LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU VIỆT NAM Ở HÀN QUỐC, NHẬT BẢN VÀ ĐÀI LOAN
Trong đường lối phát triển đất nước những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn kiên định con đường định hướng xã hội chủ nghĩa, và người dân Việt Nam từ con nít đến người già đều được dạy dỗ và bị tuyên truyền rằng, đây được coi là cách thức và hình thái chính trị phù hợp và tiến bộ nhất, chủ nghĩa xã hội có thể mang đến những bù đắp cho sự công bằng…
Và chủ nghĩa tư bản mãi mãi có bản chất bóc lột với công nhân làm thuê dưới hình thức giá trị thặng dư…
Chưa biết Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bao giờ mới thành hiện thực, trong hiện tại đã có hàng triệu người lao động Việt Nam sang các nước tư bản kiếm sống bằng con đường xuất khẩu lao động.
Chỉ riêng 3 quốc gia châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan số lượt người sang lao động tính từ năm 1992 đã tăng dần theo các năm, từ năm 2010 cho đến nay tỷ lệ đã tăng lên đến trên 70% tổng số lao động xuất khẩu đi đến tất cả các quốc gia có người lao động Việt Nam.
So với mặt bằng thu nhập trung bình của người lao động ở trong nước dao động khoảng 6,5 triệu đồng/ tháng với điều kiện lao động vất vả hơn, thì đi lao động ở các quốc gia tư bản là một giấc mơ khi hàng tháng họ có thể gửi về gia đình từ 20 triệu đồng trở lên.
Mức lương tối thiểu theo giờ được quy định cho người lao động Việt Nam ở 3 quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan như sau:
– Nhật Bản: 820 – 1041 yên/giờ. Tính ra tiền Việt khoảng 200.000 đồng/giờ, như vậy lương tối thiểu theo tháng cũng xấp xỉ 30 triệu đồng.
– Hàn Quốc: 9.620 won/giờ (tương đương 7,41 USD). Tính ra tiền Việt khoảng 180.000 đồng/giờ, như vậy lương tối thiểu khoảng 25 triệu đồng.
– Đài Loan: 168 tệ/giờ. Người lao động khi đi xuất khẩu lao động Đài Loan sẽ nhận được mức lương cơ bản là 26.400 Đài tệ/tháng ~ 20 triệu VNĐ.
Trên thực tế, Người làm việc dài hạn (trên 5 năm) tại Hàn Quốc nhận mức lương từ 2.000 – 2.500 USD/tháng (tương đương 46-58 triệu đồng theo thời giá ngày 13-1).
Với mức thu nhập rất cao so với trong nước và được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế, các quyền con người trong một xã hội pháp luật được tôn trọng… nên số lượng người lao động Việt Nam bỏ trốn không quay về đất nước sau khi hết hạn hợp đồng khá cao. Và đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ lừa đảo đưa người đi xuất khẩu đến các quốc gia này.
Một nghịch lý xảy ra, những quốc gia cộng sản là bạn bè đồng chí ở Nga, các nước đông Âu XHCN trước đây chứa chấp bọn tội phạm buôn người, lừa đảo bóc lột người lao động khiến họ phải tìm mọi cách trở về, thì những quốc gia đã từng là thù địch, tư bản bóc lột trở thành miền đất hứa và người lao động Việt Nam tìm mọi cách để ở lại.
Theo thống kê có khoảng 8- 10% người lao động xuất khẩu ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng, nhưng tỷ lệ này không đồng đều.
Hàn Quốc, Đài Loan là hai quốc gia có tỷ lệ cao nhất, đặc biệt là Hàn Quốc. Số địa phương ở Việt Nam có người trốn lại tập trung ở các tỉnh miền Trung trong đó Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh quê hương của đa số những lãnh đạo cộng sản có tỷ lệ đến gần 30% số lao động ở lại bất hợp pháp.
Do mức thu nhập cao gấp 6, 7 lần thậm chí lên đến trên 10 lần, và mức độ xử phạt có tính nhân đạo hơn ở các quốc gia này, cho nên dù có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng số người bỏ trốn không hề thuyên giảm.
Mặt khác với số nợ trung bình khoảng 150- 200 triệu đồng để được đi xuất khẩu lao động cho các công ty môi giới, đào tạo, làm thủ tục… là một gánh nặng phải trả tương đương với 8 tháng lương cùng với khi trở về không thể kiếm được việc làm nên càng thôi thúc họ ở lại.
Việc lao động bất hợp pháp ra ngoài tìm việc nếu suôn sẻ mức thu nhập cũng cao hơn lao động hợp đồng, những tổ chức tội phạm do người bản xứ và Việt Nam kết hợp với nhau sẽ móc nối tổ chức bố trí cho người lao động ở lại cũng tạo ra động lực cho họ.
Ở Việt Nam do nhu cầu được đi lao động xuất khẩu cao, các công ty môi giới lừa đảo người đi xuất khẩu mọc lên như nấm.
Bộ trưởng Bộ Lao Động & Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận tình trạng các công ty cò mồi môi giới, lừa đảo, loạn thu phí rồi trốn tránh trách nhiệm với người xuất khẩu lao động ra nước ngoài là có thật, và dù đã nỗ lực xử lý nhưng chưa hết.
Trên thông tin truyền thông các vụ án xét xử cho tội danh này thường rất nhẹ, và có tính ví dụ so với thực tế chỉ là con số rất khiêm tốn.
Trong một xã hội tệ nạn tham nhũng tiêu cực đã trở thành vấn nạn quốc gia, lan tràn từ địa phương đến trung ương thì việc ngăn chặn những công ty môi giới lừa đào người đi xuất khẩu lao động là điều bất khả thi.
(Còn tiếp)