Phóng sinh cho ai?

Một người bán chim phóng sinh nhặt từ trong lồng những chú chim chết, chim yếu quăng đầy trước cổng lăng Ông, Bà Chiểu (TP.HCM) - Ảnh: Mễ Thuận
- Quảng Cáo -

FB Dạ Ngân

Vỡ đê đạo đức, vỡ đê đức tin…

“Cái sự cuồng tín với những thứ xung quanh thánh thần (không phải với thánh thần), là hệ thống đức tin sụp đổ. Người ta không quên cái câu có làm thì mới có ăn của ông bà dạy, nhưng nhìn lên họ nhìn thấy nhan nhản những kẻ chẳng làm gì mà vẫn phởn phơ, vẫn ngồi trên trước. Nhìn xuống lại muôn trùng người tốt lăn lóc mưu sinh, sống thua thiệt cả đời. Chỉ có một thứ thay đổi số phận con người: phép màu của thần thánh.
Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất.
Đứng ở đền chùa, thấy lòng người đang loạn lạc rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào. Vỡ đê đạo đức, vỡ đê đức tin…” (Nguyễn Ngọc Tư)

Chỉ lấy Tiền, không lấy Sen!

- Quảng Cáo -

Thấy có mấy học trò hay khen chê thức ăn do người dân cúng dường, một hôm Phật mới sai tôn giả A Nan mang áo cà sa ra sông giặt và kêu nhận cho chìm xuống. Nhưng lạ, áo không chịu chìm, A Nan lấy đá đè lên mà vẫn vô dụng.
Phật bèn bảo A Nan, “Thử lấy một hạt cơm còn sót lại trong bát bỏ lên áo coi sao”. A Nan làm theo, quả nhiên áo chìm ngay.
Nhân đó Phật mới hướng đến các học trò mà nói: “Mỗi hạt cơm của tín thí cúng dường nặng như núi Tu Di. Nếu thọ nhận của cúng dường mà không tu hành đắc đạo thì sẽ mang nợ…”.
Câu chuyện này có thể chỉ là một truyện tích trong cửa Phật, nhưng nó cho chúng ta biết quan niệm của những người Phật giáo chân chính, rằng nhận của bố thí nơi chúng sinh thì phải hết sức tằn tiện và ra sức mà tu hành – chứ không phải tay quơ tiền thoăn thoắt như Ba Vàng. Ôi, cái hình ảnh ấy mới ti tiện làm sao: chỉ lấy tiền, không lấy sen!
Bớt tiếp tay cho phường lừa đảo đi, bà con ạ. (Thái Hạo)

Nhà thờ – chùa chiền – thánh thất… hiện diện đan xen ở miền Nam như lịch sử pha trộn và giao thoa mấy trăm năm dài của đất này. Không thù hận nhau như hận thù âm ỉ ở một số quốc gia không muốn thở cùng nhau bầu khí quyển tự nhiên. Có lẽ, do chiến tranh quá dài phủ trùm tất cả, mọi người chung một đau thương, có nơi để hướng về, để gặp nhau dễ dàng, là may.

Số đông theo Phật, tự ngàn xưa, giống nhiều quốc gia lân bang xem Phật giáo là xương sống tâm linh. Chùa – đình – đền làm nên văn hóa tam đồng theo bước chân người mở cõi. Chùa của người Hoa không đóng cửa với người Việt di dân và người Việt đến đó vì gần, vì thấy tiện, đơn giản như mọi sự vẫn đơn giản ngày đất mới. Chùa Khmer để người Việt đến vãn cảnh, như một địa chỉ văn hóa bản địa có kiến trúc lạ, đẹp.

Mọi việc tuần tự theo nhịp thời gian, theo rằm. Người già và con trẻ nghiêm ngắn đến cửa chùa, bái lạy, hoa trái nhẹ nhàng khói hương. Những nơi chiến tranh tàn phá hết, người già thỉnh Phật lên bệ cao hơn bàn gia tiên để phụng. Loạn lạc xấc bấc hơn thì tối tối, bước ra ngoài nhìn trời nhìn mây mà khấn, lời của tâm, cũng thấy yên.

Người viết bài này ra Bắc từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Nghe rằng chùa bị phế, đình bị trưng dụng làm kho Hợp tác, vẫn thấy còn khá nguyên vẹn hình hài và tất thảy đang được dân chúng tu sửa. Dân chúng là mẹ cha, là người nhà của quan chức từ thấp đến cao nên chính quyền mặc nhiên để dân chúng cư xử với nơi thiêng trong tâm thế trở lại ngày xưa. Tôi ngạc nhiên với sự rêu phong cổ kính khắp nơi, bằng với sự ngạc nhiên của người Bắc sao chùa đình ở miền Nam sáng choang như thể lai Tàu? Hãy tự khám phá vì sao, đừng thắc mắc.

