Chỉ còn mươi tuần nữa là Tết âm lịch nhưng thay vì làm thêm giờ, kiếm thêm tiền để trang trải đủ loại chi phí trong dịp “năm hết, Tết đến”, hàng trăm ngàn công nhân ở nhiều vùng, miền tại Việt Nam hoặc đang dắt díu nhau về quê vì mất việc, hoặc đang gồng lên để cầm cự với chuyện thiếu việc làm, thu nhập tụt giảm và hoang mang không biết cơ hội làm việc vẫn còn hay sẽ mất…
Kinh tế, xã hội Việt Nam đang nghiêng ngả nhưng những tín hiệu xấu đe dọa xóa bỏ “quốc thái, dân an” vẫn lập lòe ở đủ mọi hướng. Tầng trên, thị trường chứng khoán tiếp tục suy sụp, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành chuỗi bom bắt đầu phát nổ ở một số nơi, con số ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – tín dụng hay hoạt động có liên quan đến tài chính – tín dụng bị khách hàng bao vây đòi hoàn tiền mỗi ngày một cao… Tầng dưới cũng vậy. Hơn 50% công nhân của An Giang Samho phải tạm nghỉ việc, vì vậy 5.300 công nhân mất việc (1). Tại Bình Dương, tính đến thượng tuần tháng này, số công nhân mất việc là 28.000, số công nhân đang thắc thỏm về tương lai vì doanh nghiệp thuê họ làm việc không có đơn đặt hàng, phải cầm cự bằng cách giảm giờ làm việc của công nhân là 240.000 người (2)…
Tuy không công bố số liệu chính thức nhưng một Phó Chủ tịch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ Việt Nam), xác nhận: Tình trạng cắt giảm lao động (cho nghỉ việc), giảm giờ làm đang diễn ra trên diện rộng. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp một thông tin đáng chú ý khác: Nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng (3). Theo vài nguồn thạo tin, đơn đặt hàng bắt đầu giảm từ tháng 8 với tỉ lệ càng ngày càng cao và tác hại sẽ lâu dài, doanh nghiệp đã lâm nguy còn khốn khổ hơn vì chính sách tài chính – tiền tệ (4). Bởi phần lớn doanh nghiệp chuyên gia công cho các doanh nghiệp ngoại quốc và đang thiếu đơn đặt hàng hoạt động trong những lĩnh vực thâm dụng lao động (sử dụng nhiều công nhân) như dệt may, da giày, chế biến gỗ,… nên số công nhân mất việc, thiếu việc sẽ là nhiều triệu người!
Trong bối cảnh như hiện nay, đảng CSVN – tổ chức tự nhận là “đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam” – đã hoặc sẽ làm gì để hỗ trợ công nhân nói riêng và người lao động nói chung? Không có câu trả lời nào vì quốc hội, nhà nước, chính phủ chưa làm gì cả và không chắc sẽ làm gì đó. Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 15 vừa kết thúc hôm 15/11/2022, Nghị quyết của kỳ họp thứ tư đề cập đủ thứ chuyện trừ… chuyện này (5)!
Thậm chí, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN – khuyến nghị: Các cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều phương án, nhất là tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm ổn định tình hình” và “đẩy mạnh thực hiện giám sát doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động không” (6). Thừa nhận “nhiều doanh nghiệp khó khăn thực sự” nhưng chỉ lăm le tròng trách nhiệm vào cổ doanh nghiệp thì sẽ dựa vào đâu để bảo đảm “việc làm, đời sống cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng cho đại bộ phận công nhân, lao động”, không được tiếp sức, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tuyên bố phá sản hàng loạt thì lấy gì “sẻ chia kịp thời khó khăn cho những người bị mất việc làm”? Chẳng lẽ “tăng cường công tác quản lý nhà nước” là chuẩn bị sử dụng bạo lực để “ổn định tình hình” ?
***
Sau khi giúp “đội tiên phong” giành được quyền kiểm soát tuyệt đối, toàn diện tại Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam tụt dần xuống đáy của đói nghèo và loay hoay, bế tắc tại đó trong nhiều thập niên. Thay vì kéo họ lên, “đội tiên phong” tiếp tục đạp giai cấp công nhân tụt xuống sâu hơn, dùng họ làm công cụ để tạo ra những con số được dán nhãn “thành tích tăng trưởng”, chứng minh cho sự “tài tình” của “đội tiên phong”.
Hồi tháng 4 vừa rồi, ông Đặng Ngọc Tùng ngậm ngùi than như thế này trên trang facebook của ông: Sáng nay VTV1 lúc 6 giờ đưa “TIN VUI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG: Kể từ hôm nay – 1/4/2022 – người lao động được làm tăng ca lên 60 giờ/tháng”. Nghe xong, tôi rụng rời cả tay chân? Không hiểu sao cả! VTV đứng trên quan điểm của giai cấp công nhân, giai cấp đang lãnh đạo đất nước này? Hay VTV bảo vệ giai cấp tư sản, bảo vệ các ông chủ tư nhân ở đất nước này? Cuộc đấu tranh của công nhân toàn thế giới, của những người lao động toàn thế giới mới có được thành quả “ngày làm việc 8 giờ, nghỉ ngơi vui chơi 8 giờ và 8 giờ đi ngủ để lấy lại sức khỏe”, mới có được ngày lao động quốc tế 1 tháng 5. Thế mà ở đất nước này các quan chức, các vị đại biểu Quốc hội “phải “ làm việc ít hơn người lao động mỗi tuần 8 giờ, mỗi tháng 32 giờ và mỗi năm 384 giờ. Và bây giờ họ ép người lao động phải tăng ca 60 giờ/tháng? Ôi các vị đại biểu Quốc hội ơi, các vị hãy đặt mình là người lao động, các vị có đồng ý làm việc tất cả ngày thứ 7 trong tuần? Có đồng ý mỗi năm làm tăng thêm 384 giờ như người lao động đang làm? Có đồng ý tăng ca 60 giờ/tuần? Các vị có biết mỗi năm trượt giá bao nhiêu? Và mấy năm rồi lương tối thiểu của người lao động không được tăng? Việc này đồng nghĩa với giảm lương, lương trả cho người lao động quá thấp, không đủ sống. Các vị có biết cuộc sống khốn khó của người lao động trong các khu công nghiệp trên cả nước đang trải qua mùa đại dịch này? Đúng là “TIN VUI RƠI NƯỚC MẮT” (7).
Ông Đặng Ngọc Tùng không phải phần tử “thù địch” mà là một trong những thành viên cao cấp của “đội tiên phong”: Cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, cựu Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cựu Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam,… Bất kể thế nào thì những người như ông Tùng cũng chỉ có thể ngậm ngùi về chuyện sau khi tập họp, khai thác sức mạnh của giai cấp công nhân và túm được quyền lực, “đội tiên phong” mặc kệ họ thất thểu phía sau.
Chú thích
(3) https://vnexpress.net/hon-240-000-cong-nhan-thieu-viec-lam-cuoi-nam-4534820.html
(4) https://baodautu.vn/doanh-nghiep-lo-sot-vo-vi-sut-giam-don-hang-d177587.html
(5) https://baochinhphu.vn/thong-qua-nghi-quyet-ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-102221115161119925.htm
(6) https://nhandan.vn/chu-dong-truoc-tinh-trang-nguoi-lao-dong-mat-viec-dip-cuoi-nam-post724717.html
(7) https://www.facebook.com/100016026001149/posts/1116692505541606/