Hà Nguyên (VNTB)
Người dân có quyền được biết nhà cửa của các cựu và đương kim Tổng bí thư ra sao, qua đó mới kiểm chứng được là họ có thật sự liêm chính, và liêm chính đến mức độ nào.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc vừa ký ban hành kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33 ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Mục đích của việc này là nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33. Từ đó kiến nghị, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương (nơi không lập đảng đoàn, ban cán sự đảng) tổ chức tổng kết với hình thức phù hợp, xây dựng báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33. Thời gian lấy số liệu báo cáo tính từ ngày 3-1-2014 đến ngày 30-3-2023. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết kết quả xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế có liên quan đến việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo tinh thần Chỉ thị số 33.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết kết quả kiểm tra, giám sát việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp. Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập của những đối tượng thuộc thẩm quyền; kết quả thanh tra việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp.
Đảng đoàn Mặt trận tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng kết kết quả giám sát việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Mặt trận tổ quốc các cấp. Ban Nội chính Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ tham mưu tổ chức 3 đoàn công tác để khảo sát tại một số ban cán sự đảng bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Dự thảo báo cáo tổng kết, tờ trình Bộ Chính trị, kết luận hoặc chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 33 sẽ được xây dựng, lấy ý kiến, hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị, hoàn thành trước ngày 30-8-2023.
Tư cách là một người dân, nếu sinh tiền người đứng đầu đảng đã tâm đắc hai câu thơ của Thanh Tịnh đến mức mà trong tuyên truyền đã tạo nên ngộ nhận tác giả là Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!” – trích trong thi phẩm “Dân no thì lính cũng no”, sáng tác năm 1948, vậy thì vì sao kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33 ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, ông Phan Đình Trạc không mạnh dạn đưa ra yêu cầu là người dân hãy giám sát bằng ghi nhận hình ảnh các cơ ngơi, dinh thự của những cựu quan chức trong bộ máy đảng tính từ năm 2014 đến nay như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc…; và đặc biệt là cần chi tiết suốt gần 3 nhiệm kỳ giữ chức Tổng bí thư, có những thay đổi nào trong chuyện ăn – ở của gia đình ông Nguyễn Phú Trọng.
“Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu ông bà dạy trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022, sáng 30-6-2022. Và điều đó cho thấy tại sao ông Nguyễn Phú Trọng không làm gương khi ông công khai bản kê khai tài sản, và mời quần chúng đến tham quan nơi ăn – ở của gia đình ông cũng như con cái của ông?