Mấy ngày nay, mạng xã hội Việt Nam nổi lên vụ ba anh lính cứu hỏa Hà Nội bị chết trong lúc cứu một dịch vụ karaoke. Đương nhiên, các người lính này xứng đáng được xem là anh hùng và được phong liệt sĩ. Và đương nhiên họ cũng xứng đáng để nhận sự ngưỡng mộ của nhiều người. Rất tiếc là trong chuyện này lại thêm màu sắc tuyên truyền và xây dựng hình ảnh cho công an, rồi lăng xê hết cỡ đâm ra… có phần lố bịch và mất hết cảm xúc.
Sở dĩ phải nhắc đến chuyện này trong lúc tang gia bối rối của gia đình các nạn nhân công an bởi vì, có ba lý do để chúng ta (nói chung) nên nhìn lại mình và nên tự cảm, tự phản tư, phản tỉnh thay vì lu loa ca ngợi và reo hò. Các lý do ấy, rất tiếc đến từ ngay ngành cứu hóa, phòng cháy chữa cháy và công an Việt Nam. Có thể nói rằng bàn về mức độ chuyên nghiệp thì không đâu thiếu chuyên nghiệp như cứu hỏa Việt Nam, bàn về sự tốn kém thì cũng không đâu như Việt Nam và, bàn về công tác phòng cháy chữa cháy các địa phương, hình như chưa có nơi nào tệ hơn Việt Nam.
Thử nhìn lại các bảng tin và videoclip cứu hỏa tại Việt Nam, từ việc tập dượt cho đến hiện trường thực tế, dường như chẳng có video nào không khiến người xem tức thở. Nghiệt nỗi tức thở vì khó chịu, vì sợ hãi, vì tuyệt vọng chứ không phải tức thở vì hồi hộp, gay cấn.
Thử xem cảnh lính cứu hỏa nhảy từ xe cứu hỏa xuống đất với dáng bộ đầy vẻ chậm rãi, ung dung tự tại, thiếu điều vừa nhảy vừa cầm cây kem nhấm nháp, liếm láp… nhảy xuống xong, lại từ tốn mở cuộn dây ống nước, trong lúc anh này mở dây ống nước thì anh kia đi tới đi lui, nhìn qua nhìn lại coi bộ rất là chỉn chu và nghiêm cẩn.
Sau khi mở cho đường dây ống nước duỗi đều, thì các anh tra ống nước vào vòi phun, tra xong thì các anh gắn vào bồn nước và lúc này máy bơm nước hoạt động, các anh là lính cứu hỏa Việt Nam nên phần lúng túng, hồn nhiên bao giờ cũng nổi trội. Chỉ việc cầm cái ống cứu hỏa chĩa cho đúng điểm cháy không thôi cũng tốn vài chục giây, có nhiều anh tay yếu, cầm vào, áp lực nước mạnh khiến tay run, vòi chĩa lung tung…
Nhìn chung, qui trình chữa cháy của các anh rất chi là đặc trưng: Thứ bảy cháy, gọi các anh đến, các anh đến và kết thúc phần chữa cháy vào thứ hai tuần sau, Chủ nhật thì mọi người cùng xúm nhau chạy lửa và nhặt những gì còn sót lại…Và quan trọng hơn cả là chữa cho nó khỏi cháy lan sang nhà khác, chứ nhà đang cháy thì coi như xong rồi. Chuyện từ xưa đến giờ vẫn thế, chưa có gì lạ. Tuy vậy, chứ kinh phí bỏ ra để đào tạo lực lượng, trang bị phương tiện thì lúc nào cũng cao hơn các nước khu vực. Nghiệt nỗi, các anh cũng chỉ là nạn nhân, kẻ có chức có quyền nó đã độ, đã luộc hết đồ tốt, các anh phải chiến đấu với lửa bằng những thiết bị đã luộc, biết là vậy nhưng vẫn phải cắn răng mà chịu chứ dám nói đâu!
Và, việc chữa cháy, dù thành công hay thất bại, thì cứ gọi các anh ra, việc đầu tiên là các anh đến chữa cháy, sau đó là bên bị cháy phải đóng tiền cho ngành chữa cháy, mỗi lần hụ còi, lăn bánh, đội các anh thu về ít nhất cũng năm chục triệu đồng, cao thì hàng trăm triệu đồng, trường hợp chữa cháy các tòa nhà lớn, cơ xưởng thì tiền tỉ đấy. Nhưng cháy vẫn cứ cháy, cứu được chừng nào mừng chừng đó. Và quan trọng hơn cả là các anh biết nghe lời chỉ huy, nơi nào chỉ huy ra lệnh bằng mọi giá phải cứu thì cho dù đó là tụ điểm ăn chơi dễ cháy cũng phải ưu tiên, phải nâng niu hơn cả trường học hay bệnh viện, công xưởng, cho dù phải chết để cứu… Sự thật nó phũ phàng vậy đó.
Và lần này, các anh, sau khi một nhóm tượng tại Hà Nội được trưng bày, trong đó có hình ảnh ba người lính cứu hỏa cùng với các lực lượng khác phối hợp trong một buổi thao diễn thì phải?! Vậy là có ngay ba lính cứu hỏa bị chết cháy sau đó, còn chuyện gì nữa về sau thì chưa biết nhưng rõ ràng quá đáng sợ. Chỉ mong rằng những đối tượng chiến sĩ còn lại đã được tính trong các đợt chết trước đây như chết ở nhà cụ Lê Đình Kình, chết do tai nạn giao thông. Ba người chết như vậy là quá đủ và quá đau rồi!
