Hồng Hà
Ngày 16.11.2022, UBND tỉnh Bình Định đã duyệt cho Dự án của Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn, Phù Mỹ sẽ được triển khai ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ với quy mô 468 ha, công suất 5,4 triệu tấn/năm. Dự án này cũng sẽ đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn gần 500 ha mặt đất và mặt biển làm cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của nhà máy và hướng đến làm cảng tổng hợp trong tương lai. Dự án này sẽ lấy khoảng 1000ha đất của dân Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ để làm Khu liên hợp Gang thép Long Sơn.
Toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu (khoảng 1000 người) sẽ bị giải toả để phục vụ dự án này. Người dân địa phương hiện đang rất hoang mang và căng thẳng. Không chỉ ở thôn Lộ Diêu mà cả xã Hoài Nhơn, với hơn 12.000 nhân khẩu. Nỗi lo lắng của họ về thảm họa môi trường là hoàn toàn chính đáng. Họ không muốn một Formosa thứ hai lặp lại.
Xây dựng nhà máy gang thép nguy cơ ô nhiễm môi trường biển rất cao. Điển hình cho sự cố môi trường này là việc dùng axit súc rửa đường ống và xả thẳng ra biển cùng với nước thải sản xuất của Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Hậu quả của sự cố này là vào tháng Bốn năm 2016, hàng loạt cá biển chết rồi dạt vào bờ ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hiện tượng này sau đó lan ra các vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Có nơi, mỗi ngày ngư dân ven biển đánh bắt hàng tấn cá chết. Qua phân tích, cả nước biển và nước đầm Lăng Cô (Huế) đều bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ số phú dưỡng) ở tầng đáy cao gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước khiến cá chết hàng loạt. Ngoài ra, rong phát triển mạnh, cộng với khí độc dưới đáy lồng làm cá thiếu ôxy. Cũng trong thời gian này, một thợ lặn đã tử vong sau khi lặn xuống vùng nước ô nhiễm tại khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Một điều nữa cần đề cập đến là sự bần cùng hóa mà người dân địa phương sẽ phải đối mặt. Dân Lộ Diêu đánh cá làm nghề cá; họ có thuyền và thu nhập khá, khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Họ hiểu rõ tương lai đen tối của mình khi mất nhà mất đất, tái định cư ở nơi mới không cá và phải đi làm công nhân với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.
Điều đáng lưu ý là Nhà đầu tư dự án này là Công ty CP Gang thép Long Sơn mới được thành lập tháng Bảy năm 2021. Cơ cấu công ty cổ phần là Công ty TNHH Long Sơn góp 96 tỷ đồng (chiếm 96% vốn) và ông Nguyễn Trung Thành góp 2 tỷ đồng (chiếm 2% vốn). Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Quang Hải (SN 1968), và Công ty TNHH Long Sơn là công ty của ông Hải, thành lập ngày Mười Chín tháng Chín năm 2001, có trụ sở ban đầu tại số nhà 24/3, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Ông Trịnh Quang Hải (sinh ngày 6/11/1968) quê gốc ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thường trú tại Tam Điệp, Ninh Bình.
Công ty Long Sơn đã nhiều lần bị phạt hành chính về làm ô nhiễm môi trường và lờ đi các quy định về môi trường của địa phương ở 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá. Gần đây nhất là ngày Mười Ba tháng Mười năm 2022, họ bị UBND tỉnh Thanh Hoá phạt 520 triệu.
Về vấn đề huy động vốn để thực hiện dự án của công ty này, có nhiều điểm đáng ngờ. Vì kích cỡ doanh nghiệp lớn bất thường trong một thời gian ngắn để đáp ứng khả năng tài chính cho dự án.
Bài học về thảm họa biển miền Trung do Formosa gây ra và những hậu quả nặng nề của nó đến tận bây giờ vẫn chưa khắc phục được. Không hiểu sao nhà cầm quyền tỉnh Bình Định và lãnh đạo Việt Nam vẫn phê duyệt những dự án như thế này?
Không chỉ có nguy cơ về mặt môi trường, mà còn là hàng trăm hecta đất với đời sống, kế sinh nhai của hàng vạn người dân bị giải tỏa sẽ như thế nào nếu dự án này được triển khai. Bạn nghĩ sao về dự án này?