Một loạt cựu sỹ quan cấp tướng, tá của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở Hà Nội với cáo buộc nhận hối lộ để bảo kê cho một đường dây buôn lậu xăng dầu.
Theo truyền thông trong nước, 14 bị cáo đang bị xét xử tại Tòa án Quân sự Quân khu 7 trong phiên tòa kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 12/7, là các sỹ quan cấp cao của lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng. Họ bị cáo buộc phạm tội buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm.
Trong số các bị cáo bị đưa ra tòa, nhiều cựu tướng tá cảnh sát biển và biên phòng bị xét xử vì có liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu, trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng, từ Singapore về Việt Nam do Phan Thanh Hữu, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phan Lê Hoàng Anh, cầm đầu và đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai truy tố về tội “buôn lậu”, theo Tiền Phong.
Một số bị cáo khác, gồm các cựu sĩ quan Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông và sĩ quan Biên phòng thuộc các tỉnh phía nam, bị cáo buộc nhận hối lộ của bị can Hữu từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng. Vẫn theo Tiền Phong, một nhóm bị cáo khác thuộc nhóm dân sự bị cáo buộc có hành vi “không tố giác tội phạm.”
Một trong số những người đang bị xét xử là cựu đại tá Phan Thế Anh, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, bị truy tố tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép,” theo các điều 349 và 354 của Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng được Thanh Niên trích dẫn, ông Anh, khi đó là phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã nhận tiền từ ông Hữu để giúp đỡ người này buôn lậu xăng dầu sang Campuchia kiếm lời. Theo thỏa thuận, mỗi tháng ông Hữu chi cho ông Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Cáo trạng cho biết, từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, vị đại tá 49 tuổi đã nhận của ông Hữu 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong phiên xét xử hôm 12/7, ông Anh phủ nhận cáo buộc này và khẳng định chưa bao giờ nhận tiền từ ông Hữu, theo Thanh Niên.
Ghi nhận từ phiên tòa, Thanh Niên cho biết ông Anh không trực tiếp nhận tiền từ ông Hữu mà giao cho một người họ hàng có tên Nguyễn Văn An, trú ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, đi nhận. Theo cáo trạng, ông An đã 16 lần nhận tiền của ông Hữu mang về cho ông Anh trong thời gian từ 10/2019 đến tháng 1/2021. Tại tòa, ông An thừa nhận có nhận tiền từ ông Hữu khoảng 10 lần với tổng số tiền trên 900 triệu đồng nhưng khai số tiền này được ông Hữu nói là “tiền cà phê”.
Cũng trong vụ án đang được xét xử ở Hà Nội, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc hai người vợ của hai vị Tư lệnh vùng Cảnh sát biển đã trực tiếp nhận tiền hối lộ hàng tỷ đồng từ chủ doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam, tức ông Hữu.
Một người trong số đó là vợ của cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, và người còn lại là vợ cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3.
Theo cáo buộc, ông Hữu mỗi tháng chi cho ông Minh 450 triệu đồng từ 12/2019 đến 8/2020 thông qua tài khoản của vợ và con gái ông ta cũng như đưa trực tiếp qua con trai ông. Viện Kiểm sát cho rằng tổng số tiền ông Hữu hối lộ cho ông Minh là 6,9 tỷ đồng để được giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng. Mỗi lần nhập lậu xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam, ông Hữu đều gọi điện, nhắn tin báo cho ông Minh biết để được bảo kê, không bị kiểm tra bắt giữ, theo ghi nhận của Tiền Phong.
Trong khi đó, bà Phan Thị Xuân, vợ ông Thanh, bị cáo buộc nhận tổng số 1,8 tỷ đồng trong thời gian từ 3/2020 đến 1/2021. Viện Kiểm sát cho rằng bà Xuân đã 11 lần nhận tiền của ông Hữu khi biết rõ số tiền này là “nhằm hối lộ chồng” nên đủ điều kiện truy tố về tội “nhận hối lộ” với vai trò giúp sức cho ông Thanh.
Ông Hữu bị bắt vào tháng 2 năm ngoái và sẽ bị xét xử trong một phiên tòa dân sự cùng với hơn 70 đồng phạm trong đường dây buôn lậu vì hành vi vi phạm của họ không thuộc thẩm quyền của tòa án quân sự, theo truyền thông trong nước.
Vụ xét xử các tướng lĩnh cảnh sát biển và bộ đội biên phòng là vụ án mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ năm 2016.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản hôm 30/6 nói rằng đã có hơn 7.000 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng trong 10 năm qua và nhắc lại rằng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” khi tệ nạn này là “một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.” Tuy nhiên theo nhận định của các nhà quan sát và truyền thông phương Tây, chiến dịch được gọi là “đốt lò” của ông Trọng phần nhiều là nhằm để thanh trừng nội bộ các phe phái trong Đảng Cộng sản./.