Song Chi.
Ông Đặng Văn Hiến, “người nông dân giữ đất” bị tuyên án tử hình trong cả hai phiên tòa sơ thẩm (tháng 1.2018) và phúc thẩm (tháng 7.2018) vì đã nổ súng khiến 3 người chết, 13 người bị thương trong một vụ việc gây rúng động năm 2016, vừa được ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân giảm xuống án chung thân vào ngày 15.9 vừa qua.
Tóm tắt vụ việc như sau: vào năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông cho Cty TNHH thương mại-đầu tư Long Sơn thuê hơn 1.000 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp, nhưng khi thu hồi đất thì công ty Long Sơn phải thỏa thuận đền bù cho người dân tại đây. Tuy nhiên chỉ có vài trường hợp được công ty này đền bù, còn phần lớn là tự ý cưỡng chế, ủi đất, không bồi thường. Mâu thuẫn của Công ty với người dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực đã kéo dài 8 năm, người dân gửi đơn khắp nơi không được giải quyết nên bức xúc dồn nén. Đến ngày 23.10.2016, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn là ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, kêu hơn 30 nhân viên, bảo vệ đem máy cày, máy ủi tới san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của của gia đình Hiến, ông Hoàng Văn Thắng và ông Triệu Phụ Cao. Ngăn chặn không được, lại bị người của công ty Long Sơn bao vây nhà, ông Hiến đã dùng súng hoa cải bắn chỉ thiên về phía các công nhân và bị những công nhân này cầm đá ném. Với sự giúp sức của hai người khác là Ninh Viết Bình (bị tuyên án 20 năm tù giam, sau giảm xuống 18 năm) và Hà Văn Trường (bị tuyên án 12 năm tù giam, sau giảm xuống 9 năm), ông Đặng Văn Hiến đã nổ súng vào những người công nhân, bảo vệ, gây hậu quả nghiêm trọng trên.
Các luật sư đã cố gắng bào chữa cho ông Đặng Văn Hiến đã phạm tội trong hoàn cảnh bị kích động, bị dồn đến đường cùng, trước đó không hề có tiền án tiền sự, vừa là bị cáo, vừa là nạn nhân của phong trào cướp đất của các nhóm lợi ích, đồng thời ngay chính gia đình của các nạn nhân cũng có đơn xin miễn tội chết cho ông Đặng Văn Hiến, nhưng phiên phúc thẩm vẫn giữ nguyên án tử hình.
Sau gần 5 năm bị tuyên án tử hình, ông và gia đình cuối cùng đã có thể nhẹ nhõm khi mức án được chuyển thành tù chung thân. Và nếu cải tạo tốt, ông có thể sẽ chỉ phải ngồi tù từ 20-25 năm!
Nhân việc ông Đặng Văn Hiến, nhiều người nhắc lại vụ án oan nổi tiếng Hồ Duy Hải, người bị bắt từ tháng 3.2008 vì bị khép tội giết 2 nữ nhân viên tại Bưu Điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vào tối 13.1.2008.
Đây là một vụ án có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra, giải quyết vụ án như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo…Nhưng bất chấp những ý kiến của luật sư, những bài viết, nhận định chỉ ra những sai sót, khuất tất trong vụ án của báo chí, dư luận, bất chấp lời kêu oan thống thiết của gia đình Hồ Duy Hải, trải qua bao nhiêu phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, vẫn giữ y án tử hình. Nhưng có một điều rất đáng nói đó là năm 2012, ông Chủ tịch nước lúc bấy giờ là ông Trương Tấn Sang đã bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải, và Hải suýt chút nữa đã bị thi hành án, nhưng trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, năm 2014, ông Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao (của Việt Nam)!
Cho đến nay, Hồ Duy Hải đã ở tù 14 năm. Sinh năm 1985, khi bị bắt Hải 23 tuổi, 14 năm trôi qua, Hải đã mất đi những năm tháng trẻ trung sung sức trong cuộc đời và vẫn không biết phải ở tù như vậy đến bao giờ, hay một lúc nào đó lại bị lôi ra tử hình?
Việt Nam đã từng có những vụ án oan sai nổi tiếng như vụ án của Hàn Đức Long, tổng cộng bốn lần bị cả tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình, cuối cùng đến ngày 20 tháng 12 năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Long vì không đủ chứng cứ. Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan trong 2 vụ án giết người ở Bình Thuận, đã phải ngồi tù oan 18 năm trước khi được thả tự do vào năm 2016, với sức khỏe bị ảnh hưởng 63%, và chỉ 6 năm sau chết trong cô độc vì bệnh lý vào ngày 14.9 vừa qua. Hay vụ Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh bị bắt tháng 6. 2003, 2 lần bị tuyện án tử hình tội vận chuyển trái phép 25 bánh heroin, sau phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 4.2007, tòa phát hiện các chứng cứ buộc tội Hùng có nhiều mâu thuẫn, cuối cùng, sau hơn 4 năm mỏi mòn trong trại giam và đối diện với bản án tử hình lơ lửng trên đầu, Nguyễn Minh Hùng đã được trả tự do. Tất cả các nhân vật kể trền đều được cơ quan chức năng công khai xin lỗi, được bồi thường.
