Ngày 26 Tháng Mười, trong phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu, đến phần công bố cáo trạng, ba kiểm sát viên thay nhau đọc bản cáo trạng từ sáng đến chiều nhưng cũng chỉ được 60/142 trang. Hầu hết nội dung chỉ ra rằng những người buôn lậu xăng dầu đã tự tạo ra một đường dây tội phạm và tự làm hết tất cả trong đại án này, và có vẻ như phía các quan chức, cơ quan nhà nước không liên quan gì nhiều.
Thế nhưng, mọi kiểm sát viên, thẩm phán… đều im lặng khi bị cáo Phan Thanh Hữu, người đứng đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, hỏi thẳng là liệu một mình ông ta thì có thể buôn lậu dài ngày và số lượng lớn như vậy được hay không nếu không có sự thông đồng của cảnh sát biển, bộ đội biên phòng. Thậm chí ông Hữu còn nói tàu chở xăng dầu của ông còn phải đậu và chờ khi có báo tin của phía lực lượng trực biển, mới cho tàu chạy vô chuyển xăng vào Việt Nam.
Hai bị cáo đầu vụ là Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh).
Theo Tuổi Trẻ, tại tòa, bị cáo Viễn khai sử dụng hai tàu biển đăng ký quốc tịch Panama gồm Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng rồi chở về vùng biển Việt Nam. Sau khi lấy hàng xong về vị trí nào, vùng biển nào thì bị cáo Phan Thanh Hữu là người trực tiếp điều động.
Tuy nhiên, theo VietNamNet, bị cáo Viễn cho biết, mình vốn chỉ làm nghề vận tải, chuyên vận chuyển quốc tế. Việc vận chuyển xăng từ nước ngoài về bán, ông Viễn nói không nghĩ là mình buôn lậu vì công việc là không lén lút, công khai giao nhận, và cập hàng cho các cơ quan của cảnh sát biển, bộ đội biên phòng.
Về chia lợi nhuận, trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam, bị cáo Viễn góp 30% cổ phần vào 2 tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea và được chia lợi nhuận 30 tỷ đồng.
Theo bị cáo Viễn, ngay từ khi mới làm ăn với Hữu, cả hai người đã xảy ra mâu thuẫn về việc ăn chia lợi nhuận.
Viễn cũng cho rằng, mình chỉ được chiết khấu 1.500 đồng/lít xăng và tổng số tiền thu lợi là hơn 36 tỷ đồng chứ không phải là 46 tỷ đồng như trong bản cáo trạng công bố. Theo cáo trạng, Hữu góp 40%, nhóm của Viễn góp 60% (Viễn góp 10%, ba người khác góp 50%), ăn chia theo tỉ lệ 4-6.
Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên hệ mua hàng. Hữu có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng để bán xăng nhập lậu và bắt mối với các quan chức có thẩm quyền để đưa hối lộ.
Khi được hỏi về việc nhập xăng lậu, bị cáo Hữu khai phải xin phép giờ để hai tàu Pacific Ocean, Western Sea vào Việt Nam, sau đó sẽ đưa các tàu Nhật Minh ra ngoài biển để nhận xăng ở hai tàu này.
“Bị cáo xin và làm việc với ai?”, tòa hỏi. Bị cáo Hữu nói: “Phải làm việc và xin cảnh sát biển, biên phòng. Họ cho thì tàu chở xăng ở Singapore mới vào giao xăng được cho các tàu của bị cáo điều ra”.
Chủ tọa hỏi: “Còn lực lượng hải quan thì sao?”, bị cáo Hữu đáp: “Bị cáo không chơi với hải quan”.
Hôm 15 Tháng Bảy, Toà án quân sự Quân khu 7 cũng thú nhận có 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển đã nhận khoảng 38 tỷ đồng để nhóm ông Hữu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Trong những người bị xử tù, có Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4 Lê Văn Minh, Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 Lê Xuân Thanh, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, nên câu hỏi của bị cáo Phan Thanh Hữu “Cảnh sát không cho thì làm sao chúng tôi vô được”, đúng là tòa không dễ trả lời./.