Nhà cầm quyền CSVN chỉ cho báo chí vòng ngoài đưa tin trong khi quan chức của chế độ không đề cập gì về tin tức Trung Quốc lập căn cứ ở Cambodia, phía Tây Nam của Việt Nam.
Hôm 30 tháng Sáu, báo Quân Đội Trung Quốc ấn bản Anh ngữ ChinaMil đưa tin “Dự án nâng cấp căn cứ Hải quân Ream của Cambodia đã hoàn tất,” trích thuật theo lời phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Tan Kefei (Đàm Khắc Phi).
Mục đích của bản tin này là nhằm phản bác lại những cáo buộc của Mỹ là Trung Quốc lập căn cứ bí mật ở Ream, núp dưới vỏ bọc tài trợ dự án nâng cấp căn cứ hải quân Cambodia.
Lời cáo buộc là căn cứ tại Ream sẽ giúp Trung Quốc một phần theo dõi hoạt động quân sự của Việt Nam tại đảo Phú Quốc và Rạch Giá và phần chính là theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ quanh khu vực Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Đàm Khắc Phi nói rằng, dự án nâng cấp căn cứ hải quân Ream “không nhằm chống lại nước thư ba” cũng như là dấu hiệu “tình bằng hữu sắt đá” giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Cambodia.
Cho tới nay, nhà cầm quyền CSVN, một cách chính thức, không hề đề cập gì về nguy cơ đất nước đang bị Trung Quốc bủa vây tứ phía về quân sự.
Nguy cơ mới nhất được truyền thông quốc tế thời gian gần đây theo nhau phân tích, bình luận về việc Trung Quốc thiết lập căn cứ bí mật tại Ream, Cambodia. Nói khác, không phải Hà Nội không biết hoặc không quan tâm.
Tuy nhiên, tất cả các báo chính thống tại Việt Nam đều nhất loạt đưa tin theo truyền thông quốc tế về buổi lễ động thổ dự án cải tạo căn cứ Ream, kèm theo những lời bình luận, và chi tiết một phần phía bắc của căn cứ này rộng nhiều mẫu tây, có thể rộng tới một phần ba km2, do quân Trung Quốc đặc quyền sử dụng.
Tin tức báo Mỹ nói rằng dự án cải tạo, mở rộng căn cứ Ream gồm cả các doanh trại bộ chỉ huy, phòng họp, nhà ăn, bệnh xá, ụ sửa chữa tàu, bến cảng. Cũng có cả tin nạo vét cảng biển cho sâu hơn nhưng người ta không biết sẽ sâu bao nhiêu.
Tin tức thỏa thuận bí mật giữa Cambodia và Trung Quốc từng được viên chức chính phủ Mỹ giấu tên tiết lộ cho báo chí biết từ năm 2017 mà người này nói có tài liệu làm bằng chứng.
- XEM THÊM: Các giới chức Tây Phương cho biết, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ Hải Quân tại Campuchia
Mấy năm qua cả Phnom Penh và Bắc Kinh đều phủ nhận, thậm chí còn cho viên chức ngoại giao Mỹ đến quan sát năm 2019 nhưng lại giới hạn sự đi lại tại một vài địa điểm mà thôi.
Đến ngày 8 tháng Sáu 2022 thì mới chính thức làm lễ động thổ dự án nhưng người ta ngờ rằng hoạt động xây dựng đã được tiến hành từ trước nên chỉ vài tuần sau đã loan báo dự án đã hoàn tất.
Theo nhà phân tích Zachary Abuza thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ, một căn cứ khi rộng cỡ hai mẫu đất không phải là căn cứ nhỏ mà Trung Quốc có thể đồn trú thường trực một đơn vị.
Chúng sẽ được dùng để thu thập tin tức tình báo, theo dõi hoạt động quân sự và trinh sát các lực lượng khác ở khu vực. Ông cho rằng căn cứ đó cho phép Trung Quốc theo dõi tất cả mọi thứ ra vào Phú Quốc.
Theo nhà báo David Hutt viết trên Asia Times, nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang thuộc viện đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nhận định rằng căn cứ Trung Quốc ở Ream đe dọa nghiêm trọng bộ chỉ huy Vùng 5 Hải Quân Việt Nam chỉ cách đó 30 km.
Năm ngoái, Việt Nam thành lập đơn vị “Dân Quân Tự Vệ Biển Thường Trực” ở Kiên Giang (sát với tỉnh Kampot của Cambodia).
Trong tháng Sáu, Sokvy Rim, một nhà phân tích của Cambodia phỏng đoán là đơn vị bán quân sự vừa nói được thành lập nhằm “thu thập tin tức liên quan đến căn cứ quân sự Trung Quốc (ở Ream) trong tương lai”.
Căn cứ Trung Quốc ở Ream khi hoàn tất mọi công đoạn trang bị và điều hành sẽ là sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở mặt Tây Nam Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam bị bao vây mọi mặt.
Alexander Vuvinh, giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Khu Vực Á Châu – Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii, cho rằng, cùng với việc lập bảy căn cứ trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc “tạo cái kẹp quân sự siết Việt Nam.”
Tháng Mười Hai 2021, khi ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, sang thăm chính thức Cambodia, bản thông cáo chung giữa hai bên có đoạn: “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia”.
Tuy nhiên, hồi năm 2014, khi thấy dư luận quốc tế ồn ào về việc bồi đắp các đảo nhân tạo từ các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam, Bắc Kinh phân bua rằng chỉ biến chúng thành các cơ sở nghiên cứu khoa học và là nơi giúp các ngư dân tránh bão. Bây giờ thì chúng đã trở thành những căn cứ quân sự quy mô và tối tân giúp Bắc Kinh khống chế Biển Đông.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng áp dụng chiến thuật này khi lập căn cứ bí mật tại Ream cũng như mấy nơi khác trên Thái Bình Dương, để bành trướng thế lực./.