Dù sao, họ vẫn là những người “may mắn”. Có những người không được như vậy. Chẳng hạn, ông Tăng Minh Phụng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Minh Phụng và là Phó Giám đốc Công ty TNHH EPCO trong vụ án EPCO-Minh Phụng, bị cáo buộc về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ông bị tuyên án tử hình và thi hành án năm 2003.
“Theo bài nghiên cứu “Self-interest and ideology: bureaucratic corruption in Vietnam” của J Gillespie đăng trên Australian journal of Asian law, năm 2001, vụ án Minh Phụng – EPCO có nhiều vấn đề sai trái về phía cơ quan tư pháp và hệ thống luật pháp của Chính phủ Việt Nam. Một số tội áp đặt cho Tăng Minh Phụng đáng lẽ có thể được giảm nhẹ. Vụ xử án cũng bị thiên lệch do ý chí chính trị của Đảng Cộng sản Việt nam vào thời gian này, theo đó muốn triệt hạ những trùm tư bản có khả năng phát triển mạnh và lũng đoạn kinh tế như Tăng Minh Phụng. Quyết định không cho phép doanh nghiệp tư nhân trong nước được nhận vốn từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Singapore và Đài Loan cũng góp phần khai tử cho Tăng Minh Phụng. Cũng từ vụ án EPCO – Minh Phụng có thể thấy, chỉ cần Nhà nước có sự điều chỉnh về quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu, thì không chỉ các dự án của Minh Phụng – Epco mà hàng loạt các nhà đầu tư khác tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu rơi ngay vào tình trạng tê liệt, phá sản.
Dư luận cũng cho rằng toàn bộ tài sản to lớn của Minh Phụng bao gồm hệ thống các xưởng sản xuất may mặc, nhiều nhà cửa, khách sạn và đất đai bị nhà nước tịch biên, nếu được bán theo giá thị trường, Minh Phụng có khả năng hoàn trả nợ dễ dàng và chỉ phải chịu hình phạt về gian lận tài chính, nhưng không đến mức bị tử hình” (Tăng Minh Phụng, Wikipedia).
Trên đây chỉ là vài ví dụ về những vụ án nổi tiếng, trong đó có người may mắn thoát án tử hình, có người không. Nhưng còn những vụ nào khác mà dư luận không biết?
Ngay cả những quốc gia dân chủ có nền pháp trị vững mạnh nhất trên thế giới vẫn có án oan. Việt Nam, với một môi trường độc tài, thiếu một cơ chế độc lập giữa điều tra, tố tụng, xét xử, vai trò mờ nhạt của luật sư, cũng như sự thiếu một cơ chế giám sát, phản biện từ đảng đối lập, báo chí truyền thông độc lập, chắc chắn án oan sẽ càng nhiều hơn.
Nhưng nếu không có án tử hình thì mọi sự oan sai cỏn có hy vọng sửa chữa.
Hiện tại, trên toàn cầu, trong số 195 quốc gia độc lập là thành viên Liên hợp quốc hoặc có tư cách quan sát viên của Liên hợp quốc, chỉ còn lại 55 quốc gia vẫn giữ hình phạt tử hình cho nhiều loại tội phạm khác nhau, trong đó có Việt Nam. Và đối với những quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc, rất khó để mà quốc tế biết được chính xác thông tin, số liệu về án tử hình vì các nước này vẫn xem đó như là bí mật quốc gia.
Báo cáo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về án tử hình (Question of the death penalty – Report of the Secretary-General) tại Phiên họp thường kỳ lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền năm 2022, viết rằng “bãi bỏ án tử hình là mong muốn và cần thiết để nâng cao phẩm giá con người và sự phát triển tiến bộ của nhân quyền, và nhớ lại rằng không có bằng chứng thuyết phục nào hỗ trợ cho đề xuất rằng hình phạt tử hình ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn bất kỳ hình phạt nào khác.”
Được biết, nhà nước Việt Nam đã nộp đơn ứng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2023-2025.
Việt Nam có lẽ cũng nên suy nghĩ về việc thay đổi để bãi bỏ dần dần án tử hình, trong hoàn cảnh một nền “pháp trị” chưa hoàn hảo dễ có oan sai như đã nói, cũng là để chứng tỏ sự tôn trọng quyền được sống, tôn trọng nhân quyền, khi muốn trở thành thành viên của Hội đồng.