Có một sự thật gần như kinh điển là khi nhà nước cộng sản Việt Nam đính chính nhằm làm giảm sự căng thẳng hay khỏa lấp một tin tức bất lợi nào đó thì hầu như nguồn tin ấy có thật, thậm chí có khi chính xác đến 90%! Từ những lần kinh nghiệm xảy ra liên tục trong hệ thống truyền thông, người dân tự nhiên thấy rằng cứ có nguồn tin từ báo giới nói ngược lại với tin đồn thì không cần phải kiểm tra, đối chiếu kết quả cuối cùng sẽ đúng y như… tin đồn.
Vụ Vạn Thịnh Phát thời gian gần đây là một thí dụ. Ngày 8 Tháng Mười, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Công ty này là một trong những doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sau khi bà Trịnh Mỹ Lan bị bắt là một chuỗi sự việc liên quan xảy ra, đặc biệt việc người dân tập trung rút tiền tại ngân hàng SCB, tên viết tắt của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, vì tin rằng ngân hàng này là một trong rất nhiều chân rết của Vạn Thịnh Phát.
Cuộc chạy đua rút tiền ngày một căng thẳng đã gây xáo động cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khuyến cáo cho các nhà đầu tư “cần bình tĩnh trước tình hình mới” và khẳng định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan. Sự khẳng định này không giúp nhà đầu tư yên tâm hơn mà trái lại sàn chứng khoán những ngày sau đó đỏ rực như một phản ứng domino. Đặc biệt khi một quan chức của Ngân Hàng Nhà Nước được báo chí hỏi rằng số tiền mà cổ đông của SCB hay Vạn Thịnh Phát bỏ ra mua cổ phiếu sẽ được ai trả, người có thẩm quyền bèn tỉnh bơ đáp… ai phát hành thì người ấy phải trả.
Không phải ai cũng là cổ đông của hai tổ chức SCB hay Vạn Thịnh Phát – những người trung lưu Việt Nam dành dụm chút ít giờ như ngồi trên đống lửa. Nhiều tỉnh thành từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang tới Sài Gòn…, hàng đoàn người cũng rồng rắn từ 3 giờ sáng để mong rút được tiền của chính mình bởi người ta tin rằng SCB sẽ phá sản mặc dù hơi khó xảy ra. Dù khó hay dễ, người dân không còn thời gian tính toán hơn thiệt khi trong tay họ chỉ có tờ giấy lộn chứng nhận tài khoản của mình trong ngân hàng; trong khi đó, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Ý thức trước cái nồi hơi ngày càng đầy ấy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp; tất cả được thực hiện theo quy định pháp luật “để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung”. Ngân Hàng Nhà Nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn. Báo chí được lệnh vào cuộc và gần như báo nào cũng có tin rất khích lệ về sinh hoạt của ngân hàng SCB.
Những bài viết miêu tả người dân phấn khởi vào SCB gửi tiền vì phân lời rất cao, nhân viên rất hòa nhã và thủ tục rút tiền rất dễ dàng. Có tờ báo còn xác định số tiền gửi vào SCB tăng đột biến, chỉ trong một ngày người dân đã yên tâm gửi vào hơn 12 ngàn tỷ đồng vì SCB là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đến 8,55%/năm. Có tờ báo còn trích lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh Sài Gòn cho hay, người dân “nắm bắt được chủ trương, chính sách và các giải pháp của ngành ngân hàng về bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, của khách hàng khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng”…
Những lời ngon ngọt ấy cùng nhau hòa vào bài ca “lợi ích của người dân” chưa hết âm vang thì hai ngày sau Ngân Hàng Nhà Nước cho biết có quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Theo đó, hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân Hàng Nhà Nước. Ngân Hàng Nhà Nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn. Đồng thời, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng “hoạt động an toàn, lành mạnh”.
Người dân ngơ ngác hỏi nhau vậy là sao? Là hết chứ sao! Dĩ nhiên không phải hết liền, hết ngay lập tức nhưng sẽ hết từ từ, rất nhẹ nhàng và không ai cảm thấy mình mất tiền. Từ những thông tư này đến các quyết định nọ, chủ tài khoản trong hệ thống SCB sẽ nhận được những lời khuyên và tùy vào tình hình hoạt động của hệ thống, số tiền mà họ có trong SCB sẽ giảm như thế nào tùy theo cách vận hành của những cán bộ vừa thay thế.
Người dân cảm thấy thế nào thì tùy vào hoàn cảnh từng người. Giàu nứt đố đổ vách thì xoa tay xem như thua một canh bạc lẻ, người có tiền kha khá tạm bỏ qua làm lại ván bài khác, người có chút đỉnh tiền cắn răng chịu đau vì sự cả tin của mình… nhưng trên tất cả, câu hỏi về những sự việc đáng ra phải được pháp luật bảo vệ lại không thấy tổ chức nào chịu trách nhiệm cho sự thiệt hại của người dân; trong khi Thị trường Chứng Khoán, Ngân hàng thương mại hay bất cứ định chế tài chánh nào của quốc gia đều đặt dưới sự giám sát của nhà nước. Cần nhấn mạnh, việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá đang gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu vẫn không được giải quyết thỏa đáng… Tất cả đang gây bất cập cho cả hệ thống tài chánh quốc gia.
Vạn Thịnh Phát là một hồ sơ đầy bí ẩn, khi trong một thời gian dài, nó khuynh loát gần như toàn bộ bộ máy chính quyền TP.HCM. Những tên tuổi gắn liền với nó khiến cả nước giật mình và khó tin số tiền mà nó kiếm được chỉ trong thời gian ngắn. Đồng tiền của Vạn Thịnh Phát kiếm vào tỷ lệ nghịch với tài nguyên và ngân sách của nhà nước cũng như tiền vốn ít ỏi của người dân.
Trở lại với chuyện “tin đồn” liên quan đến Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB. Tin đồn có thật xảy ra cho thấy mức độ xử lý khủng hoảng thông tin của nhà nước vẫn còn nằm trong cái vòng ấu trĩ mà nhiều chục năm qua vẫn luôn dùng đến: Báo chí quốc doanh và tuyên giáo bao cấp./.