Khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Lào với các dấu hiệu từ việc người dân xếp hàng dài tại các trạm xăng, cho đến giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác tăng vọt khi đồng kip nội tệ suy yếu so với đồng đô la.
Khủng hoảng nợ đã và đang gây ra sự tức giận hiếm có đối với các nhà lãnh đạo cộng sản Lào trên mạng xã hội.
Có hơn 1.100 bình luận trên Facebook của Đài Á Châu Tự do đã thể hiện sự phẫn nộ của người dân Lào ngay sau khi một bài báo bằng tiếng Lào với tiêu đề “Nền kinh tế Lào sụp đổ” xuất hiện trong tháng này.
Một phụ nữ giận dữ “Nếu chính phủ không quản lý được kinh tế, hãy cút đi!”.
Sự phẫn nộ công khai này cũng diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội khác bao gồm Tik Tok và YouTube.
Đây là một dấu hiệu hiếm có bởi một công chúng đã bị nhận chìm trong im lặng kể từ những năm 1970 bởi Đảng Cách mạng Nhân dân Lào – đảng cộng sản cầm quyền.
Một nhà quan sát giấu tên cho biết “Mọi người đang mất dần sự sợ hãi và không sợ bị chỉ trích một cách công khai vì cuộc khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ”.
“Truyền thông xã hội là con đường duy nhất mà họ có thể làm trong môi trường chính trị đàn áp của Lào,” ông nói.
Theo Ngân hàng Thế giới, vào cuối năm 2021, nợ công của Lào đã tăng vọt lên 88% tổng sản phẩm quốc nội, với nợ nước ngoài ước tính khoảng 14,5 tỷ USD. Trong năm 2010, các khoản thanh toán dịch vụ nợ nước ngoài của Lào chỉ lên tới 160 triệu USD, có thể được thanh toán bằng doanh thu trong nước. Chỉ hơn một thập kỷ sau đó, các khoản tiền thanh toán dịch vụ nợ hàng năm đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD trong năm nay.
Việc sa thải Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Sonexay Sitphaxay mới đây chứng tỏ sự hoảng loạn đã xảy ra.
Tuy nhiên, khó khăn là các nhà chức trách Lào vẫn chưa sẵn sàng thảo luận cởi mở. Sự im lặng có thể nghe thấy khi Thủ tướng Lào đến thăm Bangkok vào đầu tháng Sáu. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng nợ đang gia tăng của Lào.
“Chúng tôi đã biết về vấn đề này nhưng không có tham chiếu nào về nó tại các cuộc đàm phán chính thức từ phía họ”, theo nguồn tin từ văn phòng của Prayuth, người chứng kiến các cuộc thảo luận, nói với Nikkei Asia.
“Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang phải đối mặt với những rắc rối về nợ nần và muốn được giúp đỡ về kinh tế. Không có gì cả. Rất kín tiếng.”
Nổi bật trong danh sách các nhà cho vay nước ngoài của Lào, tương tự Sri Lanka, là chủ nợ Trung Quốc, chiếm 47% thị phần, phản ánh mối quan hệ chặt chẽ của Lào với Trung Quốc, quốc gia mà trong thập kỷ qua đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư và cho vay lớn nhất của Lào.
Hai món nợ lớn:
– Thứ nhất, Lào đã vay nợ của Trung Quốc để trả cho các tập đoàn Trung Quốc xây đập nước và nhà máy thủy điện ở Lào. Theo báo cáo của World Bank vào ngày 12 tháng 5, ngành năng lượng chiếm hơn 30% tổng nợ của Lào.
Hậu quả cho thấy Lào “đã phải vật lộn để ngăn chặn khả năng vỡ nợ” và bị buộc phải bán quyền kiểm soát lưới điện của mình, của công ty quốc doanh Electricite du Laos (EDL), bán rẻ cho một công ty Trung Quốc, China Southern Power Grid Co. Vào thời điểm đó, năm 2020, EDL đã có các khoản nợ chưa thanh toán khoảng 5 tỷ USD.
– Thứ nhì, Lào đã vay nợ của Trung Quốc để trả cho các tập đoàn xây đường sắt cao tốc 6 tỷ USD nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào. Người dân không thể truy cập được bất kỳ nghiên cứu khả thi nào của nhà nước Lào hoặc Trung Quốc về dự án đường sắt cao tốc này.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Bangkok (BRC) vào năm 2019, cho rằng “mặc dù chi phí khổng lồ của dự án, nhưng các nghiên cứu định lượng về tác động kinh tế của dự án đều rất giới hạn”, và người dân không thể truy cập được bất kỳ nghiên cứu khả thi nào của nhà nước Lào hoặc Trung Quốc về dự án đường sắt cao tốc này.
Nghiên cứu của BRC cũng nhận xét thêm rằng “tàu chở hàng được cho là có lợi hơn cho Thái Lan và Trung Quốc hơn Lào.”
Khi các cơ quan xếp hạng quốc tế cảnh báo về khả năng vỡ nợ của nhà nước Vientiane, nó thu hút các nhà bình luận ngay lập tức về sự tương đồng giữa Lào với Sri Lanka – tham nhũng và nợ Trung Quốc.
Myanmar là con nợ lớn thứ hai của Trung Quốc trong khu vực sau Lào, hiện cũng đang bất ổn.
Việt Nam đứng thứ ba./.