Viết cho một bản nhạc buồn

- Quảng Cáo -

Quốc Việt- VNTB

Ngay cả thời cuộc thì cũng vui bên “thắng”, và buồn bên “thua”, huống hồ gì một ca khúc nào đó…
Thói quen như bao ngày khác, mỗi tối, sau khi xong hết công việc trong ngày, rảnh rỗi, tôi lại ngồi “lướt lướt quẹt quẹt” xem hôm nay có tin gì đặc biệt hay không?

Một tin tức giờ đã cũ: “Theo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, đơn vị tổ chức bị mời làm việc nhằm làm rõ việc ca sĩ Khánh Ly đã hát ca khúc “Gia tài của mẹ”, ca khúc này không nằm trong danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn được cơ quan chức năng duyệt trước đó.

Hiện Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cùng PA03 (Công an tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu sân khấu Mây – In The Nest (phường 7, Đà Lạt) cung cấp giải trình về buổi biểu diễn, cùng clip liên quan đến ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc “Gia tài của mẹ” để làm rõ vụ việc”.

- Quảng Cáo -

Và cũng theo báo này, nguyên nhân dẫn đến vụ làm việc nói trên là bởi: “Một cán bộ thụ lý vụ việc cho hay, việc xử lý vi phạm liên quan đến phản ánh của một số người trên mạng xã hội sau khi nghe ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc nói trên”.

Thật lòng mà nói, theo quan điểm cá nhân của tôi, chả hiểu sao bài “Gia tài của mẹ” lại bị nằm trong danh sách không được biểu diễn?

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn”.

Đó là lời mở đầu của bài nhạc Gia tài của mẹ, ca khúc sáng tác năm 1965. Một bạn cũ nói rằng, sở dĩ bài nhạc này không được “ưu ái” cho hát rộng rãi trong công chúng là vì “hai mươi năm nội chiến từng ngày” và ‘bề trên’ tùy vào giai đoạn mà có những suy diễn khác nhau về mốc 20 năm đó.

Ngay cả như vậy đi nữa thì điều có gì là sai?

Ngược dòng lịch sử, theo những gì tôi nhớ, trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, chấm dứt sự đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Đến năm 1955, Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam. Từ 1955 đến 1975 là 20 năm. Chẳng biết ý tác giả có phải như vậy hay không trong một dự cảm dù bài hát hoàn thành từ 1965?

Thiết nghĩ, trong hai mươi năm đó, gọi là nội chiến, cũng chẳng có gì là sai. Bởi, suy cho cùng, dù thời điểm trước năm 1975, có sự xuất hiện bởi nước ngoài ở miền Nam đi chăng nữa, thì việc “chĩa súng” bên sang bên kia bờ Hiền Lương của phía Bắc, hay từng quả pháo vào miền Nam, đều là vào đồng bào của mình.

Những ngày trước năm 1975, mỗi khi có pháo kích là gia đình lại phải chạy xuống hầm và những ngày sau 1975 với “đánh tư sản”, có lẽ, khó có thể nào quên được những hình ảnh ấy.

Những năm 2010, có dịp đi Hoa Kỳ, tiếp xúc với nhiều người dân bản xứ, tôi nhớ, khi được hỏi bạn từ đâu đến. Tôi đã trả lời, tôi đến từ miền Nam Việt Nam. Và họ hiểu, họ biết. Đến cả người nước ngoài hiểu, còn đằng này…

Thiết nghĩ, với “Gia tài của mẹ”, thay vì hạn chế biểu diễn, nên mở rộng hơn đến với công chúng. Trước là vì mục đích cao cả hoà hợp – hoà giải. Sau là bài học đạo đức với:

“Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà”

Kể từ cái ngày Tháng Tư đen năm ấy, cho đến tận hôm nay, ngót nghét cũng đã gần 50 năm. Muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, song, vẫn còn đó một số ý kiến phản ánh của một số người trên mạng xã hội sau khi nghe ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc “Gia tài của mẹ”, để rồi đơn vị tổ chức phải bị mời làm việc… Dường như, câu chuyện hoà hợp – hoà giải vẫn còn là bỏ ngỏ.

Nhớ lại cái thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, còn là Bí thư của lớp, nghe ra rả thông tin sở dĩ không hoà hợp – hoà giải được là do đến từ phía miền Nam Việt Nam. Với vấn đề liên quan đến ca khúc “Gia tài của mẹ” này, xem ra, điều đó là chưa chính xác.

Xin đừng ra rả chúng ta đều là anh em, đều là con Rồng cháu Lạc, cùng chung bọc của Lạc Long Quân – Âu Cơ, là “đồng bào”, nếu đúng như vậy, những trận chiến trước năm 1975, kêu là nội chiến, thì có gì là sai?

Một nước Việt buồn… Ừ thì “buồn” ở bên này, nhưng là “vui” triền miên cho bên kia (!?).

- Quảng Cáo -