Chính phủ thuế (kỳ 5)

- Quảng Cáo -

Nguyễn Thông

Phải nói ngay rằng, bàn về thuế ở xứ ta thời nay có nói cả ngày cũng chả hết. Xưa kia, người cộng sản lôi kéo quần chúng nhân dân, nhất là nông dân (đông nhất, đội quân chủ lực của cách mạng) chỉ cần dụ đi xóa sưu cao thuế nặng là đảm bảo họ sẽ cùng nhau đi hồng binh liều thân rồi.

Thời nào cũng vậy, phong kiến thực dân cũng như cộng sản, thuế luôn là tai ách đối với dân chúng, càng ngày càng nhiều, càng nặng.

Quay trở lại chuyện giá xăng, bởi nó điển hình cho thuế phí hiện nay. 14 kỳ tăng liên tiếp, dân chúng cắn răng chịu bởi không chịu cũng chẳng làm gì được nhà nước, vả lại còn nghĩ cả thế giới tăng, bán xăng giá cao, đâu riêng xứ mình. Kiểu như “đau mắt bởi tại hướng đình/cả làng đều thế phải mình chi em”, tự an ủi để mà sống. Công nhận bộ máy tuyên truyền của nhà nước quá siêu, luôn làm cho dân chúng hiểu xăng tăng giá là chuyện chẳng đặng đừng, chứ chính phủ không muốn thế. Cả thế giới bán xăng dầu giá cao, mình đâu thể đứng ngoài. Ngay cả dân Mỹ cũng lao đao bởi giá xăng, nói chi ta. Báo còn thương cảm dân Đức bị đứt bữa kia kìa. Cần thông cảm với chính phủ, cùng chính phủ vượt khó, ráng qua cái đận này, v.v.. Phải công nhận dân mình hiền, cả tin, tăng thế chứ tăng nữa vẫn chấp nhận đau thương.

- Quảng Cáo -

Nhưng sự đời oái oăm. Đùng một cái, ngay sau cuộc điều chỉnh tăng giá khiến xăng RON95 vọt lên hơn 31.500 đồng/lít, có thông tin giá xăng của “bạn” Mã Lai (Malaysia) chưa tới 13.000 đồng/lít, chỉ hơn 1/3 giá bên ta (theo tin mới nhất ngày 13.6, lại hạ xuống chỉ còn 10.763 đồng/lít, tức là chưa tới 1/3 giá ta). Không phải tin đồn bậy, không từ thế lực thù địch, viết tân việt tiếc, mà do chính vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái, công bố tại một hội thảo công khai ở Sài Gòn. Lộ mẹ nó hết bí mật. Bộ Công Thương giận dỗi, làm mình làm mẩy. Chính phủ đòi điều tra thông tin, đích thân thủ tướng chỉ đạo “làm ra nhẽ”. Có ông to to còn yêu cầu vị đại sứ phải giải trình.

Ở một nước thứ gì cũng bí mật, giấu giấu diếm diếm thì thông tin khách quan đó chả khác quả bom, phơi bày những điều lâu nay người ta cố ỡm ờ, hư hư thực thực, thậm chí đào sâu chôn chặt. Lạ, nhẽ ra phải cảm ơn ông đại sứ đã cho thông tin quý giá để mà điều chỉnh lề thói làm ăn thiếu đàng hoàng thì người ta lại gây khó dễ, đòi này đòi nọ, bắt phải “nói lại cho rõ”, “đính chính” dù thông tin không sai tẹo nào.

Khi nền kinh tế khó khăn, hàng hóa, trong đó có xăng dầu, bị tăng giá là điều không tránh khỏi. Tăng từ thứ nhỏ nhất như cái đinh, cuộn chỉ, bó rau, quả trứng, tới chiếc máy, chiếc xe, mảnh đất, ngôi nhà. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chỉ thấy tăng, chưa hề chứng kiến cái gì giảm. Vẫn nghe người ta đùa nhau, đảng-nhà nước quản lý toàn diện thì thứ gì cũng tăng, chỉ lương/thu nhập là giảm.

Xe công

Tại sao cùng hoàn cảnh kinh tế na ná nhau, thậm chí Mã Lai không có những ưu thế như Việt Nam, chẳng hạn “xứ nóng khí hậu tốt/rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu/nhân dân dũng cảm và cần kiệm/các nước anh em giúp đỡ nhiều”, không có đảng sáng suốt tổ chức mọi thắng lợi, không có chính phủ liêm chính, không có truyền thống vẻ vang đánh bại hai đế quốc to, không có mặt trời rực rỡ, v.v.. mà giá xăng (không chỉ xăng) lại chênh nhau một trời một vực; trong khi người đổ xăng An Nam kêu như vạc mỗi lần giá tăng thì dân chúng Mã lại vui vẻ bình an bởi giá liên tục hạ. Điều này đã được một quan chức Bộ Công Thương sổ toẹt: Xăng ta giá cao bởi phải cõng gánh cực nhiều thuế phí, chiếm tới gần nửa giá thành. Mà ai cũng rõ, thuế phí ấy đều để móc túi dân, chứ đám quan chức quyền hành, giá xăng dẫu tăng mấy chăng nữa cũng chả mảy may quan tâm bởi họ đi xe công, có phải trả tiền đổ xăng bao giờ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Kỳ 1, 2, 3, 4: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02sQ5ep2UpusNTVi3N8f23bgN4fhXMhacd9HZzSsjRuG2wMbYVPtsvcUNHjYHKhLL6l&id=100024722048900

- Quảng Cáo -