Có một thời gian bản lề tầm mươi năm. Thế hệ tăng ni và sư vãi vắng bóng như “tuyệt chủng” bởi thiết chế và hợp tác hóa, bỗng xuất hiện đông đúc, măng trẻ và hăm hở. Dân chúng hồn nhiên như muôn đời hồn nhiên, họ tấp nập cầu cúng, xin xỏ, tham quan, vãn cảnh. Có hai sắc thái để định dạng ai người ở phía ngoài và ai người người phía nam trong hành vi với tâm linh: một phía bày vẽ lễ vật và giắt tiền khắp nơi có thể giắt ở chỗ họ đến; một phía tự biết và được các sư, các từ, các thiền sĩ nhắc nhở trật tự, thành tâm, khoan hòa.

Thế nhưng, không thể đổ việc phóng sinh hiện nay bắt nguồn ở Bắc được. Rõ ràng những chùa nhiều tuổi ở Sài Gòn là đầu têu, nếu dám nói thẳng như thế. Chim trời do ai đánh bắt, thuốc mê thuốc dụ do ai bày ra, thậm chí may mù mắt chim và dùng các tiện ích điện tử để chúng chỉ lê lết rồi lại sa bẫy. Ngày mỗi hoành tráng những lồng sắt trước khi được tháo cũi, có sự chứng giám của phấp phới giới cà sa? Ôi có phải các sư thầy cũng rất biết cạnh tranh nhau ở sự hoành tráng vô lý này?

Những chiếc lồng nhốt chật cứng những chú chim bé nhỏ kiệt sức sắp được bán để phóng sinh

 

 

Một chú chim bị gãy cánh, nên dù được mua thả phóng sinh nhưng không thể bay được…
… sau đó làm mồi cho chó!

Người Việt ngày xưa tiếng là thất học, thậm chí đa số mù chữ nhưng vì sao tâm họ sáng hơn người Việt bây giờ? Điều gì đã làm họ trở nên tăm tối và lạc hậu đến như thế, qua việc phóng sinh, qua những biểu hiện dường như không còn có thể mô tả xuể ở Đền, ở Mẫu, ở Đình, ở Chùa, thậm chí ở những nơi như mộ Chị Sáu trong nghĩa địa Hàng Dương? Là người Việt của chúng ta đó ư, sao tôi không thấy có sự liên kết cảm động và tự hào trước một đám đông như thế? Có những thế lực ma quỷ nào khiến đám đông người Việt hôm nay bỗng trở nên xôi thịt đến thế ở những nơi thanh cao (chả lẽ liên quan đến xôi và thịt làm vật cúng?)

Người viết bài này nhớ mãi hai cảnh huống trong một buổi sáng. Lần đó ở chợ Cần Thơ, mẹ con tôi đứng chờ để mua cá đồng. Một người đàn ông tầm sáu mươi tuổi phóng xe máy đến, vẫn ngồi nguyên trên xe, bảo mua mão số cá ấy, bao nhiêu? Hỏi cá đủ cỡ mua chi hết vậy, làm món gì vậy? Thì ra vợ dặn mua hết để đem ra sông phóng sinh! Thế là mẹ con tôi bỏ đi, tìm mua thứ khác. Bỗng thấy một cô hàng cá làm đổ một thau cá ròng ròng xuống lòng đường. Cá ròng ròng là cá mới sinh của một mẹ cá lóc (cá quả), rất dễ nhận diện. Mẹ con tôi xúm vào hốt giúp mớ cá và không ngừng trách cứ cô nàng tội đánh bắt tận diệt này. Người đàn ông ban nãy thản nhiên phóng xe máy qua, cán chết một ít cá con còn chưa được hốt lên. Chúng tôi mua ngay mớ cá ấy và bước ra con sông nhỏ trước cửa chợ, phóng sinh. Biết rằng cá sơ sinh trong sông sâu nước xiết, khả năng sống sót có thể bằng không. Nhưng làm sao có thể để chúng chết bẹp dưới những bánh xe hoặc ai đó mua về thản nhiên nấu lên? Hình ảnh người Việt hào hứng ăn cá ròng ròng và đám cá nhoe nhoét trên lòng đường hôm ấy khiến tôi buồn mãi.

Tuyệt vọng, có thể nói chúng ta tuyệt vọng vì chúng ta, được chưa?

D.N.

Nguồn: FB Dạ Ngân

- Quảng Cáo -