Nguyễn Hùng – VOA
Cách tổ chức tang lễ kéo dài hơn 10 ngày trong đó có việc cho phép người dân vào viếng Nữ hoàng 24 giờ mỗi ngày trong suốt bốn ngày, cho người dân xếp hàng dọc đường linh cữu di chuyển và…
Sáng 19/8 tôi dậy từ bốn giờ để chuẩn bị vào London xếp hàng dọc đường tạm biệt Nữ hoàng. Lúc đầu tôi định lái xe vào gần London rồi đi bộ đoạn còn lại nhưng cuối cùng chọn đi tàu. Ngày đưa tang Nữ hoàng là ngày nghỉ lễ nên bến tàu rất vắng; tôi tự nhủ thế là mình sẽ tới sớm.
Tới nơi, lúc khoảng gần 7h, mới thấy những chỗ tốt dọc đường trước Cung điện Buckingham đã không còn chen chân được. Người ta đã cắm trại qua đêm hoặc tới đó từ tờ mờ sáng. Cuối cùng tôi đứng ở đoạn quanh trước khi rẽ vào đại lộ đi ngang qua cung điện. Phía trước tôi có chừng 10 người và nếu tôi không mang theo chiếc ghế gấp cao chừng nửa mét, chắc chắn tôi sẽ không nhìn thấy gì. Chỉ sau khi tôi vào nơi có thể theo dõi đoàn rước ít lâu, người ta đã đóng luôn các con phố đổ tới đó và không ai được phép vào bên trong nữa. Tôi nghĩ họ chỉ cho vào một số lượng đủ để họ có thể kiểm soát được. Cảnh sát đứng vòng ngoài quay mặt về phía chúng tôi, đứng vòng trong ở sau lưng chúng tôi, trên nóc nhà nhìn xuống chúng tôi. Cảm giác của tôi là hoàn toàn yên tâm về an ninh trong một dịp trọng đại xưa nay hiếm.
Tang lễ Nữ hoàng bắt đầu lúc 11h tại nhà thờ Anh giáo Westminster Abbey và đoàn rước linh cữu của bà rời nhà thờ lúc 12h. Tới 12h40 phút linh cữu của Nữ hoàng đi ngang qua chỗ tôi đứng như quý vị có thể thấy ở cuối video 20 phút tôi quay lại cảnh diễu binh và rước linh cữu.
Tổng thời gian tôi luẩn quẩn một chỗ chờ để cúi chào Nữ hoàng lần cuối tới gần sáu tiếng nhưng nó qua đi rất nhanh, cảm giác chỉ chừng ba tiếng. Ngoài thời gian xem buổi lễ tại Westminster Abbey qua điện thoại và chụp ảnh xung quanh, tôi nói chuyện với vài người xếp hàng cùng.
Một cô chuyên gia tâm lý người gốc Bangladesh kể cô đã xếp hàng tám tiếng để vào chia tay Nữ hoàng khi thi hài bà được quàn tại Nghị viện Anh. Lý do, cô kể, đúng ngày Nữ hoàng mất là ngày cô gửi thư cho người đứng đầu hoàng gia để báo với bà cô mới xuất bản một cuốn sách và gửi tặng bà một cuốn. Tôi ngó qua trang cuối cuốn sách Người tuyết Cô đơn của Neema Rahman và thấy cô viết: “Khi người tuyết tỉnh dậy giữa đại dịch Covid, chàng chợt nhận ra chàng chỉ còn có một mình. Hãy cùng người tuyết cô đơn và những người giúp việc của anh đi tìm hiểu xem thế giới đã thay đổi tới đâu. Liệu họ có thể mang lại cuộc sống cho một thế giới cô lập?”
Thật đáng tiếc Nữ hoàng đã không có dịp nhận được thư của Neema. Phu quân của bà đã ra đi giữa mùa dịch và đám tang của ông chỉ có vài chục người dự theo quy định của nhà nước, trái ngược hẳn với đám tang lớn hiếm có mà bà vừa được tổ chức. Tôi tin bà sẽ đồng cảm với Neema nếu bà còn sống và chắc chắn bà sẽ gửi thư cảm ơn cô.
