Von Christina zur Nedden (WELT)
Nguyễn Xuân Hoài (lược dịch)
Lần đầu tiên sau 60 năm dân số Trung Quốc bắt đầu giảm. Một nhà nghiên cứu hàng đầu lo ngại về sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, điều này thậm chí còn lớn hơn so với suy nghĩ trước đây. Điều này cũng gây hậu quả cho phương Tây, đặc biệt với nước Đức, trong khi lại có nước được hưởng lợi.
“Phương Đông tiếp tục phát triển trong khi phương Tây đang thu hẹp lại” là câu nói cửa miệng khi đưa ra dự báo về nhân khẩu học toàn cầu. Trung Quốc sẽ là nước vượt qua tất cả các nước khác về dân số, đây là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, nền kinh tế TQ sẽ vượt kinh tế Mỹ trong thập kỷ này. Tuy nhiên ngày nay cho thấy, dự báo này có thể sai.
Lần đầu tiên sau 60 năm dân số Trung Quốc giảm. TQ như nhiều quốc gia ở phương Tây và các nước công nghiệp hóa khác ở châu Á, đang phải vật lộn với tình trạng già hóa dân số cộng với tỷ lệ sinh đẻ giảm. Theo một chuyên gia nhân khẩu học hàng đầu sự phát triển này không bắt đầu từ bây giờ mà đã diễn ra từ nhiều năm trước.
Theo cơ quan thống kê, 1,41 tỷ người sống ở Trung Quốc vào năm 2022, ít hơn 850.000 người so với năm trước. 9,56 triệu ca sinh phải đối mặt với 10,41 triệu ca tử vong – cả hai chỉ số cho thấy dân số đang bị giảm sút.
Lần cuối cùng dân số Trung Quốc bị giảm đó là thời điểm Mao Trạch Đông đang nắm quyền. Từ cuối những năm 1950, sự kiện “Đại nhảy vọt” thảm khốc đối với nông nghiệp và công nghiệp gây ra nạn đói khủng khiếp, gây ra cái chết cho nhiều triệu người Trung Quốc.
Kết thúc sự thất bại của chính sách một con
Nguyên nhân giảm dân số đã nhãn tiền: Ba năm bị cách ly và phong tỏa đã cướp đi viễn cảnh lạc quan về tương lai của nhiều người, chi phí sinh hoạt và giáo dục liên tục tăng trong nhiều năm qua và bong bóng bất động sản đang có nguy cơ tan vỡ.
Kết quả là, nhiều cặp vợ chồng hoãn kết hôn và sinh con, hoặc bỏ hẳn. Để chống lại xu hướng này, Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016 sau nửa thế kỷ. Kể từ giữa năm 2021, các cặp vợ chồng thậm chí được phép sinh tối đa ba con. Nhưng những thay đổi đó không mang lại thành công như mong muốn, tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm.
Bức tranh về TQ đã được bộ máy tuyên truyền tô hồng. Theo số liệu thống kê chính thức niềm tin của người dân vào chế độ độc tài giảm – truyền thông của Bắc Kinh trong thời gian đại dịch vừa qua càng góp phần làm tăng sự mất niềm tin này. WHO đã thúc dục Bắc Kinh công bố số liệu trung thực về số ca tử vong và tình trạng lây nhiễm Covid-19. Các chuyên gia quốc tế cho rằng số người Trung Quốc bị lây nhiễm cao hơn con số công khai của nhà nước.
Nhà khoa học nhân khẩu học Yi Fuxian trong một cuộc phỏng vấn với WELT cho hay, những con số về sự suy giảm dân số cũng sai. “Số ca sinh ở Trung Quốc đã được ước tính quá cao kể từ năm 1990 và tổng dân số cũng vậy,” Yi nói. Theo ông này dân số TQ hiện nay chỉ là dưới 1,28 tỷ người.
Theo ông Yi dân số Trung Quốc bắt đầu giảm từ năm 2018 và Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới, chỉ ngang với Đài Loan và Hàn Quốc.
Người chiến thắng là một quốc gia khác
Dữ liệu nhân khẩu học không chính xác gây hậu quả kinh tế. Theo Yi, chậm nhất đến giữa những năm 2030, Trung Quốc bị đe dọa lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế còn tồi tệ hơn cả Nhật Bản, nơi kinh tế hầu như không tăng trưởng trong nhiều năm do vấn nạn nhân khẩu lớn và nợ nhà nước cao.
Cuộc khủng hoảng này cũng sẽ ảnh hưởng đến châu Âu và Mỹ. Lực lượng lao động bị thu hẹp của đất nước và sản xuất giảm ở Trung Quốc sẽ đẩy giá cả và lạm phát ở phương Tây lên cao. Theo các chuyên gia, sự phát triển này sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu của nhà nước giảm và nợ nhà nước sẽ tăng do chi phí y tế và xã hội cao hơn.
Do sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau của các nền kinh tế, đây là một vấn đề lớn đối với Đức. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức vào năm 2022. Nếu nền kinh tế của Trung Quốc đi xuống thì các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc sẽ ngấm đòn.
Nếu dự đoán của phương Tây về một Trung Quốc hùng mạnh là sai, điều này cũng sẽ tác động đến cán cân địa chính trị. Bắc Kinh sẽ phải điều chỉnh các chính sách xã hội, kinh tế, quốc phòng và đối ngoại, đồng thời phải nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây. Theo Yi, rõ ràng là : “Những dự đoán của cộng đồng quốc tế về sự trỗi dậy của Trung Quốc là sai.” Trung Quốc sẽ không vượt qua Hoa Kỳ về kinh tế. Về lâu dài, một nước thứ ba sẽ làm điều này, đó là Ấn Độ.
Ấn Độ dường như là người sẽ giành được thắng lợi trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này. Liên Hợp Quốc ước tính Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trước cuối năm nay. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của Ấn Độ (số ca sinh trên một phụ nữ) là 2,15%. Đó là ít hơn so với năm trước, nhưng cao hơn 1,8 phần trăm của Trung Quốc.
Hầu hết các nước công nghiệp hóa, kể cả Đức và Hoa Kỳ, có tỷ lệ sinh đẻ dưới 2,1. Phải vượt con số này, dân số mới phát triển. Tuy nhiên một quốc gia đông dân không nhất thiết sẽ thành công về kinh tế. Ở Ấn Độ, một bộ phận lớn dân số vẫn sống dưới mức nghèo khổ và sẽ cần thời gian để có một tầng lớp trung lưu đông đúc hơn. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, thì Hoa Kỳ đến năm 2075 mới có thể bị vượt qua, đây là một thực tế./.