Khi sự kiện một nhóm phụ nữ chơi trò chơi đồng đội ở biển Cửa Lò, trong lúc hăng say quá có vài người cởi luôn áo ngực để làm đồ múc nước và đã gây ra một làn sóng dư luận ồn ào vẫn chưa kịp lắng xuống thì trang phục trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Quốc gia Hà Nội lại “dậy sóng”.
Hai vụ việc này nhìn bề ngoài có vẻ trái ngược (cởi áo và mặc áo) nhưng nếu nhìn sâu thì thấy một số điểm chung thú vị về người Việt.
Hình như chúng ta rất dễ “dậy sóng”. Sự kiện ở Cửa Lò có lẽ không phải là một sự dung tục trác táng, mà chủ yếu do mất kiểm soát vì chơi nhiệt tình quá. Điều đó nên được thông cảm và cả nhìn ở mặt tích cực của nó nữa, chứ không phải nhân danh thuần phong mĩ tục để kết án một cách nặng nề. Còn lễ phục trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHQGHN) thì chỉ là có phần lạ ở Việt Nam thôi, chứ hoàn toàn không lạ với Tây phương. Hiệu trưởng mặc áo thụng, tay cầm quyền trượng, cổ đeo vòng… có thể bắt gặp nhan nhản trên internet chỉ bằng một cú nhấp chuột. Tuy nhiên, lạ là một việc có vẻ khá bình thường như vậy nhưng cũng bị lên án quá mức, biến thành ném đá bằng những lời kết tội nặng nề và tạo thành một làn sóng rầm rộ trên mạng. Chúng tôi cho rằng, những phản ứng như thế là có phần không bình thường trong tâm lý xã hội.
Hình như chúng ta rất hay nhân danh, và nhất là nhân danh truyền thống. Nếu xét về truyền thống thì thật ra từ tóc ta để, áo ta mặc, giày ta mang bây giờ, cho đến nhà cửa, xe cô, yêu đương, văn học, nghệ thuật…, thậm chí cả các thiết chế xã hội như giáo dục cũng đều gần như không có cái gì là “truyền thống rặt” nữa cả. Cuộc duy tân và mở cửa đã biến người Việt thành một cộng đồng Tây hóa từ lâu rồi. Chính vì thế một tinh thần cởi mở, khoáng đạt trên nền tảng thượng tôn pháp luật là điều cần quán xuyến, nhiều hơn là việc quá nặng nề vào các vấn đề mang tính hình thức và biểu hiện cá nhân.
Chúng ta rất hay mắc vào những cái bẫy của mình, tỉ như ta ghét bệnh hình thức nhưng lại lấy chính hình thức để phê phán và quy kết. Không ai nói rằng cởi áo hay mặc áo là tiến bộ, là văn minh cả; nhưng cũng vì thế mà không nên quá nặng nề để dán những cái nhãn về văn hóa, về đạo đức lên đối phương. Không buông tuồng phóng túng nhưng cũng không nên khắt khe và nâng quan điểm.
Vấn đề ở đây chưa hẳn là chuyện yêu cầu tôn trọng sự khác biệt, mà ít nhất và ban đầu là một thái độ bao dung văn hóa, một tinh thần “trung dung”, “trung đạo” để nếu có phê phán thì cũng không sa vào mạt sát và tấn công đến mức “sát thương” nhau.
Có quá không khi nói rằng chúng ta vẫn là một cái làng nhiều chuyện? Có quá không câu “Lời nói đọi máu” vẫn còn đây? Và có quá không khi óc độc tài vẫn còn vẹn trong chúng ta?
Về xã hội dân sự, một trong những quyền cơ bản của con người là quyền được sai. Vì tiền giả định cái quyền này nên mới sinh ra giáo dục, mới sinh ra sự tôn trọng đa dạng, đa nguyên. Để làm gì? Để con người có cơ hội hoàn thiện, nếu không thì sẽ là một xã hội ngột ngạt do sự chuyên chế trong đầu óc mỗi người gây ra cho nhau. Thử và Sai, đó là tinh thần hiện đại. Trong một ngàn lần thử thì may ra mới có một lần đúng, và cái lần đúng ấy sẽ có thể làm thay đổi thế giới. Cũng thế, trong sự đa dạng và phong phú ta mới có cơ may tìm thấy những điều tốt đẹp, thấy hoa trong cỏ dại, thấy vàng lẫn trong đá. Nếu không thể nới lỏng cho nhau một chút để thở thì có khi chết ngạt hết cả mà chưa ai kịp sống cả.
“Tôi không cổ xúy cho sự tùy tiện phóng đãng, nhưng tôi cũng không muốn mình trở thành một người khắc nghiệt. Vì tôi cũng cần phải dành thời gian để sống cuộc đời mình, thay vì mất hết điều đó vào việc bắt người khác phải sống theo ý tôi bằng cách nhân danh những điều mà tôi cho là nên, là phải, là buộc”.
Có những điều dứt khoát phải khiến chúng ta đau khổ, bất bình, phẫn nộ – đó là khi các giá trị sống còn và có tính ranh giới bị xâm hại như sự thật, tự do, nhân phẩm… Lúc ấy, dù có nguy nan cũng cần phải đương đầu; còn lại, nên như ông Trịnh Công Sơn nói “tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”.
Cái chúng ta cần là hạnh phúc, chứ không phải là những chiến thắng trên những đấu trường trong nhà tù của cái tôi chật chội./.
Thái Hạo