Một video của hãng tin AFP tung ra trong lúc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang họp bế mạc cho thấy hình ảnh cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bất ngờ “bị xốc nách” khỏi hội trường hôm 22 Tháng Mười đã dấy lên đồn đoán về một cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tập và Hồ. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì đây là chuyện phải tới, chỉ có điều nó tới một cách lộ liễu, khác với truyền thống giấu nhẹm mọi biến cố chính trị của Trung Quốc, làm cho thế giới ngạc nhiên mặc dù biết rằng đối với họ Tập không việc gì mà ông ta không dám làm để bảo vệ quyền lực.
Sự việc xảy ra sau đó là danh sách Ủy viên Trung ương khóa mới không có tên ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương. Đây là hai chính trị gia được Hồ Cẩm Đào gây dựng và dìu dắt từ khi nắm chức Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc chặt hai cánh tay của Hồ cộng với việc thông qua gần như tuyệt đối cho phép Tập tiếp tục tại chức gần như suốt đời đã làm Hồ Cẩm Đào không giữ được bình tĩnh. Chính ông Hồ là người chủ trì và thông qua năm 2006 một văn kiện trung ương, trong đó quy định rằng lãnh đạo cấp cao nhất của đảng và chính phủ chỉ được giữ hai nhiệm kỳ.
Tập Cận Bình dĩ nhiên hiểu rõ sự bất mãn của Hồ Cẩm Đào và động tác xốc nách ông ta ra khỏi lễ bế mạc là có thể hiểu được. Ngay cả công khai với thế giới về hành động này cũng cho thấy sự kiêu ngạo của Tập trong vấn đề nắm giữ quyền lực vượt xa các đồng cấp trong thế giới độc tài.
Tập Cận Bình không cho phép bất cứ ai ngáng đường, kể cả bằng tiền bạc hay quyền lực kinh tế. Trước Đại hội Đảng 20, Tập đã cảnh cáo tập đoàn Alibaba của Jack Ma khi ông này mắc một sai lầm nghiêm trọng do phát biểu tại một hội nghị về công nghệ tài chính khi so sánh ngân hàng truyền thống không khác mấy với “cửa hàng cầm đồ”. Jack Ma đã ca ngợi thành tích của hệ thống ngân hàng kỹ thuật số, cũng như nhấn mạnh rằng các quyết định cho vay trong tương lai phải nên dựa trên dữ liệu chứ không phải tài sản thế chấp. Ý tưởng này không mới vì các nước Tây phương, nhất là Mỹ đã dựa vào, khi cung cấp thẻ tín dụng cho khách hàng.
Trong khi Jack Ma sở hữu 1/3 Ant Group – hệ thống điều hành Alipay chuyên thanh toán trực tuyến chính ở Trung Quốc – thì tuyên bố này không khác gì chỉ trích thẳng vào hệ thống tài chánh của chính phủ do Tập Cận Bình lãnh đạo. Chỉ vài tuần sau, Trung Quốc công bố điều tra Alibaba với lý do chống độc quyền. Điều này dẫn đến việc Alibaba bị các cơ quan quản lý Trung Quốc phạt $2,8 tỷ và ngay lập tức giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc trên thị trường chứng khoán sau thông báo đợt bán cổ phiếu ra công chúng trị giá hơn $30 tỷ bị đình chỉ.
Nếu Tập Cận Bình dằn mặt các thế lực tài chánh nhằm củng cố địa vị thì Việt Nam trong thời gian gần đây có vẻ đang theo bước chân của Tập mà sắp xếp lại hệ thống chính trị của mình nhằm tránh việc sụp đổ do những nhóm thân hữu, tập đoàn kinh tế đang ngày một lấn sân chính phủ. Có những tập đoàn mà thế lực đã lên đến mức đáng lo ngại, có dấu hiệu tựa vào nước ngoài và hoạt động tài chính chân rết đeo bám hầu hết khu vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vạn Thịnh Phát bị bắt không ngoài mục đích ngăn chặn khi con quái vật này đã vượt mức cho phép, và không chỉ riêng Vạn Thịnh Phát, Phạm Nhật Vượng cũng sẽ khó thoát sự lo sợ của Đảng Cộng sản khi mức độ tài chính mà tập đoàn này nắm trong tay đã vượt mức kiểm soát của nhà nước.
Nhưng trước khi con thú lớn sụp bẫy thì những con linh cẩu háu ăn sẽ bị thịt từ từ nhằm tỉa bớt móng vuốt của những kẻ bám rễ vào các tập đoàn tài chánh để làm giàu. Những bí thư tỉnh ủy đã hạ cánh, những cựu bộ trưởng hay thậm chí rồi đây trong tứ trụ cũng có người bị “xốc nách” cũng không phải là đáng ngạc nhiên khi vụ “test kit Việt Á”, “Chuyến bay giải cứu” liên quan trực tiếp đến những gốc gác không thể là nhỏ đang được điều tra…
Nếu mục đích của Tập là củng cố chiếc ghế cá nhân thì ông Nguyễn Phú Trọng lại nhắm vào hệ thống Đảng. Một người có tiền sử về bệnh tật khó có tham vọng giữ ghế cho riêng mình, tuy nhiên việc chém giết thành công nhằm vào con bạch tuộc tài chánh cũng làm cho “hậu duệ” và chính bản thân ông ấy an toàn hơn trong vị trí đang có.
Nếu Tập mạnh bạo và vững vàng thì ông Trọng cho thấy khả năng của mình là giới hạn. Cái lò chống tham nhũng tỏ ra thiếu hiệu quả khi mỗi lần bắt giam một nhân vật thì lại hiện ra khối tài sản kết sù mà chính bản thân ông Trọng không biết phải làm gì với khối tài sản phi pháp ấy. Vụ bắt giữ hai ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh uỷ; và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mới đây với cáo buộc nhận hối lộ đã làm người dân bàng hoàng vì cơ ngơi kinh khủng ngoài sức tưởng tượng của ông Trần Đình Thành. Có người nhẩm tính chỉ cánh cửa hàng rào của ông ta cũng đủ để xây hơn 35 căn nhà tình nghĩa.
Dù sao thì cái đám linh cẩu này vẫn dễ nhận diện hơn những tỷ phú đôla mà Phạm Nhật Vượng là cái “đinh” trong nhóm đại gia chủ nhân các tập đoàn tài chánh. Khi Phạm Nhật Vũ bị bắt vì tham gia vụ mua bán MobilFone, Phạm Nhật Vượng không khó khăn gì chạy án cho em mình chỉ qua vài động tác đơn giản. Thế nhưng cuộc cờ chính trị trong các nước cộng sản luôn dính liền với hệ thống tài chính quốc gia. Chừng nào Vượng còn âm thầm kiếm tiền nuôi cả hệ thống mà không tuyên bố này nọ thì chừng ấy cái lò của ông Trọng còn làm thinh như chưa biết tới.
Không phải tình cờ mà người Việt khắp thế giới để ý đến vụ VinFast khi ông Vượng chơi ván bài quá hớp này. Khó cho ông ấy vì thế giới hôm nay không còn như xưa, khi Internet gõ cửa từng nhà thông báo từng diễn biến của tập đoàn VinGroup. Rồi đây hệ thống tài chính kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều người bị xốc nách hơn nữa, nhất là những kẻ “trót” quá giàu nhưng lại không chừa đường lui khi con cờ chính trị không còn tác dụng./.