Chúng ta rất mau quên. Cách đây mới 4 năm, tại Long An, một nhóm phụ huynh đã kéo vào trường và bắt cô giáo quỳ hơn 40 phút. Từ đó, “Nền Giáo Dục Quỳ” chính thức chào đời, sau một thời gian dài mang thai và ốm nghén.
Sau 4 năm, một phụ huynh khác ở Hà Tĩnh vác dao vào trường đòi chém giáo viên và bắt hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi. Hiệu trưởng đã quỳ.
Giữa 2 sự kiện này là hằng hà sa số những cái quỳ khác, quỳ trong lời nói, quỳ trong tâm hồn. Nhà giáo và phụ huynh quỳ với nhau, giáo viên quỳ trước hiệu trưởng, hiệu trưởng quỳ trước trưởng phòng, trưởng phòng quỳ trước cấp trên…
Ở giáo dục, khi sự trong sạch, lòng tôn trọng và sự tôn nghiêm không còn, thì luân lý biến mất. Người ta cư xử với nhau dựa trên sức mạnh – sức mạnh cơ bắp, sức mạnh đồng tiền, sức mạnh quyền thế, sức mạnh của cơn cuồng nộ…
Chúng ta cũng đã quên các cô giáo Hà Tĩnh lần nọ bị điều đi hầu rượu. Và Bộ Trưởng Nhạ vừa cười vừa nói trước báo chí: “vui thôi mà.” Ừ, vui thôi. Khi mọi giá trị đã biến mất thì không gì không phải là trò cười. Và trò khóc.
Đối với một xã hội, đặc biệt là xứ Á đông này, việc nhà giáo quỳ xuống trước phụ huynh, và quỳ xuống với bất cứ ai, bất kể nguyên nhân là gì, cũng đều là dấu hiệu rõ ràng nhất cho một sự tan hoại và mục nát đã đến tận đáy.
Không phải chỉ là câu chuyện pháp luật, những cái quỳ nhức buốt trong giáo dục là sự toàn thắng của bản năng, là sự thừa nhận một tôn ti mới mà kẻ quỳ không còn bất cứ lời biện hộ nào cho chính mình, khi ở thế bí, hoặc bị bắt quả tang.
Khi nhà giáo quỳ xuống, một trang mới về lịch sử tinh thần nòi giống đã chính thức sang trang./.