Các bệnh viện xin thôi “Tự chủ toàn diện” – Cảnh báo thất bại chính sách

- Quảng Cáo -

TS. Phạm Quý Thọ – RFA

Hai trong số bốn bệnh viện công (BV) của Bộ Y Tế thực hiện thí điểm “tự chủ toàn diện” theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ. Thế nhưng gần đây các BV này đã xin thôi tự chủ. Đây là lời cảnh báo sự thất bại chính sách.

Chính sách “nửa vời”

Nghị quyết 33 nêu trên được xây dựng dựa trên Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nghĩa là tự chủ theo nhóm 2, nghĩa là “tự bảo đảm chi thường xuyên” và, tiến xa hơn là tự chủ toàn diện. Theo đó, các BV đối tượng thí điểm cần được giao đủ điều kiện tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ…

- Quảng Cáo -

Tuy nhiên, chính sách thí điểm này bị ‘chê’ là chính sách ‘nửa vời’ bởi vì quyền tự chủ chưa rõ ràng, những cơ chế, quy định để thực hiện như trên vẫn thiếu hoặc không cụ thể  … Chẳng hạn, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ mà phải tuân theo khung giá của bảo hiểm y tế; quỹ tiền chênh lệch giá không đủ để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế; tiền thuê đất còn bất hợp lý đối với BV trong tự chủ; quy trình tuyển dụng nhân lực cũng còn bị ràng buộc bởi cấp trên… Tất cả những vấn đề trên cần có hướng dẫn hay quy định cụ thể từ cơ quan quản lý chức năng.

Tình trạng “tự chủ trên danh nghĩa” khiến chính sách không thể được triển khai thực hiện. Đã có ý kiến nên chăng dừng thí điểm để nhận xét, đánh giá cần thiết nhằm đưa ra “những mô hình phù hợp hơn”, bởi vì các nhà hoạch định chính sách mong muốn tự chủ toàn diện nhưng lại thí điểm chỉ ở bốn BV trên tổng số 1.400 BV công lập. Hơn thế, do sự chuẩn bị chưa đầy đủ điều kiện, nhất là về pháp lý cho nên sau hai  năm triển khai, cơ chế này đã không thể vận hành.

Nghị định 60 nêu trên của Chính phủ là chính sách tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện của nhà nước, là một bước trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hoá của Đảng Cộng sản từ cuối những năm 1980. “Xã hội hoá”, “sự đóng góp của nhân dân” hay “nhà nước và nhân dân cùng làm”… là các cách diễn ngôn chính trị chỉ ra sự cần thiết huy động nguồn lực xã hội cho phát triển bởi vì nguồn lực nhà nước ngày càng hạn chế và, rằng cần phải xoá bỏ chế độ bao cấp dịch vụ y tế, người dân đi khám chữa bệnh, điều trị, sử dụng thiết bị, thuốc men… đều phải trả tiền. Giá cả của các dịch vụ do Chính phủ quy định và, dần dần, về nguyên tắc, tất cả cần phải được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường.

Suy cho cùng thực chất của chính sách là chuyển đổi sang thị trường. Các bệnh viện công phải vận hành theo cơ chế, thuật ngữ kinh tế có thể gọi là hạch toán, tự chủ toàn diện có nghĩa với hạch toán đầy đủ. Chênh lệch thu – chi sẽ là phần còn lại cho bệnh viện để phân phối. Chính sách này không mới với các doanh nghiệp sản xuất thương mại và, hơn thế không thực sự như mong muốn của các nhà cải cách khi các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, lãng phí và sụp đổ. Đối với bệnh viện công với những đặc thù của hoạt động dịch vụ y tế việc áp dụng kiểu chính sách này đã và đang bộc lộ những bất cập cho thấy sự thất bại khó tránh khỏi.

Lời cảnh báo

Sự thất bại của chính sách tự chủ cần được cảnh báo khi yếu tố khuyến khích (incentives), động cơ thúc đẩy cho các bệnh viện và người lao động đã không được hỗ trợ bởi quyền tài sản chắc chắn, môi trường pháp luật đầy đủ và đồng bộ, một chính phủ trong sạch và thị trường lành mạnh và cởi mở… Chính sách này ngày càng trở nên ‘mong manh, dễ vỡ’ mỗi khi có biến động trong môi trường kinh tế vĩ mô và thể chế không ổn định.

Các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách xác định mục đích của chủ trương xã hội hoá y tế nhằm phát triển các cơ sở y tế, nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, họ muốn sự vận hành của cơ chế tự chủ BV phải được kiểm soát bởi họ, chứ không phải bởi thị trường, để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, sự thiếu vắng hành lang pháp lý cho cơ chế thí điểm tự chủ toàn diện vận hành thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, việc xây dựng chính sách trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” là vấn đề phức tạp. Thị trường dạy mọi người làm việc nhiều hơn để có thu nhập cao hơn, sự thành công bước đầu của chính sách tự chủ tài chính, nhưng phát triển thị trường lành mạnh và cởi mở cần những nguyên tắc vận hành phù hợp, trong đó sở hữu tư nhân có vai trò chủ yếu. Thiếu nguyên tắc cơ bản này là nguyên nhân thất bại của chính sách tự chủ. Bệnh viện công tự chủ toàn diện không thể vận hành lành mạnh như bệnh viện tư nhân với quyền tài sản phải được đảm bảo chắc chắn.

“Rối như canh hẹ”

Lời cảnh báo thất bại chính sách tự chủ toàn diện theo 33/NQ-CP của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng y tế bắt nguồn từ đại dịch và cộng hưởng với chiến dịch chống tham nhũng với tình trạng ngành y tế rối ren, lộn xộn và tâm trạng bối rối, lẫn lộn không giữ được bình tĩnh mà không có cách giải quyết. Thực trạng này được ví “rối như canh hẹ” (Câu thành ngữ Tiếng Việt: cây lá hẹ, một loại rau có nhiều công dụng tốt, nhưng khi nấu chín lá hẹ rối vào nhau khó múc) làm phức tạp thêm “Bài toán khó của quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan” (Báo Lao Động 21/8/22). Trong báo cáo tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân… bà quyền Bộ trưởng đã nêu ra mười bốn vấn đề khó khăn cấp bách được chỉ ra với nhiều kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách…

Việc các bệnh viện xin thôi tự chủ toàn diện là một trong rất nhiều những hiệu ứng từ khủng hoảng. Tuy nhiên, sự khác biệt với những ‘lời ai oán’ về tình cảnh thiếu thuốc men, trang thiết bị khám chữa bệnh, đời sống khó khăn, bỏ việc của đội ngũ nhân viên y tế và hậu quả mà người bệnh gánh chịu thì hiệu ứng cảnh báo đã phơi bày những bất cập, tính không khả thi của chính sách này và đồng thời cho thấy tình trạng khó khăn ngành y tế sẽ tiếp tục kéo dài.

Môi trường thể chế trong bối cảnh chuyển đổi thị trường sẽ thách thức bất kỳ chính sách cải cách nào nếu không tuân thủ các nguyên tắc vận hành của thị trường. Bởi vậy, chính sách tự chủ toàn diện cho các bệnh viện công cần phải đặt trong lộ trình tư nhân hoá thực sự. Đây là điều bắt buộc để kiến tạo một trật tự cạnh tranh lành mạnh và cởi mở trên thị trường./.

- Quảng Cáo -