Trường Sơn (VNTB)
Đề nghị Vụ Kế hoạch tài chính làm một quy trình cụ thể như cẩm nang giúp các bệnh viện nhìn vào đó làm một cách yên tâm và tự tin, vì nhiều nơi, cán bộ đấu thầu toàn bác sĩ, không có nghiệp vụ về kinh tế
“Bài toán làm thế nào mà bệnh viện vẫn tính đúng, tính đủ để cung cấp dịch vụ tốt, hài lòng người bệnh thì về phía người dân chi phí chi thêm có cách nào giảm đi được không?”
Bà quyền bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan, nói vầy tại buổi họp mới đây với bệnh viện Chợ Rẫy: ““Những nội dung bệnh viện đề xuất là đứng ở góc độ bệnh viện. Còn đối với nhà quản lý, Chính phủ thì đứng trên góc độ cả bệnh viện và người dân. Như vậy, bài toán làm thế nào mà bệnh viện vẫn tính đúng, tính đủ để cung cấp dịch vụ tốt, hài lòng người bệnh thì về phía người dân chi phí chi thêm có cách nào giảm đi được không”.
TS-BS Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy trả lời: “Tính đúng, tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh. Đây là lấy vừa đủ để tồn tại và có tích lũy vừa phải để phát triển, chứ không phải theo kiểu lạm thu. Mặt khác, y tế công cũng phải có giá trần chứ không phải muốn tính bao nhiêu thì tính là chết người bệnh”.
Một bác sĩ là giảng viên khoa Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng có lẽ do “ngoài ngành” nên bà quyền bộ trưởng “ra đề” có vẻ ngớ ngẩn, bởi câu trả lời ở đây, “dễ ợt chớ gì: nhà nước thu thuế y tế rồi trả hết chi phí điều trị, bệnh viện chỉ làm chuyên môn thôi! Bệnh nhân vô viện xong về khỏi trả đồng nào hết”.
Đằng này, vẫn theo lời của vị bác sĩ giảng viên nói trên, thì yêu cầu “bệnh viện phải tự chủ là tự lo phần chi. Còn phần thu thì áp giá trần đặng duy trì y tế giá rẻ để còn đắc nhân tâm… Hậu quả đổ hết lên đầu nhân viên y tế, thế là đứa nghỉ việc, đứa vi phạm, đứa chửi rủa, đứa âm thầm đi học cho xong rồi bùng… Cái ngành y này nát bét nát be, nhìn mà nản ghê luôn” – vị bác sĩ này nhận xét kèm thêm phần ‘bonus’ rằng sở dĩ ‘mạnh miệng’ vì đến tuổi nghỉ hưu rồi nên chẳng mấy ngại ngần nữa…
Liên quan chuyện hậu trường ngành y tế, một bác sĩ từng làm quản lý với hàm tương đương vụ trưởng, nói rằng thử nhìn qua vụ cựu giám đốc CDC Hải Dương chỉ được chia 02/30 tỷ VND trong vụ ăn kit Việt Á. Số tiền còn lại được chia theo ghế ngồi quyền lực. Ai cũng biết giám đốc CDC tuổi gì mà ký mua hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng test kit phòng Covid , nếu như không có sự chỉ đạo và tiếp tay…
“Cũng thật đáng thương cho y tế. Quyền rơm vạ đá. Chống dịch thì vất vả. Trên chỉ đạo không chấp hành thì ghế lung lay. Chấp hành thì tiền được hưởng chỉ là muỗi so với các quan trên. Lúc lộ thì chịu tội thay, vào lò đầu tiên…” – vị bác sĩ “hàm vụ trưởng” này lên tiếng trong chua chát.
Từ một vài ghi nhận ở trên cho thấy đang có sự lúng túng trong quản lý của bà quyền bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan. Đơn cử, bà Đào Hồng Lan đã ‘tỉnh queo’ phát biểu trước Ban Giám đốc và Công đoàn của bệnh viện Chợ Rẫy hôm chiều 25-8-2022, rằng “hiện vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư y tế chủ yếu liên quan quy trình đấu thầu. Do đó, đề nghị Vụ Kế hoạch tài chính làm một quy trình cụ thể như cẩm nang giúp các bệnh viện nhìn vào đó làm một cách yên tâm và tự tin, vì nhiều nơi, cán bộ đấu thầu toàn bác sĩ, không có nghiệp vụ về kinh tế”.
Cái ngớ ngẩn ở đây là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, bởi liên quan quy trình đấu thầu, thì sửa ở quy trình đấu thầu chứ nhỉ? Cẩm nang có giá trị pháp lý gì đâu mà buộc bác sĩ phải theo đó mà thực thi.
“Tôi cho rằng bà quyền bộ trưởng nên lắng nghe tham mưu của dàn trợ lý cho tử tế hơn trước khi phát biểu theo kiểu mang tính chỉ đạo. Ai đời ông giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy nêu cụ thể 4 kiến nghị, để rồi ngay sau đó phần trả lời kiến nghị “mang tính chỉ đạo” của bà quyền bộ trưởng y tế lại trớt quớt khi đưa ra yêu cầu “đề nghị Vụ Kế hoạch tài chính làm một quy trình cụ thể như cẩm nang giúp các bệnh viện nhìn vào đó làm một cách yên tâm và tự tin”.
Tóm tắt có 4 kiến nghị của giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy:
Thứ nhất, đề nghị bổ sung một chương riêng, chuyên sâu về đấu thầu mua sắm phục vụ công tác y tế trong luật Đấu thầu.
Thứ hai, khẩn trương ban hành nghị định chi tiết về liên doanh, liên kết, xã hội hóa trong y tế.
Thứ ba, chấp nhận hình thức đặt máy, máy mượn để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế để các đơn vị thuận lợi phục vụ người bệnh.
Cuối cùng là tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, cải thiện thu nhập, phụ cấp cho nhân viên y tế phù hợp với thời điểm hiện tại./.