Nghiệt nỗi, giá như người ta biết biến nỗi đau thành nỗ lực khắc phục những thiếu sót, những lỗi lầm của ngành và biết im lặng tri ân, tiễn đưa đồng đội thì hay biết mấy, hà cớ gì phải tổ chức linh đình, phải tạo hình ảnh, tạo sóng, tạo trend cho ngành, thậm chí cho cái chết?! Làm như vậy trở nên lố bịch và cải lương. Bởi có biết bao nhiêu cái chết, sự hi sinh của đồng đội nơi biên giới, hải đảo đã được tri ân và tôn vinh đúng mực chưa? Đằng này làm vậy, thương ai, bỏ ai?!
Làm vậy, đôi khi lại lâm vào kiếp loa phường, cái kiếp mà người ta cứ hơn hớn, lu loa và bu boa rằng là thế là vậy là kia… và đương nhiên là nhờ cả vào công cuộc thần thánh của Đảng, nhờ thiên tài của Đảng và nhờ rất nhiều vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà nhân dân đi từ chỗ tìm đến làng Cổ Nhuế để tranh từng thùng phân xanh cho đến ngồi ở làng Cổ Nhuế mà mơ mộng tương lai như thể Phạm Tuân lên cung trăng và đương nhiên giấc mơ đi ra đi vào từ vườn rau đến Cổ Nhuế rồi từ Cổ Nhuế về lại vườn rau trong sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.
Vấn đề loa phường dộng vào tai sớm sớm, chiều chiều ngày càng trở nên khủng hoảng vì nói đi nói lại, nói hoài chừng đó chuyện, nghe hoài đến thuộc lòng, nghe hoài biết nhấn nhá, diễn cảm chỗ nào, xuống giọng chỗ nào và đương nhiên nghe hoài, nhiều người thấy thiếu nó mỗi khi ngồi chồm hổm cầu ao, đôi khi đó là một cách trị liệu chứng táo bón không kinh niên. Tôi từng trải nghiệm cảm giác này, tôi thấu hiểu!
Thực tế, cái loa phường chính thức chết đi từ khi thế giới internet bầu bạn với con người. Internet giúp cho người dân nhanh chóng hiểu ra rằng có quá nhiều thứ con người cần cập nhật và chuyện người ta bịa đặt rồi kể giống như ma nhập trên loa phường không phải ít, từ anh hùng Lê Văn Tám cho đến Phan Đình Giót hay cả những tiếng hô đầy hào hùng của anh Nguyễn Văn Trỗi cũng như mức độ ngây thơ, lãng mạn và sự thông minh, điềm tĩnh của chị Võ Thị Sáu ngoài pháp trường… Những điều này, thế giới internet phản ánh thật hơn, loa phường nói nghe li kì, hấp dẫn và xạo hơn. Bởi loa phường là một con vẹt tuyên truyền, nó chỉ là con vẹt, không hơn không kém, một con vẹt về già, không còn khả năng sáng tạo điệu hót.
Thế rồi, chưa kịp hoàn hồn bởi quá nhiều khủng hoảng, từ khủng hoảng uy tín đến khủng hoảng đạo đức và khủng hoảng thần kinh lãnh đạo. Cũng xin nói thêm, khủng hoảng uy tín thì chắc không cần nhắc, khủng hoảng đạo đức thì nhìn vào gương mặt các lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương đều có thể bắt gặp, ít hay nhiều thôi, nhưng đáng sợ nhất là khủng hoảng thần kinh lãnh đạo, chưa bao giờ Việt Nam lại khủng hoảng thần kinh lãnh đạo như bây giờ!
Mức độ khủng hoảng tâm thần của giới quan lại Việt Nam hiện nay có thể nói là lên đến báo động đỏ, nó đang là loại tâm thần hoang tưởng về quyền lực quan lại, nó là loại hài kịch kích thích thần kinh mạnh với cái tên đầy tớ nhân dân nhưng kì thực kẻ làm quan tự cho mình cái quyền ngồi xổm trên đầu nhân dân và pháp luật. Thậm chí, người ta tự trang bị cả cái quyền cầm gậy để lùa nhân dân. Bằng chứng là gặp bất kì cán bộ hay quan chức địa phương nào, chỉ cần nói chuyện vài câu là nghe họ thở ra toàn mùi nồng nặc quyền lực, hống hách và coi trời bằng vung. Giả sử có ai đó đang sống trong địa bàn quản lý của họ, cỡ Trưởng thôn, cái chức bé hạt tiêu có danh không phận cũng đủ dạn miệng để mở nói rằng “à, dân của ta”, ý là dân của ta quản lý, dưới quyền cai quản của ta!
Ảo tưởng quyền lực và khủng hoảng tâm thần, ảo giác ngồi trên đầu nhân dân của giới cán bộ đã nhanh chóng biến những cái loa phường thành loại âm thanh vô cùng khó chịu và bẩn thỉu. Hay nói khác đi, loa phường rơi vào khủng hoảng niềm tin và cho hiệu ứng ngược. Chính vì vậy, những câu chuyện nào đó có chút tình người của giới cán bộ, đảng viên sẽ nhanh chóng được thổi phồng, biến thành tiêu điểm, thành ngôi sao của đời sống. Và đương nhiên ít ai lường được độ kệch cỡm, vẻ phô lậu của nó. Trường hợp Đoàn Ngọc Hải làm từ thiện, diễn sâu, rồi các nhóm công an giao thông đi quét rác hoặc gần đây là đám tang rình rang đầy nước mắt trên các mặt báo của ba lính cứu hỏa Hà Nội!
Nói cho cùng, Việt Nam chưa bao giờ thoát được kiếp loa phường, bởi lãnh đạo chưa bao giờ bước qua được thứ tư duy loa phường!
Viết Từ Sài Gòn