Thị Minh Huệ và ông Huỳnh Sự và các điều tra viên Nguyễn Hữu Tào, Hứa Quốc Thuận, Phạm Quang Việt, Nguyễn Thị Thu Hương đến phiên toà để đối chất, nhưng không được đáp ứng. Ngoài ra, chồng tôi cũng không được tiếp cận hồ sơ vụ án của chính mình.
Về điều này toà án đã có văn bản phúc đáp là chồng tôi đã được điều tra viên đọc cho nghe hồ sơ vụ án. Thế nhưng qua những lần trao đổi với chồng tôi trước đây, anh cho tôi biết điều tra viên có đọc cho anh nghe nhưng không đủ, họ cũng không cho anh ghi chép lại với lý do anh đã có luật sư bào chữa??? Trong khi luật pháp Việt Nam cho phép anh Phước được tiếp xúc, ghi chép lại hồ sơ vụ án của chính mình, nhưng họ lại tước đi quyền lợi hợp pháp của chồng tôi.
Tại phiên tòa, Đại diện viện kiểm sát, công tố viên Nguyễn Hữu Thông xoáy sâu vào các vấn đề sau là: thứ nhất, anh Phước hát bài “Gánh Xiếc To Trên Quê Hương Nhỏ”, và đây là hành vi phát tán tuyên truyền chống lại nhà nước; thứ hai là việc anh Phước làm bài thơ đăng trong dịp Giáng Sinh với tiêu đề “Merry Christmas”: “Xin Chúa lòng lành cứu Việt Nam, Chúa đem phán xét lũ quan tham, Những kẻ bỏ tù người yêu nước, Phá bỏ gông xiềng, thoát cầm giam”, thì Công tố viên cho rằng anh Phước dùng thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, lợi dụng việc tâm sự với Chúa để tuyên truyền, xuyên tạc sự thật, lôi kéo nhân dân gây rối trật tự công cộng, kêu gọi quần chúng nhân dân chống lại chính quyền;
Thứ ba là anh Phước có một bài thơ tiêu đề Tặng Ngài Tưởng Thú. Điều tra viên đã tự phiên dịch từ “tưởng thú” thành “thủ tướng” và cho rằng anh bôi nhọ thủ tướng; thứ tư, Chủ toạ phiên toà, ông Y Phi Kbuôr chất vấn anh Phước về phát biểu tại sao lại khẳng định Hồ Duy Hải phải chịu án oan thay cho hung thủ thật sự trong khi các cơ quan chức năng đã đưa ra phán quyết Hồ Duy Hải có tội? Và thứ năm là Chủ toạ chất vấn chồng tôi về những phát biểu bênh vực người dân trong vụ án Đồng Tâm và bà con vườn rau Lộc Hưng. Khu vực đất Đồng Tâm nhà nước đã có chủ trương thu hồi để làm sân bay để phục vụ người dân. Khu đất vườn rau Lộc Hưng đã quy hoạch xây dựng những công trình phục vụ cộng đồng, được tiến hành vận động giải toả, kê khai diện tích nhận hỗ trợ thoả đáng, hợp lòng dân. Đây là chủ trương đúng đắn của đảng và nhà nước. Lấy căn cứ đâu mà anh Phước phát biểu nhà nước cướp 59ha đất của dân Đồng Tâm, khủng bố gia đình ông Lê Đình Kình? Lấy bằng chứng từ đâu để cho rằng nhà nước cướp đất, đập nhà dân ở vườn rau Lộc Hưng? Theo họ, anh Phước đã xuyên tạc chủ trương, đường lối của nhà nước qua những phát ngôn sai sự thật của mình.
Trong phần biện hộ, luật sư Nguyễn Hà Luân nêu quan điểm bài hát “Gánh Xiếc To Trên Quê Hương Nhỏ” trong lời hát không hề nhắc đến Việt Nam. Muốn hiểu rõ ý nghĩa bài hát cần phải đi tìm tác giả, còn anh Phước là một giáo viên dạy nhạc, tìm thấy một bài hát phù hợp trên youtube và tập hát theo. Đơn giản chỉ có thế. Đại diện viện kiểm sát, ông Nguyễn Hữu Thông bác bỏ quan điểm của luật sư Nguyễn Hà Luân. Ông Thông cho rằng họ không việc gì phải đi tìm tác giả bài hát, cứ ai hát bài hát “Gánh Xiếc To Trên Quê Hương Nhỏ” chính là kẻ phát tán, tuyên truyền chống lại nhà nước Việt Nam.
Về bài thơ “Merry Christmas” trong phần tự bào chữa của mình, anh Phước trình bày do có những người yêu nước bị những kẻ quan tham, chèn ép, thao túng, tạo nên bất công trong xã hội. Bài thơ của anh chỉ bày tỏ mong muốn mọi người quan tâm đến những người yêu nước đã và đang bị chèn ép, chấm dứt bất công xã hội, chứ không hề kêu gọi ai gây rối hay chống lại nhà nước.
Còn Luật sư Lê Văn Luân cho rằng anh Phước dùng từ “tưởng thú” thì phải hiểu đúng đó là “tưởng thú”, không thể suy diễn thành “thủ tướng”. Ai diễn giải từ “tưởng thú” thành “thủ tướng” thì đó không phải là việc mà anh Phước cần phải chịu trách nhiệm.
