Trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM vừa có lời lý giải cho việc thu tiền nghỉ trưa 15.000 đồng/học sinh tại trường là “phí quản lý và tiền điện máy lạnh“.
Để tôi tính giùm ông tiền máy lạnh nhé: Với phòng có diện tích Từ 30 đến 40m2, máy lạnh công suất 2,5HP là tiêu chuẩn, mà 1HP = 1 ngựa = 1 mã lực = 0,746kW => mỗi giờ, một phòng học tiêu thụ hết 1,865kWh điện. Học sinh nghỉ trưa khoảng 2 giờ, vậy tổng điện tiêu thụ là 3,73kWh/phòng.
Trường học thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp nên giá điện là 1.494 đ/kWh đối với cấp điện áp từ 6 kV trở lên và 1.554 đ/kWh đối với cấp điện áp dưới 6 kV. Tôi tính theo giá 1.554 đ/kWh, thì số tiền điện phải trả cho mỗi phòng học trong 2 tiếng nghỉ trưa là 5.796,42 (đồng), làm tròn thành 6 nghìn đồng.
Cả một phòng học, trong 2h chi phí tiền điện hết khoảng 6 nghìn đồng mà hiệu trưởng thu mỗi em 15 nghìn đồng! Trường này có 1.227 học sinh lớp 10, tức khoảng 30 phòng học, vậy chi phí tiền điện cho toàn khối là khoảng 180 nghìn/ngày (nghỉ trưa).
Ông Hiệu trưởng cho biết, có hơn 300 em ở lại, với 15 nghìn/hs, mỗi ngày trường này thu về 4 triệu 500 nghìn (4 triệu rưỡi), vậy trường lời 4.320.000/ngày (nếu cả 30 phòng đều hoạt động). Mỗi tháng (mới chỉ hơn 300 học sinh nghỉ trưa như hiện tại) thì trường thu về 180 triệu! Đó là chưa hiểu vì sao mỗi buổi 15 nghìn nhưng một tháng lại thu những 600 nghìn!
Đúng là làm giàu không khó!
Trên đây là mới chỉ áp dụng cho lớp khối 10, và cũng chỉ có hơn 300 em trong tổng số 1.227 em của khối 10 ở lại. Nếu trường này chỉ cần một nửa số học sinh ở lại thì mỗi ngày thu về hơn 27 triệu đồng! Trừ chi phí tiền điện chỉ 540 nghìn, siêu lợi nhuận! Còn, không rõ cái gọi là “quản lý học sinh” mà ông hiệu trưởng nói thì có nghĩa là gì, và chi cho khoản này bao nhiêu, nhưng phải nói là lãi cực khủng.
Không một hình thức làm ăn nào dễ dàng đến thế, đúng là ngồi mát ăn bát vàng, bỗng dưng mỗi ngày có 27 triệu đồng bỏ túi.
Tóm lại, hiện tại trường này đang thu về mỗi tháng 180 triệu đồng với 300 em ở lại buổi trưa.
Còn nếu giả sử tất cả học sinh ở lại thì số tiền mỗi tháng moi từ túi cha mẹ các em sẽ là 3200 nhân 600.000 bằng 2.208.600.000 (hai tỉ hai trăm linh tám triệu sáu trăm nghìn đồng/tháng), trừ đi chỉ 16 triệu tiền điện cho cả 3 khối lớp (tạm tính 90 phòng học). Tóm lại là gần như không mất gì mà thu về hơn 2 tỉ đồng mỗi tháng, nếu hoạt động hết công suất!
Cả nước nên học tập và làm theo tấm gương Marie Curie TP.HCM và thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Khoa.
Giáo dục ta chưa bao giờ rực rỡ như ngày hôm nay. Hoan hô giáo dục! Hoan hô hiệu trưởng trường Marie Curie Nguyễn Đăng Khoa!
P/S: Trong phiếu thu tiền ghi “từ tháng 9 ĐẾN tháng 10, số tiền là 600.000đ”. Vậy là 1 tháng hay 2 tháng? Vì nếu 2 tháng thì phải ghi là “tháng 9 VÀ tháng 10, số tiền là 600.000đ”. Tóm lại, nếu phiếu thu này là 2 tháng (chứ không phải 1 tháng) thì số tiền nhà trường thu về sẽ là một nửa như đã tính toán ở trên, vẫn là con số rất khủng khiếp.
Tôi có chút nhầm lẫn ở chỗ, mỗi tuần chỉ học 5 ngày, tức mỗi tháng học khoảng 20 ngày (chứ không phải là 30), mà trong bài tôi lại tính theo 30. Tuy nhiên, việc học 20 ngày, mỗi ngày 15000đ thì mỗi tháng cũng chỉ khoảng 300 nghìn, vậy tại sao trường lại thu tới 600 nghìn đồng? Tóm lại, việc thu 600 nghìn/tháng là không đổi, bất luận học bao nhiêu buổi/tháng (Thái Hạo).
T.H.