Góp ý luật đất đai

- Quảng Cáo -

Nguyễn Tấn Thành

Nếu Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước vẫn khăng khăng chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân, nghĩa là chẳng người dân nào có quyền sở hữu, nên chẳng người dân nào hưởng lợi trọn vẹn từ đất đai của cha, ông… Mà họ và bao đời đã bỏ công sức, nhiều gia đình hi sinh cả máu xương để bảo vệ và gìn giữ.

Bởi quyền sở hữu đất đai, không chỉ là quyền đương nhiên, còn là thuộc tính của cái giống người từ ngàn xưa đến nay chứ không phải mới có đâu đây, và có từ khắp nơi trên thế giới chứ không phải chỉ có ở cái xứ da vàng mũi tẹt này. Và nếu người dân không có cái quyền sở hữu đất đai ấy, thì bất cứ công dân nào cũng có thể biến thành dân oan mất đất nếu chẳng may miếng đất họ đang sử dụng lọt vào mắt xanh của lợi ích nhóm nào đó, sẽ ngay lập tức bị quan tham cấu kết lợi ích nhóm với các doanh nghiệp bất động sản sân sau, tướt đoạt dưới mỹ từ thu hồi và bồi thường, nhưng chỉ bồi thường rẻ mạt, bồi thường lấy có… Nếu người dân nào không chịu giao đất vàng nhận lại bạc lẻ sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất một cách dữ dằn như đàn áp bọn tội phạm nguy hiểm, ai chống lại sẽ bị phạt tù nặng nề vì tội chống người thi hành công vụ. Trận đánh đẹp Ông Đoàn Văn Vươn của tướng Đỗ Hữu Ca và thảm nạn dân oan Thủ Thiêm là hai trong vô vàn ví dụ… Người dân cũng đành chịu như đã phải cam chịu bấy nay.

- Quảng Cáo -

Vấn đề là, nhà nước không cho người dân quyền sở hữu đất đai đương nhiên của cái giống người là vì lợi ích của ai?

– Đương nhiên không vì lợi ích của người dân, vì lợi ích đích thực của đất là quyền sở hữu, người dân không có cái quyền đương nhiên ấy thì lấy đâu ra lợi ích đầy đủ và bền vững từ đất ? Không những không có lợi ích trọn vẹn từ đất, còn có thể biến thành dân oan mất đất bất cứ lúc nào, và cũng có thể biến thành tù nhân bất đắc dĩ nếu chống lại đoàn cưỡng chế.

– Đương nhiên nhà nước cũng không có lợi ích bao nhiêu. Bởi lợi ích đất đích thực đáng ra phải được chia đều giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất. Nhưng vì người dân không có quyền sở hữu nên lợi tức từ đất chủ yếu rơi vào túi lợi ích nhóm, tức cấu kết giữa quan tham và các ông lớn bất động sản chuyên nghề tay không bắt giặc, nhà nước chẳng được thêm gì, người dân có đất thì trắng tay. Đã vậy nhà nước còn thiệt hại rất nhiều cán bộ công chức trong các vụ án tham nhũng liên quan đất đai. Gần như đa số cán bộ dính án tham nhũng đều từ đất đai.

– Như vậy, nếu nhà nước tiếp tục chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân, là tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho quan tham và các doanh nghiệp bất động sản sân sau của một số quan tham cấu kết lợi ích nhóm lũng đoạn công thổ lẫn tư thổ làm giàu bất chính. Không có cái lò nào có thể ngăn chặn nổi tham nhũng đất đai vì lợi ích quá lớn của nó do người dân không có quyền sở hữu.

– Như vậy nếu nhà nước tiếp tục chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân, là không có người dân nào có quyền sở hữu đất đai nên tạo ra một xã hội bất công vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn, trong đó người dân thì nghèo, đám doanh gia bất động sản và quan tham ngày một giàu nứt đố đổ vách. Xã hội càng bất công càng có nguy cơ bất ổn.

– Như vậy nếu nhà nước tiếp tục chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân bất chấp những bất cập mà nó gây ra cho xã hội, tức nhà nước không rút kinh nghiệm từ đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, là đại hội đã bãi bỏ chính sách bao thu dã man trong các HTX nông nghiệp. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi bọn quan bao thu dã man thời ấy là bọn cường hào ác bá mới tại nông thôn.

So với bọn cường hào ác bá mới tại nông thôn bao thu lúa nông dân một cách dã man thời bao cấp, chắc không là gì so với bọn thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất hiện nay…

Và vì những lẽ trên, NR góp ý, kiến nghị nhà nước nên thay đổi luật đất đai theo hướng sở hữu hóa quyền tư hữu đất đai cho người dân./.

- Quảng Cáo -