Hai giáo sư, một nam một nữ thuộc đại học Truyền thông Nam Kinh đứng ra cản lực lượng đang đàn áp sinh viên của họ, đã gây nên làn sóng phẫn nộ lẫn kính trọng trên mạng Weibo, hình ảnh này thật hiếm hoi tại tất cả các nước cộng sản mà Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Người dân Trung Quốc sau ba năm bị nhốt trong chiếc rọ “Zero Covid” của Tập Cận Bình nay đã bừng bừng tỉnh ngộ. Họ nhận ra rằng chỉ có Trung Quốc mới nhốt người dân của mình tại nhà trong nhiều năm trời như vậy. Chỉ có Trung Quốc mới có chế độ chống Covid bằng hàng rào kẽm gai thay vì thuốc chủng hiệu quả. Chỉ có Trung Quốc mới có thể ngang nhiên nhốt người dân trong chính căn nhà của họ, mà không cần biết họ chết sống ra sao, cứ trốn ra khỏi nhà là bắt bớ, cách ly, trong những khu vực mà thần chết là biểu tượng. Những video clip được tung ra cho thấy hiện trạng biểu tình ngày một rực lửa và rất khó dập tắt hiện nay tại Trung Quốc.
Cái sắc lệnh của Tập nay không còn là thánh chỉ, người dân đã cùng nhau hội tụ đưa nắm đấm lên trời và hô những khẩu hiệu mà hàng chục năm trước đây họ không hề dám cho xuất hiện: “Nhân dân muôn năm, cầu cho người đã mất được yên nghỉ”, “Không tự do là chết! Tưởng nhớ các nạn nhân ở Urumqi”, “đả đảo Tập Cận Bình” “Chấm dứt phong tỏa, trả lại tự do!”, “Không cần axit nucleic mà cần lương thực!”, “Hãy mở mắt ra nhìn thế giới!”, “Zero COVID là hoang đường!”.
Năm ngày trước, công nhân nhà máy sản xuất Iphone lớn nhất thế giới, Foxconn, đã đình công chống lại việc bị thúc ép làm thêm giờ nhưng tiền công thì bị giữ như một cách giữ con tin. Từ đình công tới biểu tình và phong trào đã lây lan sang nhiều tỉnh thành của Trung Quốc.
Tại Thượng Hải hơn sáu triệu người dân tiếp tục bị cách ly vì Zero Covid trong khi cả thế giới đi lại bình thường. Người dân Trung Quốc cay đắng xem World Cup và chứng kiến con người khắp thế giới đi lại bình thường, tập trung hàng chục ngàn người sát cạnh không cần mang khẩu trang… Qatar đã phát tín hiệu cho họ thấy mức độ độc tài của Hoàng đế Tập Cận Bình như thế nào.
Những bột phát dây chuyền khắp nơi khiến nhà cầm quyền lúng túng. Tập chưa ra chỉ thị nào vì đang cần tham mưu từ những cái đầu đặc sệt lý luận cộng sản. Nhưng không nói ra thì ai cũng biết chế độ Bắc Kinh chưa khi nào nhượng bộ người dân trong bất cứ vấn đề nào, cơn bão trong chén trà hiện nay không làm cho giới chức chóp bu rúng động, vì bọn người này không hề chịu trách nhiệm gì khi người dân tập trung chống lại nhà nước, đối với chúng người duy nhất chịu trách nhiệm vẫn là Tập Cận Bình.
Khi sinh viên nhập cuộc thì thế cờ có vẻ khác hẳn. Bắt đầu là Đại học Thanh Hoa nơi đào tạo nhiều thế hệ có mặt trong giới chức cầm quyền trong đó có cả Tập Cận Bình, sau đó lan ra hơn 50 viện đại học khác. Sinh viên tập trung ủng hộ những người sống trong thành phố Tân Cương sau một vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà ở Urumqi, làm 10 người chết và 9 người khác bị thương.