Một người khác cùng xếp hàng một chỗ với tôi là anh Bill Green, một thợ chụp ảnh người Anh. Cùng dân chụp ảnh nên tôi cho anh mượn ghế để chụp chung quanh trong lúc chờ từ biệt Nữ hoàng khi linh cữu tới. Cô Neema cũng nhờ lúc linh cữu đi qua cho cô nhờ chiếc ghế để chụp vài kiểu ảnh. Chắc chắn chiếc ghế gấp mà tôi mang theo làm sự chờ đợi của cả ba chúng tôi bõ công sức hơn nhiều.
Không khí quanh chỗ tôi đứng rất thân thiện. Mọi người xếp hàng hoàn toàn văn minh, không chen lấn, không làm người khác khó chịu. Thỉnh thoảng có những người dọn rác hay các viên cảnh sát đi ngang qua người ta lại vỗ tay động viên và cũng để không khí chờ đợi không quá khô cứng. Thỉnh thoảng lại có tiếng loa nhắc người ta đừng vẫy cờ che tầm nhìn của người khác và nếu ai đứng lên ghế để xem nên nhìn trước nhìn sau để mọi người đều vui.
Chừng hai tiếng trước khi linh cữu tới, những người lính tham gia diễu binh bắt đầu tiến vào vị trí ngay trước mặt chúng tôi và họ tới ngày một nhiều thêm trong thời gian tang lễ diễn ra ở Westminster Abbey. Cả thảy đoàn mất chừng nửa tiếng để đi qua chỗ tôi đứng trong đó thời gian linh cữu đi qua tầm mắt của chúng tôi kéo dài chừng 10 phút, đủ để tôi vừa quay video, vừa chụp ảnh trước khi cúi đầu làm dấu thánh mong linh hồn Nữ hoàng an nghỉ.
Đương nhiên tang lễ Nữ hoàng to tới đâu tuỳ thuộc vào Nữ hoàng và người nối ngôi, Vua Charles đệ tam. Cách tổ chức tang lễ kéo dài hơn 10 ngày trong đó có việc cho phép người dân vào viếng Nữ hoàng 24 giờ mỗi ngày trong suốt bốn ngày, cho người dân xếp hàng dọc đường linh cữu di chuyển và mời cả ngàn quan khách trong đó có hàng trăm lãnh đạo các nước cho thấy gia đình hoàng gia muốn củng cố vị thế của họ trong lòng dân. Tôi cũng nghĩ chẳng phải tự nhiên mà Nữ hoàng chọn nơi qua đời ở Scotland. Khi đổ bệnh bà hoàn toàn có thể đi trực thăng về London nhưng bà chọn ở lại Lâu đài Balmoral để người dân có thể tới viếng và sau đó linh cữu của bà còn được quàn thêm một ngày ở Edinburgh, thủ phủ của Scotland, trước khi về London. Scotland đang có xu hướng ly khai và hiển nhiên Hoàng gia Anh mong muốn Scotland là một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh. Ngay cả trong tình huống xấu nhất nếu Scotland quyết ly khai trong tương lai, Hoàng gia hy vọng thần dân Scotland vẫn tôn thờ họ.
Tôi không phải là người ủng hộ Hoàng gia vô điều kiện. Một số người Anh không ưa chuyện nguyên thủ quốc gia trong thế kỷ 21 mà vẫn được chọn theo dòng tộc thay vì theo mong muốn của công chúng. Tôi ủng hộ việc gây sức ép lên Hoàng gia để họ thực sự hiểu họ có được một ưu đãi quá lớn và phải phụng sự người dân và sự nghiệp chung. Báo Anh cũng nói chỉ trong một đêm Hoàng thái tử William tiếp quản không biết bao nhiêu đất đai và lâu đài chỉ vì là con cả trong khi người em lại đang bươn chải kiếm sống ở Hoa Kỳ. Gìn giữ và bảo tồn văn hoá để có sức mạnh mềm là điều nên làm. Nhưng quyền lực, kể cả là quyền lực Hoàng gia, cũng phải được giám sát chặt chẽ. Tôi hy vọng Vương quốc Anh sẽ có được sự cân bằng cần thiết giữa vương quyền, dân quyền và chính quyền. Sự cân bằng này thực ra có lợi cho Hoàng gia vì nếu không có nó chuyện dân nổi can qua là hoàn toàn có thể. Không phải là ngày một ngày hai nhưng nước chảy mãi đá cũng phải mòn.