Mười điều bi ai của dân tộc

GS Nguyễn Văn Tuấn Đó là 10 điều bi ai mà Chí sĩ Phan Châu Trinh đã viết ra cách đây chừng 100 năm, nhưng đọc lại cảm thấy như ông mới viết mấy ngày qua. Những vấn đề mang tính thời sự (giáo dục, y tế, xã hội, đạo đức) không chỉ xảy ra ngày hôm nay mà đã tồn tại từ thời xưa. Những vấn đề ông nêu ra đã 100 năm mà có xu hướng tồi tệ hơn và hiện đại hoá hơn. Thỉnh thoảng đọc lại những bài chính luận của các bận tiền bối, tôi thán phục họ có cái nhìn xa và rộng. Một trong những người tôi đọc đi đọc lại nhiều lần là cụ Phan Châu Trinh. Ông quả thật là một bậc trí thức đúng nghĩa, một chí ái quốc thật sự. Cụ Phan Châu Trinh sinh năm 1872, tức hơn HCM 18 tuổi. Ông đậu cử nhân năm 28 tuổi, Phó Bảng (cùng khoá với ông Nguyễn Sinh Sắc) năm 29 tuổi. Xin nói thêm rằng phó bảng là giống như “phó tiến sĩ” ngày nay? Năm 33 tuổi ông cùng các nhân sĩ thời đó như Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân, với 3 mục tiêu là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Cụ Phan Châu Trinh giải thích 3 mục tiêu đó như sau: – “Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. – Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. – Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa.” Ba mục tiêu này cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Thế nhưng vào thời đó, qua những gì ông viết thì có người không thích chủ trương này. Trong một thư gởi cho Nguyễn Ái Quốc, ông viết: “[…] mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi.” Cụ Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào Duy Tân có lẽ là do ảnh hưởng của chuyến đi nước ngoài của ông vào tháng 3/1906 khi ông cải trang làm bếp và xuống tàu đi Hong Kong gặp cụ Phan Bội Châu. Tháng 5/1906 ông đến Nhật, và trong thời gian ở đây, ông đã chứng kiến một nước Nhật đang cải cách mạnh mẽ. Ông có dịp gặp vài chánh khách Nhật, nhưng họ không muốn giúp Việt Nam. Có lẽ đó chính là lý do ông kêu gọi duy tân và tự lực. Ông chủ trương chấm dứt chế độ quân chủ để có nhân quyền, nhưng phải là bất bạo động. Thời đó, có người phê bình chủ trương bất bạo động của ông. Nguyễn Ái Quốc thì chỉ trích “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.” XEM THÊM: Chu Hảo bỏ đảng và con đường Phan Châu Trinh Trong một bài báo trên tờ Đăng cổ Tùng báo năm 1907, Phân Châu Trinh viết: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là ‘Chi Bằng Học’.” Đối với ông, học là quan trọng nhứt. Do đó, giáo dục là ưu tiên số 1 vì giáo dục dẫn đến phát triển kinh tế, tự lực tự cường, và hội nhập thế giới văn minh. Không giống như những người làm chánh trị cùng thời quen thói mị dân, ông thẳng thắn chỉ ra cái dở của dân tộc. Ông cho rằng dân VN ta lạc hậu là do kém cỏi về văn hoá và giáo dục. Có thể nói ông là một trong những người đầu tiên chỉ ra cái xấu xí của người Việt. Ông chủ trương học từ các quốc gia tiên tiến như Pháp: “Nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sinh các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy.” Đọc lại những bài chính luận của ông, tôi nghĩ ai cũng thấy ông là một nhân vật rất hay, rất đặc biệt, rất đáng lấy làm một tấm gương về cải cách. So với cụ Phan Bội Châu tôi nghĩ cụ Phan Châu Trinh hơn một bậc về cái mà tiếng Anh gọi là “vision” – viễn kiến. Ông xứng đáng là một “visionary man.” Không phải ngẫu nhiên mà sử gia Daniel Héméry nhận định rằng cụ Phan Châu Trinh là “Khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ 20,” bởi vì “ông đã xác định một cách rành mạch, sáng sủa nhất những vấn đề nan giải đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận.” GS Nguyễn Văn Tuấn — 10 điều bi ai của dân tộc: 1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày. 2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám. 3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con. 4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi. 5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng. 6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu. 7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp. 8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc. 9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật. 10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v… Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
- Quảng Cáo -