Trả lời chất vấn của chủ toạ về phát biểu xung quanh vụ án Hồ Duy Hải bị oan, anh Phước cho biết do các vật chứng là con dao, cái thớt được mua ngoài chợ về. Đây cũng là điều được phía an ninh điều tra thừa nhận công khai trên phương tiện truyền thông, nên có cơ sở để tin là Hồ Duy Hải bị oan.
Trả lời chủ toạ Y Phi Kbuôr, anh Phước cho biết lấy thông tin từ những clip do chính người dân Đồng Tâm quay đưa lên mạng xã hội. Tương tự, về vườn rau Lộc Hưng anh cũng đã thấy cảnh nhà cửa tan hoang đổ nát, ánh mắt thẫn thờ chua xót của người lớn, sự hoang mang, lo sợ trong mắt trẻ nhỏ, nơi nương tựa những ngày tháng cuối đời của các chú thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà bị phá bỏ. Anh cũng đã xem được những bằng khoán, nguồn gốc đất vườn rau Lộc Hưng do người dân đưa lên mạng xã hội.
RFA: Bà có được tiếp xúc hay có giao tiếp gì với chồng của bà không?
Bà Lê Thị Hà: Tôi không được trao đổi gì với chồng kể cả khi phiên toà kết thúc. Công an đã còng tay và đưa anh đi ngay lập tức. Tôi chỉ kịp nói với theo rằng “Anh ơi, giữ sức khoẻ nha.”
RFA: Lời nói cuối của thầy giáo Đặng Đăng Phước tại phiên tòa thế nào?
Bà Lê Thị Hà: Tôi đã quá mệt vì mấy ngày nay lo lắng, nhưng Luật sư Lê Văn Luân đã có ghi chép và tôi xin chia sẻ những ghi chép này của Luật sư về lời nói cuối cùng của chồng tôi tại phiên tòa như sau: “Thưa những người có mặt tại phiên tòa hôm nay. Tôi thành kính cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi, để tôi được thực hiện quyền con người và quyền được yêu thương con người. Những điều mà tôi đã lên tiếng, là nhằm lên án thói hư tật xấu như tham ô, tham nhũng, dối trá và để mọi người trong xã hội nhận thức được những hành vi đó là xấu xa, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Bản thân tôi là người thầy giáo, vì thế càng phải quan tâm, không được vô cảm trước thời cuộc, trước thực trạng xã hội, với mong muốn cho xã hội càng ngày càng tốt đẹp hơn, và điều này không có nghĩa tôi đang chống phá Nhà nước. Tôi hoàn toàn không có động cơ, mục đích chống phá Nhà nước. Tại phiên tòa này, tôi yêu cầu HĐXX không được đánh đồng việc tôi phản bác lại những tiêu cực xã hội thành chống phá Nhà nước.
Tôi không có tội. Tôi khẳng định là mình không có tội. Đề nghị HĐXX tuyên tôi vô tội. Tôi tin rằng, sự thật vẫn luôn luôn là sự thật. Tôi cảm ơn các Luật sư và những người có mặt hôm nay.”
RFA: Quan điểm của bà về phiên tòa và bản án được đưa ra với chồng của bà?
Bà Lê Thị Hà: Trước sau tôi vẫn xin khẳng định chồng tôi vô tội. Còn phiên toà diễn ra có công khai minh bạch hay không, bản án chồng tôi phải nhận có phù hợp không tôi xin nhường phần kết luận đó cho quý khán, thính giả và bạn đọc của quý đài cho khách quan.
RFA: Nếu bà không có điều gì nữa muốn chia sẻ thêm, xin chân thành cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.
Bà Lê Thị Hà: Tôi rất mong Liên Hiệp Quốc, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cùng các báo, đài và xin mọi người hãy quan tâm và tiếp tục lên tiếng cho chồng tôi. Tôi xin cảm ơn tất cả rất nhiều.
Trên đây là cuộc trao đổi giữa Đài Á Châu Tự do với vợ của nhà giáo Đặng Đăng Phước, sau phiên tòa xét xử ông hôm 06/6/2023 tại Đắk Lắk, Việt Nam và kết án ông với mức án 8 năm tù giam, 4 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo khoản 1 của Điều 117 Bộ luật hình sự, do các hoạt động mà trên thực chất được cho là giúp đỡ dân oan và ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa.
Bình luận với đài RFA ngay sau phiên tòa, hôm 06/6, về bản án được tuyên với thân chủ của mình, Luật sư Lê Văn Luân, đại diện cho nhóm luật sư biện hộ cho ông Đặng Đăng Phước, nói: “Theo chúng tôi, với các tình tiết vụ án, với mức án ấy, thì thực sự là quá nặng so với những gì mà ông Phước đã làm.”
Hôm thứ Tư, 07/6, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) lên tiếng về phiên xử, nêu quan điểm:
“Hôm qua, ngày 06/6/2023, giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, ông Đặng Đăng Phước bị Tòa án Nhân dân tỉnh này kết án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế trong phiên sơ thẩm về tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật hình sự.
Thầy giáo Đặng Đăng Phước được biết đến là người vận động chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở trong nhiều năm qua. Ông đồng thời cũng thường xuyên thể hiện sự đoàn kết với những người tù nhân lương tâm đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù.
Thực hành quyền tự do ngôn luận không phải là tội. Quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt là quyền con người. #FreeDangPhuoc (#Tự do cho Đăng Phước)”.