Các bệnh viện công đang cạn kiệt hóa chất, vật tư cứu người

- Quảng Cáo -

Lê Thiệt

Chưa bao giờ người bệnh lại sợ chết như lúc này, khi Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa.

Ông Giang nói rõ hơn là nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động.

Trong buổi tọa đàm online chủ đề “Ngành y vượt khó”, nhiều giám đốc bệnh viện đã than (không thấu trời) về cái cơ chế nghiệt ngã do Bộ Y tế “đẻ” ra, giờ không chỉ trói chân trói tay bác sĩ, mà còn như cái thòng lọng sẵn sàng thắt cổ bệnh nhân.

- Quảng Cáo -

Báo VNExpress trích lời ông Giang cho biết cụ thể, hóa chất xét nghiệm công thức máu (xét nghiệm đơn giản nhất) tại bệnh viện Việt Đức chỉ đủ dùng trong một tuần. Số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.

Điều này có thể hiểu là do quy chế do các lãnh đạo ngồi salon trong phòng lạnh Bộ Y tế đặt ra và bắt buộc các bệnh viên công phải tuân thủ, khiến các bệnh viện không thể tự đấu thầu mua trang thiết bị cần thiết được.

Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần “vào cuộc hết sức cấp thiết” để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.

Ngoài thiếu hụt vật tư y tế, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị này đang đối mặt với những khó khăn “vô cùng” về tài chính. Ba năm gần đây, bệnh viện không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được duy tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000-12.000 bệnh nhân.

Bạch Mai cũng đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Do đó, đơn vị không thể tái ký hợp đồng, còn mua mới thì “không có tiền”. Việc này đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp hiểm nghèo.

“Vì những lý do trên, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, ông Cơ chia sẻ.

Cũng trong tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói nhiều về những khó khăn, vướng mắc của ngành y, nhưng cuối cùng ông cũng không đưa ra được hướng giải quyết nào sáng sủa, gỡ rối cho các bệnh viện đang đi đến bước đường cùng là có thể phải đóng cửa trong thời gian tới.

Để tháo gỡ cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định, đặc biệt trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện. Bộ cũng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến vấn đề máy móc liên doanh liên kết.

Cuộc tọa đàm chấm dứt như nó chưa từng xảy ra.

Điều này cũng có nghĩa là bệnh nhân sẽ gánh chịu hết hậu quả nếu phải nhập viện. Bởi thế trên nhiều diễn đàn, người ta bàn tán về cuộc tọa đàm này rồi “kêu gọi nhau không nên bệnh trong lúc này, vì nếu bệnh là… chết!”

- Quảng Cáo -