GS Nguyễn Văn Tuấn

Đó là 10 điều bi ai mà Chí sĩ Phan Châu Trinh đã viết ra cách đây chừng 100 năm, nhưng đọc lại cảm thấy như ông mới viết mấy ngày qua. Những vấn đề mang tính thời sự (giáo dục, y tế, xã hội, đạo đức) không chỉ xảy ra ngày hôm nay mà đã tồn tại từ thời xưa. Những vấn đề ông nêu ra đã 100 năm mà có xu hướng tồi tệ hơn và hiện đại hoá hơn.

Thỉnh thoảng đọc lại những bài chính luận của các bận tiền bối, tôi thán phục họ có cái nhìn xa và rộng. Một trong những người tôi đọc đi đọc lại nhiều lần là cụ Phan Châu Trinh. Ông quả thật là một bậc trí thức đúng nghĩa, một chí ái quốc thật sự.

Cụ Phan Châu Trinh sinh năm 1872, tức hơn HCM 18 tuổi. Ông đậu cử nhân năm 28 tuổi, Phó Bảng (cùng khoá với ông Nguyễn Sinh Sắc) năm 29 tuổi. Xin nói thêm rằng phó bảng là giống như “phó tiến sĩ” ngày nay? Năm 33 tuổi ông cùng các nhân sĩ thời đó như Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân, với 3 mục tiêu là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Cụ Phan Châu Trinh giải thích 3 mục tiêu đó như sau:

- Quảng Cáo -

– “Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

– Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.

– Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa.”

Ba mục tiêu này cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Thế nhưng vào thời đó, qua những gì ông viết thì có người không thích chủ trương này. Trong một thư gởi cho Nguyễn Ái Quốc, ông viết: “[…] mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi.”

Cụ Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào Duy Tân có lẽ là do ảnh hưởng của chuyến đi nước ngoài của ông vào tháng 3/1906 khi ông cải trang làm bếp và xuống tàu đi Hong Kong gặp cụ Phan Bội Châu. Tháng 5/1906 ông đến Nhật, và trong thời gian ở đây, ông đã chứng kiến một nước Nhật đang cải cách mạnh mẽ. Ông có dịp gặp vài chánh khách Nhật, nhưng họ không muốn giúp Việt Nam. Có lẽ đó chính là lý do ông kêu gọi duy tân và tự lực. Ông chủ trương chấm dứt chế độ quân chủ để có nhân quyền, nhưng phải là bất bạo động.

Thời đó, có người phê bình chủ trương bất bạo động của ông. Nguyễn Ái Quốc thì chỉ trích “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.”

Trong một bài báo trên tờ Đăng cổ Tùng báo năm 1907, Phân Châu Trinh viết:

“Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là ‘Chi Bằng Học’.”

Đối với ông, học là quan trọng nhứt. Do đó, giáo dục là ưu tiên số 1 vì giáo dục dẫn đến phát triển kinh tế, tự lực tự cường, và hội nhập thế giới văn minh. Không giống như những người làm chánh trị cùng thời quen thói mị dân, ông thẳng thắn chỉ ra cái dở của dân tộc. Ông cho rằng dân VN ta lạc hậu là do kém cỏi về văn hoá và giáo dục. Có thể nói ông là một trong những người đầu tiên chỉ ra cái xấu xí của người Việt. Ông chủ trương học từ các quốc gia tiên tiến như Pháp:

“Nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sinh các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy.”

Đọc lại những bài chính luận của ông, tôi nghĩ ai cũng thấy ông là một nhân vật rất hay, rất đặc biệt, rất đáng lấy làm một tấm gương về cải cách. So với cụ Phan Bội Châu tôi nghĩ cụ Phan Châu Trinh hơn một bậc về cái mà tiếng Anh gọi là “vision” – viễn kiến. Ông xứng đáng là một “visionary man.”

Không phải ngẫu nhiên mà sử gia Daniel Héméry nhận định rằng cụ Phan Châu Trinh là “Khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ 20,” bởi vì “ông đã xác định một cách rành mạch, sáng sủa nhất những vấn đề nan giải đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận.”

GS Nguyễn Văn Tuấn


10 điều bi ai của dân tộc:

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

- Quảng Cáo -