Vụ hỏa hoạn này bị cho là kết quả của Zero Covid, nó làm mọi hệ thống công cộng tê liệt. Với tờ giấy trắng có ghi vỏn vẹn một chữ trên đó: “Friedmann” nhưng sinh viên đều ý thức được rằng phương trình toán học Friedmann được nghĩ trại ra là Freeman – những con người tự do – những người dân khốn khổ Trung Quốc cần tự do như không khí. “Không Tự do là chết” cũng là lời hô vang trong các cuộc biểu tình tại nhiều đại học khác nhau trên khắp đất nước Trung Quốc.
Thanh Hoa hôm nay nhắc nhở lại cuộc tắm máu trong Phong trào Lục Tứ 33 năm về trước. Thiên An Môn không phải là mục tiêu lần này nhưng giới quan sát lo ngại rằng Tập Cận Bình cũng sẽ không chùn tay đối phó với sinh viên khi họ làm chiếc ngai vàng của ông ta lung lay.
Tuy nhiên khi nhìn lại cuộc xuống đường của sinh viên lần này, chính quyền sẽ khó lòng đối phó hơn như khi vụ Thiên An Môn nổ ra. Không thể áp dụng câu thần chú “phản động” hay “phe cánh thúc giục”. Lần trước khi Hồ Diệu Bang chết là mồi lửa châm vào sự uất ức của sinh viên thì lần này sự cầm tù tất cả mọi người dân Trung Quốc qua chương trình Zero Covid là một mồi lửa mà không thế áp đặt một âm mưu nào sau lưng người biểu tình.
Thiên An Môn đòi cải cách dân chủ và kinh tế chính trị, lần này chỉ đòi một thứ là “Tự do”. Hai chữ đơn sơ này bị Đảng cướp mất và người dân đòi lại là việc làm chính đáng, không một nhà lý luận nào có khả năng phản bác và chụp mũ người biểu tình, ngoại trừ chính bản thân ông Tập.
Nhưng ngay ở sự cứng rắn nhất của ông Tập Cận Bình cũng khó giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Sở dĩ ông Tập thành công trong việc tại vị lần thứ ba vì những nhân vật trong Đảng bị ông mua chuộc, lôi kéo thậm chí đe dọa, giết chóc nhưng ông Tập không thể làm như vậy đối với gần 1 tỷ rưỡi người dân, những người trực tiếp làm giàu cho Đảng.
Sau Foxconn sẽ là những nhà máy khác khi người dân bị bóc lột một cách tham tàn. Nhân dân Trung Quốc không đòi dân chủ và mọi thứ quyền khác của thế giới tư bản như sinh viên Hong Kong đã làm. Kinh nghiệm Hong Kong không phải để làm theo mà để đối chiếu, nắm lấy phần cốt lõi làm sao để chiến thắng. Điều này thì nhà nước của Tập Cận Bình không thể nghĩ ra. Áp đảo nhân dân bằng sức mạnh sẽ tạo nên một Thiên An Môn khác.
Tập Hoàng đế không dại gì lấy đá ghè chân mình khi mức tăng trưởng hiện đang là chiếc thòng lọng cho Đảng, bất động sản có nguy cơ sụp đổ, nhà máy sản xuất IT khắp nơi đòi hỏi vật liệu bán dẫn và vấn đề Đài Loan vẫn còn canh cánh. Không phải cứ có súng là mặc sức bắn vào dân, họ không còn ngây thơ nữa khi Internet mỗi ngày vẫn nhắc nhở cho họ thứ cần thiết nhất cho cuộc sống: Tự do.
Và còn một lý do khác quan trọng không kém, bên cạnh nhân dân và sinh viên vẫn còn đó những bố già bị Tập “sốc nách”. Họ sẽ không bao giờ ngồi yên nếu Tập sai lầm bất cứ thời điểm nào. Con gà sắp thua sẽ có những đòn “sát kê” khó đỡ nhất./.