Lynn Huỳnh – (VNTB) – “Chúng ta không chỉ không chọn bên mà còn phải chơi được với tất cả các nước lớn và các đối tác khác. Quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cần phải đặt trong bối cảnh đó”.
Ông Phạm Quang Vinh, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, có phát biểu như đoạn trích trên tại hội thảo “Quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden”, do Đại học Fulbright Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 5-8-2022.
Phát biểu đề dẫn của hội thảo có đoạn: “Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những thành tựu to lớn trong hợp tác song phương để thúc đẩy niềm tin, tăng cường đầu tư và hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực, từ công nghệ, giáo dục, nguồn nhân lực cho đến ngoại giao nhân dân.
Trong bối cảnh cả hai nước đang trải qua những thay đổi lớn về chính phủ, đây là lúc chúng ta cần nhìn lại chiến lược đối ngoại của mỗi quốc gia và triển vọng của quan hệ song phương trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới”.
Trong một diễn biến có thể xâu chuỗi về liên quan, đó là việc Ngoại trường Hoa Kỳ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vào ngày 5-8-2022, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với Đối tác từ ngày 2 đến 6-8 tại Phnom Penh, Campuchia.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn lời Ngoại trưởng Blinken nói ông “rất vui khi được gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn”, và “Thông qua Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam, chúng ta đang ngày càng hợp tác chặt chẽ để hướng tới sự thịnh vượng và an ninh chung. Mối quan hệ hữu nghị bền chặt và tầm nhìn chiến lược chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng phát triển”.
Quan sát cả hai nội dung từ hai sự kiện trên, một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo đưa ra nhận định rằng dường như trong số các thành viên ASEAN, thì Việt Nam “là một câu hỏi hóc búa dai dẳng đối với người Mỹ”.
Bởi các quan chức Mỹ hiểu rõ mối thù lịch sử dai dẳng của Việt Nam đối với Trung Quốc, và mối thù này ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tiếp diễn. Vì vậy, Việt Nam có thể là một đối tác tự nhiên của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nói họ đang nhận thấy các lãnh đạo Việt Nam muốn vượt rào đối với cả hai siêu cường.
ASEAN không muốn chọn bên và cũng không muốn bất cứ một cường quốc nào thống trị khu vực. Do đó, dù không tuyên bố công khai, ASEAN ủng hộ nội dung chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ về nhấn mạnh vai trò trung tâm của khối, thể hiện qua Tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được công bố.
Theo nhà ngoại giao Phạm Quang Vinh, “không chọn bên là đúng nhưng chưa đủ”. “Chúng ta không chỉ không chọn bên mà còn phải chơi được với tất cả các nước lớn và các đối tác khác. Quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cần phải đặt trong bối cảnh đó” – ông nhấn mạnh.
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trong các năm tài khóa 2017 – 2021, Việt Nam đã tiếp nhận các khoản hỗ trợ an ninh trị giá khoảng 60 triệu USD từ Mỹ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF).
FMF chủ yếu hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về an ninh hàng hải, bao gồm việc chuyển giao 2 tàu tuần tra đã qua sử dụng của Tuần duyên Mỹ và các xuồng tuần tra Metal Shark. Ngoài ra, Mỹ đã cung cấp các khoản tài trợ trị giá 20 triệu USD thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI), giúp Việt Nam mua các máy bay trinh sát không người lái Scan Eagle.
Đầu tháng 7 năm ngoái, tàu CSB 8021, tàu tuần tra lớp Hamilton từng thuộc biên chế của Tuần duyên Mỹ, đã cập cảng tại Việt Nam. Đây là tàu tuần tra cỡ lớn thứ hai mà chính phủ Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, sau tàu CSB 8020 năm 2017.
“Hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn nhiều dư địa, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn mang đến cả thách thức lẫn cơ hội tại khu vực. Lợi ích của các bên ngày càng đan xen phức tạp hơn giữa lúc khu vực và thế giới liên tục chứng kiến nhiều biến động, từ xung đột ở Ukraine đến căng thẳng eo biển Đài Loan.
Điều quan trọng là tránh đưa ra những quyết định làm thay đổi cán cân quan hệ và đẩy Việt Nam lên tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh” – Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân – cựu Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), khách mời của hội thảo “Quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden”, có bình luận chính trị đáng chú ý như vậy.
Hiện tại thì Trung Quốc vẫn công khai muốn can thiệp vào nhân sự chính trị của các nước láng giềng cùng là đồng minh cộng sản, trong đó mới nhất là việc Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc ủng hộ tướng Hun Manet, con trai ông Hun Sen, là thủ tướng Campuchia tiếp theo.
Ngoại trưởng Vương Nghị nhận định việc ông Hun Manet kế nhiệm Thủ tướng Hun Sen là “chìa khóa để duy trì hòa bình ở Campuchia cũng như đảm bảo tình hữu nghị và hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc”.
Với Việt Nam, từ những gì đang diễn ra công khai trên diễn đàn đối thoại trong nước cho đến gặp gỡ ngoại giao nước ngoài, cho thấy rất có thể “anh cả đỏ Bắc Kinh” đang rất “không hài lòng” chuyện “ra mặt không chọn bên” mà Hà Nội cứ nhấn nhá – bởi rất có thể chung trà đối ẩm hồi nào giữa hai Tổng bí thư giờ đã nguội và nhạt thếch rồi…
Hiện Việt Nam đang thúc đẩy chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden trong năm nay. Nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến sẽ đến Đông Nam Á để dự một loạt hội nghị cấp cao của khu vực và thế giới trong tháng 11 tới.